bna-mai-hoa-4869.jpg Chiều 6/6, Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh có cuộc làm việc với Ban Dân tộc tỉnh theo chương trình giám sát việc thực hiện đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2017 đến nay.

Bà Lô Thị Kim Ngân - Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Một số hạn chế cần quan tâm

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tại Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025, tỉnh Nghệ An có 2 đơn vị thuộc phạm vi đề án, gồm bản Văng Môn và xã Nga My (huyện Tương Dương); đối tượng thụ hưởng trực tiếp là dân tộc Ơ Đu – dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người (tiêu chí để xác định dân tộc thiểu số rất ít người).

Trên cơ sở Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh và huyện Tương Dương tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án để triển khai.

bna-mai-hoa-5-6036.jpg

Ông Vy Mỹ Sơn - Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh báo cáo với đoàn giám sát kết quả thực hiện dự án dân tộc Ơ Đu. Ảnh: Mai Hoa

Từ nguồn Trung ương cấp trong 3 năm (2018 – 2020) với hơn 42,7 tỷ đồng, tỉnh đã tổ chức hỗ trợ đồng bào Ơ Đu phát triển sản xuất và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc Ơ Đu.

Trong hỗ trợ phát triển sản xuất, gồm cấp giống bò nuôi 304 con gắn với xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ khai hoang đất trồng cỏ, ngô làm thức ăn cho bò, hỗ trợ thú y…

Về hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, gồm khôi phục trang phục, nghi lễ và lễ hội truyền thống, tiếng nói của dân tộc Ơ Đu.

bna-mai-hoa-3-4195.jpg Bà Quế Thị Trâm Ngọc - Phó trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Ơ Đu nói riêng và dân tộc thiểu số nói chung. Ảnh: Mai Hoa

Hiệu quả dự án đã góp phần duy trì, phát triển nâng cao nhận thức, bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết; từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về sản xuất, cải thiện đời sống vật chất cho người dân được thụ hưởng.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ ra nhiều tồn tại trong việc hỗ trợ dự án nuôi bò chưa tính đến việc đảm bảo được nguồn thức ăn cho vật nuôi khi định hướng của dự án là nuôi nhốt.

Tính trông chờ, ỷ lại trong đồng bào còn lớn; số bò bị người dân bán sau khi hỗ trợ hoặc bị chết lớn hơn gấp nhiều lần số bò sinh trưởng. Một số vấn đề về tái định cư, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cần quan tâm.

bna-mai-hoa-1-3485.jpg Ông Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh nêu một số vấn đề cần quan tâm trong triển khai các dự án, chính sách vùng dân tộc nói chung và dân tộc rất ít người nói riêng đảm bảo bền vững, hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa

Đặc biệt là vi phạm trong công tác quản lý, triển khai dự án là bài học cần rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ.

Xét tổng thể, nguồn vốn Trung ương bố trí thực hiện đề án phát triển dân tộc Ơ Đu đạt thấp so với nhu cầu vốn được duyệt, chỉ đạt 35% kế hoạch vốn; do đó mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5-7% chưa đạt được theo đề án được duyệt.

bna-mai-hoa-2-9910.jpg Ông Vương Quang Minh - Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu, thành viên Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia ý kiến tại cuộc làm việc.

Cần có hướng đi mới cho dân tộc thiểu số rất ít người Ơ Đu

Kết luận tại cuộc làm việc, bà Lô Thị Kim Ngân - Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh cần đánh giá toàn diện việc triển khai dự án dân tộc thiểu số rất ít người Ơ Đu theo mục tiêu, chỉ tiêu Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, trên cơ sở đó có những kiến nghị, đề xuất phù hợp theo hướng đi mới cho dân tộc này.

Mặt khác, Ban Dân tộc tỉnh cũng cần chủ động phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương để tham mưu, đề xuất với tỉnh về định hướng cũng như lựa chọn các dự án, xác định rõ các loại cây, con, sản phẩm chủ lực phù hợp với từng địa phương tập trung hỗ trợ chính sách theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều dự án thành phần.

bna-mai-hoa-7-2186.jpg

Các thành viên đoàn giám sát của Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời triển khai thực hiện Quyết định số 1227 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025 và tiêu chí xác định dân tộc còn khó khăn, khó khăn đặc thù tại Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020.

Mai Hoa