bna-img-4850-6704.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo

Đối với nhà đầu tư, việc lựa chọn điểm đầu tư cần cân nhắc đến nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ PCI, mà cả về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, chất lượng của cơ sở hạ tầng, trong đó có chất lượng điều hành. Các tỉnh miền Trung có những thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều bất lợi (vì khoảng cách cảng biển quốc tế tương đối lớn, có những vấn đề về mặt bằng, về thiên nhiên…).

Về điều kiện tự nhiên, Nghệ An có những thế mạnh và điểm yếu. Về cơ sở hạ tầng Nghệ An có những lợi thế như có đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không quốc tế… Hạ tầng các khu công nghiệp những năm gần đây chuyển động mạnh, quy hoạch mở rộng nhiều. Nhưng chất lượng hạ tầng so với mặt bằng chung tương đối hạn chế. Vùng phía Tây của tỉnh còn có trọng trách đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh... Tỉnh Nghệ An có tăng trưởng GRDP đạt 6,2% trong năm 2021, đứng thứ 22 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh còn thấp. Về điều kiện kinh tế có tăng trưởng tích cực, xuất nhập khẩu trong năm 2021 có kết quả tốt dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Dòng vốn đầu tư đóng góp quan trọng, đứng thứ 28 về tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu so với cả nước…

Năm 2022, thu hút FDI của tỉnh có khởi sắc, nhưng nhìn chung vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Lũy kế đến hết tháng 5/2022, Nghệ An đã thu hút được 107 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,98 tỷ USD, tương đương tỷ trọng khoảng 0,3% số dự án và 0,5% số vốn đầu tư tích lũy của cả nước. Mật độ doanh nghiệp bình quân/1000 dân thấp, đứng thứ 38/63 tỉnh thành. Toàn tỉnh có khoảng 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm 2021, Nghệ An có 1.872 doanh nghiệp thành lập mới với tổng nguồn vốn đăng ký trên 20.098 tỷ đồng.

Về điều kiện xã hội, tỷ lệ xuất cư tương đối cao, lao động tại Nghệ An có xu hướng di chuyển đến các địa phương khác làm việc; dân số toàn tỉnh: 3.409.800 người; mật độ dân số: 207 người/km2, (thấp hơn trung bình cả nước: 297 người/km2). Thiếu lao động có chất lượng có thể là một thách thức với địa phương. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tính đến hết năm 2021 khoảng 1.620.600 người, chiếm 47,53% dân số (thấp hơn trung bình cả nước là 51,33%). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo chỉ là 23,4%, đứng thứ 11/14 trong khu vực miền Trung, và thứ 32 cả nước.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam. PCI phản ánh trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp về các khía cạnh trong hoạt động điều hành kinh tế địa phương. Kết quả PCI so sánh được giữa các tỉnh, thành phố và giúp thúc đẩy hành động cải cách. Với cơ quan cấp trung ương, PCI là công cụ đánh giá tổng thể chất lượng môi trường kinh doanh toàn quốc, thúc đẩy hoạt động cải cách hành chính của các Bộ, ngành và các địa phương. Với chính quyền cấp địa phương, PCI nhận diện những vấn đề điều hành ở địa phương cần được khắc phục, nâng cao chất lượng thực thi, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Với cộng đồng doanh nghiệp, PCI nâng cao vai trò giám sát của khu vực tư nhân với hoạt động của chính quyền, thúc đẩy đối thoại công tư và các sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh. Với các nhà đầu tư tiềm năng, PCI so sánh xếp hạng môi trường kinh doanh ở các địa phương, phục vụ cho các quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư.
Cách thức xây dựng PCI dựa trên kết quả điều tra chọn mẫu hàng năm, với 10 chỉ số thành phần. Chuyển động của PCI rất lớn, lan tỏa rộng rãi với gần 20 quốc gia tham khảo, áp dụng, và trên 200 công trình nghiên cứu quốc tế. Về xếp hạng PCI năm 2021, Quảng Ninh, Hải Phòng và Đồng Tháp đứng trong top 3 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Chỉ số cơ sở hạ tầng Bình Dương, Quảng Ninh và Đà Nẵng là ba địa phương được đánh giá tốt nhất. Trong năm 2021, PCI Nghệ An đạt điểm số 64,74, xếp thứ 30 toàn quốc, giảm 12 bậc so với PCI năm 2020; điểm số PCI xếp thứ 6/12 trong các địa phương vùng Duyên hải miền Trung. Trong đó có 5 chỉ số thành phần tăng điểm và 4 chỉ số thành phần tăng hạng.

Bên cạnh đó, có những điểm tích cực như thủ tục đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký doanh nghiệp thuận lợi và nhanh chóng hơn; chất lượng giải quyết TTHC trực tuyến của tỉnh có chuyển biến tích cực; các website của tỉnh có chất lượng cung cấp thông tin khá tốt; tình hình giải quyết thủ tục về đất đai ở tỉnh nhìn chung ít vấn đề hơn nhiều địa phương khác. Dù vậy, dư địa cải thiện vẫn rất lớn. Có những khía cạnh cần cải thiện như nhiều doanh nghiệp còn gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính; tình trạng chi trả chi phí không chính thức khá phổ biến; môi trường và xây dựng là hai trong số những lĩnh vực mà tình trạng chi trả chi phí không chính thức diễn ra phổ biến nhất; cần tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp trong tỉnh; cần tăng cường đối thoại và nhất quán, kiên trì với các hoạt động tạo thuận lợi môi trường kinh doanh; nâng cao chất lượng đào tạo lao động, đặc biệt là lao động có chuyên môn, là vấn đề lâu dài mà tỉnh cần cải thiện.

Về tình hình kinh doanh, do đại dịch COVID-19, 40% doanh nghiệp báo lỗ và chỉ 45% doanh nghiệp có lãi trong năm 2021. Dù vậy, 46% số doanh nghiệp tư nhân tại Nghệ An có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới cao hơn trung bình cả nước. Vì vậy sau đại dịch, doanh nghiệp trong tỉnh cần được hỗ trợ nhiều hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, tiếp cận tín dụng và thích ứng với rủi ro thiên tai cũng như biến động thị trường.

Khuyến nghị một số giải pháp:

- Tích cực, chủ động và sáng kiến để xây dựng phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo dựa trên các nghị quyết của Chính phủ.

- Tỉnh cần rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI 2021, đặc biệt các lĩnh vực cần cải thiện.

- Các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư.

- Địa phương cần tiếp tục quan tâm đến các giải pháp tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp. Đồng thời đầu tư công trình trọng điểm cho các huyện, nhất là về giao thông, khu - cụm công nghiệp.

- Về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, đề nghị cân nhắc giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh trong việc làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn.

- Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ: chung của tỉnh, theo lĩnh vực từng sở, ngành, theo địa bàn của huyện, thành, thị, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung… Cần đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

- Cần xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.

- Thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, huyện, thành, thị một cách thường xuyên, thực chất và khoa học.

- Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức.

- Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ "cho phép”, "cấp phép” sang tư duy "phục vụ”, chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp .

- Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng rà soát, nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, ứng dụng CNTT để minh bạch hóa quy trình, thủ tục TTHC.

- Tham khảo các mô hình và thực tiễn tốt ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước để áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương.

(Tiêu đề do BBT đặt)