Và chỉ trong mấy ngày đầu tháng 4 năm 2019, thông tin về lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng phá thành công các vụ án ma túy với số lượng ma túy đá lên đến hàng trăm kg đã cho thấy Nghệ An luôn luôn là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Chia sẻ trên mạng xã hội, rất nhiều người dân tỏ ra lo lắng: nếu như số ma túy khủng đó ko bị lực lượng chức năng bắt giữ thì sẽ có không biết bao nhiêu thanh niên tiếp tục bị hủy hoại vì ma túy, bao nhiêu gia đình sẽ tan nát vì hiểm họa “ngáo đá” hay “hung thần xa lộ” do sử dụng ma túy?
Nghệ An hiện có 6.901 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Năm 2010, với việc đưa ra khỏi Bộ luật hình sự sửa đổi tội danh sử dụng ma túy thì người nghiện ma túy không bị coi là tội phạm mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. Kể từ ngày 01/01/2014, việc quyết định đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc cũng được chuyển từ cơ quan hành chính (UBND tỉnh) sang cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân cấp huyện) theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 20/01/2014. Sau hơn 2 năm khó khăn, lúng túng trong việc triển khai áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng nghiện ma túy, với kinh nghiệm học hỏi được từ Đà Nẵng và thực tiễn của Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Liên ngành Lao động Thương binh Xã hội, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Hướng dẫn liên ngành số 2171/HDLN ngày 03/9/2019. Hai văn bản này đã thực sự khơi thông cho công tác cai nghiện ma túy bắt buộc của Nghệ An. Nếu như năm 2014, 2015 số hồ sơ thụ lý chỉ “đếm trên đầu ngón tay” thì năm 2016 đã có 700 trường hợp Tòa án ra Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, năm 2017 là 1112 trường hợp và năm 2018 là 1.034 trường hợp.
Qua khảo sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh “về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân” tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy: công tác lập hồ sơ, xét duyệt, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc cơ bản đã thực hiện đúng đối tượng, đúng quy định, được sự đồng thuận của nhân dân cũng như người bị xử lý và nhân thân, gia đình của họ. Việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy cũng bộc lộ hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đó là tình trạng người nghiện ma túy trốn tránh việc cai nghiện nên khi Công an xã bắt đầu lập hồ sơ thì đối tượng sẽ tìm mọi cách để vắng mặt tại địa bàn. Để đảm bảo cho việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, nhiều địa phương khi lập hồ sơ thì đồng thời đưa đối tượng vào lưu trú tại cơ sở cai nghiện, cho dù đối tượng có nơi cư trú ổn định hay không có nơi cư trú ổn định. Thuận cho công tác quản lý nhưng điều này lại khó đảm bảo quyền của đối tượng (được thông báo, được đọc hồ sơ, được cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh mình không vi phạm, giải trình, tranh luận tại phiên họp... ) khi Tòa án nhân dân huyện Tương Dương ra quyết định cai nghiện bắt buộc đối với 611 đối tượng (từ 01/01/2017 đến 31/3/2019) , hầu hết đều vắng mặt đối tượng tại phiên họp. Nhưng để đảm bảo các quyền của đối tượng, Công an huyện Quỳ Châu lại phải đưa đối tượng từ cơ sở cai nghiện ở Nghĩa Đàn về trụ sở Tòa án huyện Quỳ Châu để tham gia phiên họp, họp xong lại đưa trở về Nghĩa Đàn, rất tốn kém chi phí và công sức. Các Thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố Vinh lại băn khoăn về tính uy nghiêm của Tòa án khi toàn bộ thành phần phiên họp phải xuống Trung tâm cai nghiện - nơi đang lưu giữ để tổ chức phiên họp. Do trình tự, thủ tục lập hồ sơ trải qua nhiều khâu nên thời gian đối tượng lưu giữ tại các cơ sở cai nghiện khá dài (20-35 ngày), vấn đề chi phí tiền ăn, tiền thuốc chữa bệnh thông thường, quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết... trở thành gánh nặng cho các cơ sở cai nghiện. Đó là chưa kể trường hợp đối tượng đã bị lưu giữ tại cơ sở cai nghiện nhưng Tòa án lại ra quyết định không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì xử lý trách nhiệm cũng là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải nghiên cứu giải pháp khác hiệu quả hơn để quản lý đối tượng có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ lập hồ sơ, xem xét và quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại Tòa án. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi quy trình, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng đơn giản hơn, nhanh gọn hơn.../.
Khánh An