Chính sách đất đai phải được áp dụng với tất cả đồng bào dân tộc đang thiếu đất

Với những đặc điểm riêng mà đất ở, đất sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Khẳng định điều này, ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) thống nhất cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần góp phần hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn, bảo đảm đồng bào, nhất là các hộ khó khăn, có đất ở, đất sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 18 - NQ/TW về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

trung-thanh-1687347780672.jpg
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) phát biểu

Qua nghiên cứu dự thảo Luật và đối chiếu với Nghị quyết 18-NQ/TW và Hiến pháp 2013 cũng như yêu cầu thực tiễn, đại biểu nhận thấy, quy định của dự thảo Luật chưa toàn diện, chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết 18 - NQ-TW về đối tượng. Nghị quyết 18 - NQ/TW đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Song, dự thảo Luật mới tập trung giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy là hẹp hơn so với Nghị quyết 18 - NQ/TW.

Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Ngô Trung Thành lưu ý, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu rõ, cần có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng ngay sau khi được giao đất. Nhưng, thực tế thời gian qua cho thấy, do trình độ dân trí của đồng bào không đồng đều, một bộ phận có trình độ hạn chế, hoặc do có khó khăn, nên dễ bị lợi dụng để thâu tóm đất đai, dẫn đến bà con không có đất ở, đất sản xuất. Quy định về vấn đề này tại khoản 1, Điều 49, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành, nhưng lại "lỏng hơn" so với quy định hiện hành.

Cụ thể, tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hiện hành xác định, sau 10 năm mới được chuyển nhượng và kèm theo điều kiện có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc đã chuyển khỏi địa bàn cư trú. Nhưng, trong dự thảo Luật lần này quy định, sau 10 năm, trừ trường hợp có xác nhận sẽ được chuyển nhượng đất được phân giao cho cá nhân, hộ gia đình. "Tức là nếu chưa đến 10 năm nhưng có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc đã chuyển khỏi địa bàn cư trú sẽ được chuyển nhượng đất là quá lỏng so với quy định hiện hành, không đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 18 - NQ/TW", đại biểu chỉ rõ.

Đại biểu Ngô Trung Thành cũng nhận thấy, quy định về nội dung này tại dự thảo Luật chưa phù hợp với quy định tại Hiến pháp. Cụ thể, tại khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013 quy định, Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định chính sách dân tộc. Tuy nhiên, Điều 17, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

“Đất đai là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng cần quyết định của chính sách dân tộc. Vì vậy, việc dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số là chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Vấn đề này phải thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội. Hơn nữa, nếu giao Thủ tướng Chính phủ quy định thì các chính sách không thể vượt khỏi "trần" các quy định trong các văn bản hiện hành khác. Điều này sẽ dẫn đến chính sách "không mới và không hiệu quả”, đại biểu Ngô Trung Thành nhấn mạnh.

Với những phân tích nêu trên và ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị, chính sách đất đai phải được áp dụng với tất cả đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất canh tác hoặc đất ở như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW, không chỉ giải quyết cho đồng bào thuộc địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng với đó, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số phải là chính sách tổng thể, trong đó quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho đồng bào; nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào với Nhà nước, đối với đất đai được giao; đồng thời cần có quy định để đất đai giao cho đồng bào theo chính sách hỗ trợ không bị và không thể bị thâu tóm đúng như yêu cầu của Nghị quyết 18 - NQ/TW. Đơn cử, quy định các giao dịch trong trường hợp này sẽ bị vô hiệu, thậm chí người dân chuyển nhượng trong trường hợp này sẽ chịu chế tài của pháp luật. Đại biểu cũng đề nghị quy định thu hồi đất của nông lâm trường sử dụng kém hiệu quả để giao cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất ở địa phương, khắc phục tình trạng đồng bào thiếu đất nhưng nông lâm trường lại sử dụng đất không hiệu quả. Dự thảo Luật cần có quy định về việc tạo quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất.

Về trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, quy định về chính sách đất đai của Nhà nước tại Điều 17 cần bao trùm hơn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Tây Nguyên đang sản xuất nông nghiệp mà thực sự không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất lần đầu đối với đất ở, đất sản xuất. Trường hợp vẫn giữ 2 khoản như điều này, đại biểu đề nghị, bổ sung vào khoản 1 nội dung Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, sau đó đến khoản 2, khoản 3 là cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cần chính sách ưu tiên về tài chính đất đai với đồng bào

xovi-1687347120012.jpg
Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Nàng Xô Vi (Kon Tum) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ về bảo đảm có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, chính sách tài chính đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc tiểu số về đất đai. Trong đó, mở rộng đối tượng được cấp đất, sử dụng đất... Ngoài ra, đại biểu Nàng Xô Vi cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm đất cho người dân tộc thiểu số.

Nhằm thể chế hóa nội dung có chính sách phù hợp ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, chính sách tài chính về đất đai phù hợp với đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nàng Xô Vi đề nghị, sửa đổi khoản 1, khoản 2, Điều 17 liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng mở rộng đối tượng đồng bào ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Ngoài các chính sách hiện hành, đại biểu Nàng Xô Vi cũng cho rằng, cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có của các địa phương và sử dụng đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, trong đó tập trung vào quỹ đất nông nghiệp do xã, cộng đồng dân cư quản lý. Đặc biệt với diện tích do các nông, lâm trường quản lý đã bàn giao về các địa phương quản lý, vì nếu Nhà nước không nâng mức hỗ trợ phù hợp sẽ rất khó thực hiện.

Ví dụ như diện tích đất đã thu hồi từ các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 112 của Quốc hội bàn giao cho địa phương quản lý và giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian qua, phần lớn diện tích này chưa thể sử dụng được vì thiếu vốn để đo vẽ bản đồ địa chính khai hoang do nguồn vốn thực hiện các công việc này do ngân sách của cấp huyện bảo đảm; trong khi đó ngân sách của cấp huyện ở các tỉnh miền núi hiện nay rất khó khăn, không có kinh phí để bố trí thực hiện các công việc nêu trên.

210620230225-z4451076535648_1089-1687347826327.jpg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu

Bên cạnh đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn được áp dụng chính sách đất đai, như quy định tại dự thảo Luật, các ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên), Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh)... đề nghị, cần mở rộng quy định áp dụng chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu ở địa bàn biên giới, biển đảo, để tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, giữ an ninh, trật tự ở biên giới cùng với các lực lượng khác. Đồng thời, mở rộng đối với đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn để bảo đảm quyền lợi của người dân có đất canh tác trên mảnh đất của mình, bảo đảm "người cày có ruộng".

Lý giải cho đề nghị này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, đồng bào dân tộc thiểu số hiện cư trú ở trên 5.000 xã, trong khi vùng đặc biệt khó khăn chỉ có 1.500 xã và số lượng này đang giảm hàng năm. Các xã ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn trên thực tế cũng vẫn còn khó khăn, trong khi đó, thực tế cũng ghi nhận đồng bào thiếu đất đang ở các xã khu vực 1, khu vực 2 và cả các xã đã "về đích" nông thôn mới. Bên cạnh đó, diện các xã đặc biệt khó khăn thay đổi theo từng năm và từng giai đoạn, "có ra, có vào" theo các tiêu chí quy định, dẫn đến bất cập khi áp dụng chính sách, khó khăn, bất bình đẳng trong thực thi quy định pháp luật.

quoc-khanh-1687347280721.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, bên cạnh diện tích đất nông lâm trường sử dụng chưa hiệu quả, tại các địa phương có đất của các tổ chức, doanh nghiệp được giao rừng sản xuất gắn với nơi đồng bào sinh sống nhưng không tiến hành sản xuất. Bộ trưởng khẳng định, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cố gắng đưa thêm các cá nhân, đơn vị sử dụng đất được giao không hiệu quả thuộc diện bị thu hồi để tập trung đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với đề nghị cần mở rộng phạm vi áp dụng của quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 17), Bộ trưởng cho biết, do điều kiện về quỹ đất nên trước hết sẽ ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn. Thực tế, quỹ đất có nhưng không dễ thu hồi để bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.