Có nên duy trì thanh tra cấp huyện là nội dung còn có ý kiến khác nhau khi Quốc hội Khóa XV cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua. Nội dung này được tiếp thu và thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, trong đó có thanh tra huyện, đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố thanh tra huyện để tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng… Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc không duy trì thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình và ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội.
Cho ý kiến với nội dung này tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương khẳng định sự cần thiết phải duy trì hoạt động thanh tra cấp huyện trên tinh thần "ở đâu có cấp hành chính, ở đó phải có thanh tra". Thực tiễn giám sát cho thấy, một trong những bất cập hiện nay trong hoạt động của thanh tra cấp huyện là do thiếu sự quan tâm về tổ chức, biên chế, đào tạo nguồn nhân lực và các điều kiện bảo đảm hoạt động. Vì thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Chính phủ cần có giải pháp củng cố về tổ chức, biên chế, đào tạo nhân lực và bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngoài thực hiện nhiệm vụ thanh tra, thanh tra cấp huyện còn giúp chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước, chánh thanh tra, đoàn thanh tra
Băn khoăn về mối quan hệ giữa thanh tra huyện, chủ tịch UBND huyện và UBND huyện; thanh tra tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh; thanh tra Chính phủ với Chính phủ và Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này có xử lý mối quan hệ giữa các cơ quan, chủ thể này hay không? Thực tiễn quá trình hoạt động, các mối quan hệ giữa các cơ quan, chủ thể nêu trên có phát sinh vướng mắc gì hay không? Tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra được thể hiện như thế nào trong dự án Luật? Khi Kết luận thanh tra phát sinh những vấn đề phức tạp thì quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra đến đâu, tổng thanh tra Chính phủ đến đâu? Ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng đối với những vấn đề này như thế nào? Tương tự với các cấp hành chính trong thanh tra có vướng mắc gì với huyện, tỉnh hay không? Liệu rằng có trường hợp phát sinh thanh tra sở chuẩn bị công bố kết luận thanh tra, nhưng chủ tịch tỉnh hoặc UBND tỉnh chưa đồng ý, thì kết luận thanh tra có bị “ngâm” lại hay không?... "Làm rõ những vấn đề này chính là góp phần nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của thanh tra", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Trả lời những câu hỏi nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong dự thảo luật đã có 3 điều quy định trực tiếp về trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan nhà nước, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra. Theo đó, khi một cuộc thanh tra được tiến hành, dự thảo luật đã xác định rõ trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra: thủ trưởng cơ quan nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai kết luận thanh tra. Trường hợp đối tượng thanh tra bị phát hiện có vi phạm, mà không thực hiện kết luận thanh tra, thì thủ trưởng cơ quan nhà nước ra quyết định xử lý, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Trong dự thảo Luật cũng đã cố gắng xử lý, phân định trách nhiệm mang tính chuyên môn để bảo đảm tính độc lập của đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra với thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra (Chánh Thanh tra) và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Về nguyên tắc, đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra. Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 71, dự thảo Luật quy định: “Dự thảo Kết luận thanh tra được gửi cho thành viên Đoàn thanh tra để tham gia ý kiến trước khi trình người ra quyết định thanh tra. Thành viên đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung dự thảo kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung Kết luận thanh tra trước người ra quyết định thanh tra. Ý kiến bảo lưu được thể hiện bằng văn bản gửi kèm theo dự thảo Kết luận thanh tra”. Như vậy, theo dự thảo Luật, thì trưởng đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến mang tính chuyên môn trước ý kiến của người ra quyết định thanh tra. Ngoài ra, còn có một số quy định khác về nhiệm vụ, quyền hạn giữa người ra quyết định thanh tra (thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước) với Đoàn thanh tra.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thì Trưởng đoàn thanh tra không được tự quyết định mà phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra (chánh thanh tra) để quyết định có chuyển hay không? Và chánh thanh tra chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Có thể thấy, dự thảo Luật đã xử lý một bước về mối quan hệ giữa các cơ quan, chủ thể trong thanh tra. Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát thêm để rành mạch trách nhiệm trong quá trình tiến hành thanh tra, phê duyệt thanh tra, trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Tiếp tục làm rõ trách nhiệm Thủ trưởng cơ quan nhà nước, Chánh Thanh tra, Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các quy định trong dự thảo Luật cần bảo đảm tính độc lập của đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra. Tính độc lập gắn với chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Các cơ quan thanh tra, thanh tra viên, Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về những vấn đề phát hiện ra trong quá trình thanh tra, nhưng không xử lý.
Anh Thảo Nguồn: Báo ĐBND