bna-img-4808-4197.jpg
Đồng chí Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Nghệ An là vùng đất sông Lam, núi Hồng, sơn thủy hữu tình, con người cần kiệm, anh hùng, giỏi giang và tình nghĩa. Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; là vùng đất "địa linh, nhân kiệt" có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng, gắn liền với tên tuổi nhiều nhà cách mạng tiền bối, danh nhân, chí sỹ yêu nước.

Có thể nói rằng, Nghệ An như là “một Việt Nam thu nhỏ” với điều kiện địa lý, kinh tế đa dạng: có biển, rừng núi, đồng bằng, có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và nguồn nhân lực thông minh, lực lượng lao động dồi dào. Nghệ An cũng là một trong số ít các địa phương trên cả nước được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng để phát triển trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của cả vùng Bắc Trung Bộ.

Tương lai gần, Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển. Nghệ An sẽ nằm trên đường cao tốc Bắc Nam, đường cao tốc Hà Nội - Viêng-Chăn, nằm trên hành lang kinh tế đông – tây nối liền Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam. Trên mảnh đất “gió Lào cát trắng” này, những công trình hạ tầng quan trọng như cảng biển quốc tế, cảng hàng không/cửa khẩu quốc tế và nhiều khu công nghiệp hiện đại đã và đang được hình thành. Đây là những thế mạnh và tiềm năng to lớn để tạo điều kiện cho sự phát triển lâu dài của địa phương.

Năm 2021 vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính quyền tỉnh Nghệ An đã có những nỗ lực rất đáng ghi nhận khi góp phần vào thành tích tăng trưởng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) đạt 6,2%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 22 của cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 19.000 tỷ đồng, tăng 35% so với kế hoạch. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 2,83 tỷ USD, tăng 60,7% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,46 tỷ USD tương đương 0,43% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2021.

Trong hoạt động thu hút đầu tư, tính đến hết năm 2021, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 740 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 107.000 tỷ đồng. Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính lũy kế đến hết tháng 5/2022, Nghệ An đã thu hút được 107 dự án với tổng số vốn đăng ký xấp xỷ 2 tỷ USD. Có thể thấy, kết quả này của tỉnh còn rất khiêm tốn khi chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,3% số dự án và 0,5% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tích lũy của cả nước.

Về tình hình phát triển doanh nghiệp, mặc dù Nghệ An có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tương đối lớn, nhưng xét trên tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp lại khá thấp, đứng thứ 57/63 tỉnh, thành. Trong số 26.330 doanh nghiệp được thành lập thì thực chất chỉ có 14.000 doanh nghiệp hoạt động (tính đến 31/12/2021). So với cả nước, số doanh nghiệp đang hoạt động tại Nghệ An chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 2%, trong khi Nghệ An có diện tích tương đương 5% diện tích cả nước và dân số bằng khoảng 3,5% dân số toàn quốc.

Trong những năm gần đây, Nghệ An bắt đầu lựa chọn cách tiếp cận phát triển mới, phù hợp với xu thế chung của thời đại và của đất nước với tinh thần “đột phá phát triển”: Phát triển kinh tế theo định hướng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao trên cơ sở phát huy thế mạnh nhân lực - trí tuệ; coi khu vực doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển quan trọng, ưu tiên phát triển đô thị, trước hết là thành phố Vinh thành các trung tâm tăng trưởng theo hướng hiện đại - hội nhập chất lượng cao; gắn với phát triển nông nghiệp đặc sản, giá trị gia tăng cao với phát triển du lịch có đẳng cấp và khác biệt...

Dù những thành tích đạt được trong giai đoạn vừa qua khá nổi bật, nhưng đánh giá một cách toàn diện, Nghệ An vẫn chưa phải là tỉnh giàu, vẫn đang trong quá trình tạo lập cơ sở nền tảng để có thể vươn lên, tạo bứt phá phát triển. Lực lượng doanh nghiệp khá đông nhưng chưa mạnh. Chưa có các tập đoàn lớn, có vai trò dẫn dắt. Năng lực thu hút đầu tư từ bên ngoài tỉnh, đặc biệt là thu hút FDI với các nhà đầu tư chiến lược vẫn còn hạn chế.

Để Nghệ An có thể phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, chúng tôi tin rằng cần phải có sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của cả bộ máy chính trị của tỉnh Nghệ An. Và chúng ta phải nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh. Tại Hội thảo đánh giá chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới cho tỉnh Nghệ An, chúng ta phân tích, đánh giá PCI năm 2021 để tìm ra giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong những năm tới, chính là một hoạt động rất đúng lúc, rất trúng và rất cần thiết, đáp ứng được mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.

***

Trong những năm qua, Chính phủ luôn tăng cường các nỗ lực cải cách thể chế, đặc biệt là cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, đây là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ và cũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên cần được thực thi xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng, là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2022 và những năm sắp tới. Đây cũng là một lựa chọn đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong các Nghị quyết số 19/NQ-CP trước đây và Nghị quyết số 02/NQ-CP hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành các hoạt động điều tra và công bố thường niên chỉ số PCI; kết hợp, lồng ghép đánh giá với kết quả, tác động Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

PCI là một chỉ tiêu để đánh giá kết quả không chỉ về điều hành kinh tế, môi trường kinh doanh, mà còn phản ánh về cải cách hành chính ở các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 Thủ tướng Chính phủ về khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của PCI như một công cụ hữu hiệu đo lường chất lượng điều hành kinh tế và thúc đẩy cải cách hành chính ở cấp tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, chỉ số PCI cũng là một cơ sở tin cậy quan trọng được các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham khảo trong quyết định chọn lựa địa điểm đầu tư và kinh doanh.

Báo cáo PCI 2021 tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực về điều hành kinh tế trong thời gian qua. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và có khả năng giải quyết hiệu quả những vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn như đại dịch Covid-19.

Qua nghiên cứu, cập nhật thông tin về tình hình KT-XH và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh; VCCI nhận thấy tỉnh Nghệ An còn rất nhiều không gian để cải cách. Tuy nhiên, tốc độ cải cách cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để có thể khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà.

Báo cáo PCI năm 2021 cung cấp những nội dung chi tiết về môi trường đầu tư kinh doanh trong cả nước trong đó có tỉnh Nghệ An. Ở phần trình bày tiếp theo đây, đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI sẽ phân tích kỹ lưỡng hơn những điểm tích cực và điểm cần cải thiện của tỉnh để qua đó tạo thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Nghệ An.

Báo cáo PCI cũng chỉ rõ nhiều khía cạnh đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp mà chính quyền tỉnh có thể tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách phục hồi kinh tế. Trong đó, VCCI đề nghị tỉnh nghiên cứu thành lập mô hình hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng tập trung một đầu mối để giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, quận huyện (DDCI). Đây đều là các mô hình được các tỉnh, thành phố thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh vai trò đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại tỉnh là vô cùng quan trọng, nhất là giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Để đảm bảo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, VCCI đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An chú trọng tới vai trò, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách tại tỉnh.

***

Năm 2022 là năm tập trung phục hồi phát triển kinh tế xã hội, khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh hơn trong những năm sắp tới; cần có sự đồng hành, chung tay của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương và hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Tôi tin tưởng rằng, năm 2022 sẽ đem lại sức sống mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng.

Mục tiêu của đất nước ta là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, mục tiêu của Nghệ An là vươn lên trở thành một tỉnh giàu, một tỉnh phát triển. Muốn như vậy, trọng trách đó là của tất cả chúng ta, đặc biệt Đảng, chính quyền và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là chủ lực để tổ chức lực lượng sản xuất làm ra sản phẩm cho xã hội, phát triển kinh tế.

Có thể nhận thấy Nghệ An có cơ hội rất tốt, khi dòng đầu tư đang dịch chuyển dần từ các nước vào Việt Nam và tại Việt Nam đang chọn Nghệ An là điểm đến để đầu tư. Cùng sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, MTTQ các cấp chính quyền, tin rằng Nghệ An sẽ cất cánh đi lên, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển rất thuận lợi.

Trong quá trình đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cam kết sẽ luôn sát cánh các cơ quan của tỉnh Nghệ An, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam góp sức vào sự phát triển của Nghệ An thời gian tới.

(*) Tiêu đề do BBT đặt