Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

plugin_ckeditor_upload.upload.8f582247e5198751.484e545420312e6a7067.jpg

Hội nghị trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ kết nối với Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh/thành phố với hơn 400 điểm cầu. Ảnh GDTĐ

plugin_ckeditor_upload.upload.a56b80b228ad3438.484e545420322e6a7067.jpg

Quang cảnh điểm cầu tại Nghệ An

Chủ động chuyển trạng thái hoạt động, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch năm học

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 là năm kết thúc kế hoạch của 5 năm cũ và năm học 2021-2022 là mở đầu cho kế hoạch 5 năm tới. Vì vậy, báo cáo tổng kết 1 năm nhưng cũng là nhìn lại chặng đường 5 năm và kế hoạch cho 5 năm tới với những định hướng cho cả chặng đường dài tiếp theo.

plugin_ckeditor_upload.upload.b428f3207483d47a.484e545420332e6a7067.jpg

Các đồng chí chủ trì điểm cầu Nghệ An

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2020 – 2021, ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW; tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các Nghị định, Đề án, Kế hoạch về phát triển GD&ĐT.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ GD&ĐT đã chủ động điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT thành 02 đợt và chỉ đạo các Trường Đại học xây dựng các phương án, hình thức tổ chức xét tuyển phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân.

Chất lượng giáo dục các cấp học và hoạt động giáo dục được nâng lên. Về Giáo dục Mầm non, cả nước có 63/63 tỉnh, thành, 713/713 đơn vị cấp huyện, 99,3% đơn vị cấp xã duy trì và đạt chuẩn phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục Mầm non 99,7%, tỷ lệ mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

Bước đầu, ngành GD&ĐT thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai từ lớp 1 tạo tiền đề, động lực quan trọng để các địa phương tiếp tục thực hiện thành công chương trình Sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021 – 2022.

Công tác phổ cập Giáo dục Tiểu học và THCS tiếp tục được các địa phương quan tâm. Năm học 2020 – 2021, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập Giáo dục Tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông dân tộc nội trú được nâng cao rõ rệt. Năm học 2020 – 2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT đạt 97,5% (tăng 1,5% so với năm học trước).

Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt kết quả tốt. Kết thúc đợt thi Olympic 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi và đạt giải với 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen.

Chất lượng giáo dục Đại học có những cải thiện rõ rệt. Năm 2021, cả nước có 5 cơ sở Giáo dục Đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng Quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng Giáo dục Đại học giai đoạn 2019 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngành GD&ĐT cũng đã thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo...

Cần giải pháp giải quyết bài toán về chất lượng đội ngũ giáo viên

Khẳng định những kết quả giáo dục đã đạt được trong năm học 2020 – 2021 là nhờ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Lào Cai, Quảng Bình, Kon Tum... kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo; cần đổi mới quản lý trường học, đổi mới phương pháp dạy học; phân công công tác, đầu tư nguồn nhân lực cho miền núi; cần có cơ chế chính sách đào tạo giáo viên giỏi để phát triển giáo dục...

Đồng thời, các địa phương kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em Mầm non 3-4 tuổi; tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2025; tham mưu Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi, vùng cao. Khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi, vùng cao nhiều khó khăn mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu...

plugin_ckeditor_upload.upload.88bf1249bcd6b768.484e545420342e6a7067.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp cùng Bộ Nội vụ để tham mưu trình Chính phủ bổ sung cho Nghệ An 7.843 biên chế giáo viên

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Cùng với những thành tích chung của ngành GD&ĐT cả nước, năm học 2020 - 2021, ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã nỗ lực phấn đấu đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho ngành GD&ĐT hoạt động hiệu quả và thực chất. Nghệ An tiếp tục giữ vững vị trí tốp dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế (đạt 5 huy chương Vàng, Bạc tại kỳ thi Khu vực và Quốc tế). Nghệ An được Bộ GĐ&DT đánh giá là một trong những tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực, đi đầu trong cả nước triển khai một cách hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý, thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Công tác chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT đạt được những kết quả khả quan; giúp đổi mới quản trị nhà trường và tổ chức dạy học trực tuyến thành công. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai hiệu quả và hoàn thành kế hoạch năm học; tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho tất cả học sinh, kể cả học sinh thuộc diện F2, F1 ngay trong đợt 1.

Tỉnh Nghệ An xác định năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, vì vậy, ngành GD&ĐT Nghệ An tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, ưu tiên tập trung nguồn lực, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; chủ động triển khai nhanh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong GD&ĐT và dạy nghề; phát triển các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học và đào tạo kỹ năng thực hành; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy giáo dục thông minh nhằm tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng GD&ĐT và dạy nghề, phù hợp với đặc điểm vùng miền của tỉnh; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp cùng Bộ Nội vụ để tham mưu trình Chính phủ bổ sung cho Nghệ An 7.843 biên chế giáo viên; hỗ trợ tỉnh Nghệ An về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; kêu gọi các nguồn lực trong nước và Quốc tế giúp Nghệ An thực hiện thành công Đề án xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh dân tộc bán trú. Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lùi lộ trình thực hiện chương trình Sách giáo khoa lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 sang năm học 2024 – 2025 để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19

Năm học 2021- 2022 Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện “Mục tiêu kép”: Vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, thực hiện hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch. Hoạt động Khai giảng năm học mới được tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực. Công tác tổ chức dạy học được yêu cầu “Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát”. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Đối với giáo dục mầm non, không áp dụng hình thức dạy học trực tuyến mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp. Đồng thời, rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học”...

Mạnh dạn thí điểm các chính sách mới để rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội

plugin_ckeditor_upload.upload.813d4ab61ac782f6.484e545420352e6a7067.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (ngồi giữa) đề nghị ngành GD&ĐT tuyệt đối không được để học sinh thất học. Ảnh GDTĐ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới bắt đầu, đây là thời điểm các em học sinh, các bậc phụ huynh cùng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý háo hức sau một “kỳ nghỉ hè vất vả”, nhưng năm học mới này nhiều địa phương trên cả nước chưa thực hiện được do đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Đảng, Nhà nước, Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn với các nhà giáo, học sinh, phụ huynh phải chịu đựng thời gian qua.

Đánh giá cao kết quả đạt được trong năm học vừa qua của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị trong thời gian tới, ngành GD&ĐT cần thẳng thắn nhìn nhận, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, có giải pháp trước mắt để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021 – 2022. Thấm nhuần lời Bác Hồ đã dạy “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”, ngành GD&ĐT phải quan tâm đến công tác dạy và học trong thời gian khó khăn này với tinh thần kiên trì, kiên định, dù khó khăn đến mấy cũng phải thực hiện được mục tiêu, quan điểm đã đặt ra.

Cùng với đó, chú trọng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực với quan điểm con người là chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển toàn diện, kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Tuyệt đối không được để học sinh thất học vì thế phải cơ cấu lại mạng lưới, đặc biệt phải duy trì hệ thống các trường nội trú, dân tộc bán trú tại các huyện miền núi, vùng khó khăn... để đảm bảo quyền lợi cho học sinh đến trường.

Đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ GĐ&ĐT tính toán phân bổ đủ để tiêm Vắc xin cho các giáo viên và học sinh (trong đó, đảm bảo các em học sinh trên 12 tuổi được tiêm, trẻ em dưới 12 tuổi thì đang được nghiên cứu); xây dựng chương trình Vắc xin học đường để học sinh sớm được tiếp cận, được đến trường an toàn. Đối với các địa phương “vùng xanh” thì chủ động xây dựng phương án để các em học sinh được quay lại trường đúng kế hoạch; tăng cường kiểm soát, sàng lọc nhằm đảm bảo các em học sinh không bị lây nhiễm dịch.

Đối với các em học sinh phải học trực tuyến, cần xây dựng chương trình dạy học phù hợp. Cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh Tiểu học học trực tuyến tại nhà. Các trường, giáo viên có biện pháp hỗ trợ tâm lý, chia sẻ khó khăn với các em học sinh; đưa hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch vào chương trình giảng dạy.

Cần có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Có chính sách miễn, giảm học phí đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa với phương châm không để trẻ em, học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu ngành GD&ĐT có giải pháp làm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm bằng những biện pháp tích cực; phải tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ CNTT, khoa học công nghệ; thu hút nguồn lực, thu hút công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại. Những chính sách đúng, hiệu quả thì tiếp tục thực hiện, mạnh dạn thí điểm các chính sách mới để rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội...

Kim Oanh

(Nguồn: Cổng TTĐT Nghệ An)