Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1.8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Cùng với đó, 2 khoản của Điều 200 và Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực từ 1.8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) của Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1.1.2025…
Lý giải về lý do cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm, Tờ trình cho rằng sẽ khắc phục tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư vốn dĩ đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Đồng thời tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội. Doanh nghiệp, người dân được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Tuy vậy, Tờ trình của Chính phủ cũng thừa nhận rằng việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực trước 5 tháng có thể dẫn tới vướng mắc cho một số dự án đang thực hiện dở dang thủ tục chọn nhà đầu tư từ đầu với một số thay đổi về quy định liên quan tới sử dụng đất, tức việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng.
Điều này khiến chi phí tuân thủ tăng, ảnh hưởng tới đầu tư và không loại trừ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là với dự án bất động sản đang gặp khó về thủ tục. Do vậy, Chính phủ đề nghị giữ nguyên hiệu lực của Khoản 10 Điều 255 là từ ngày 1.1.2025, để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư, hạn chế lãng phí thời gian, của cải của xã hội…
Để có dự thảo luật trình Quốc hội ngay trong đợt 2 của Kỳ họp này là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng như của Chính phủ nhằm sớm đưa luật vào cuộc sống vì thực tế thời gian qua có nhiều luật dù đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Điều này thể hiện qua việc ngay sau khi được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về xây dựng dự án Luật. Tiếp đó, ngày 11.6, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 16 thẩm tra dự án Luật. Tiếp đó, tại Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 11 - 13.6 cũng đã cho ý kiến về dự án Luật.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật này sáng qua, 20.6, nhiều ý kiến tán thành việc sớm đưa các luật này vào cuộc sống. Tuy nhiên, do đây là những đạo luật rất lớn, rất quan trọng nên Chính phủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết. Chủ động tích cực, khẩn trương rà soát các văn bản để bảo đảm tính đồng bộ, không để xảy ra độ trễ và điểm nghẽn.
Bởi chỉ với riêng các văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18.6.2024, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024 được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở năm 2023; 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 chưa được ban hành...
Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động toàn diện khi hiệu lực thi hành luật sớm hơn. Làm rõ những tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để có giải pháp thích hợp, bảo đảm lợi ích tối ưu cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân…
Cần nhắc lại rằng, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống bởi đây không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. Nhưng Báo cáo thẩm tra cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do địa phương ban hành.
Bởi vậy, tại phiên họp toàn thể thảo luận về dự án luật này hôm nay, rất cần có các ý kiến phân tích cụ thể, xác đáng của các đại biểu Quốc hội để việc triển khai luật khi được Quốc hội thông qua đạt hiệu quả, hiệu lực cao nhất.