Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí: Lục Thị Liên, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật-Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, Ủy viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh; Phan Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội; đại diện Sở Văn hóa và Thể thao.
Làm việc với Đoàn khảo sát, về phía huyện Qùy Hợp có đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện Phòng Văn hóa - Thể thao; về phía xã Châu Quang có các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, lãnh đạo UBND xã.
Châu Quang là xã miền núi ở gần trung tâm của huyện Quỳ Hợp, có diện tích tự nhiên là 2.648 ha, với dân số 12.510 người. Xã có 2 dân tộc Kinh và Thái sống đan xen, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 50%. Sau sáp nhập, hiện nay xã có 20 xóm, bản.
Theo báo cáo của UBND xã Châu Quang, trong những năm qua, cùng với triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao đã được các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trên địa bàn xã quan tâm thực hiện: đề ra mục tiêu xây dựng, đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao tại Nghị quyết của Đảng bộ xã; đưa các hạng mục xây dựng mới nhà văn hóa xóm trong nghị quyết của HĐND xã; rà soát, tham mưu thôn, xóm thụ hưởng chính sách hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hoá - thể thao theo Nghị quyết 20/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Hiện nay, thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã như nhà văn hóa, sân thể thao xã đã đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Đối với thiết chế văn hóa - thể thao xóm, toàn xã có khoảng 3/20 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định, hiện nay có 6/20 xóm đã và đang xây dựng mới nhà văn hóa, trong đó tại 6 xóm sau khi sáp nhập có 4 xóm đã và đang xây dựng mới nhà văn hóa gồm xóm Bản Ạng, xóm Cù Mọn, xóm Yên Luốm, xóm Khánh Quang; đối với các nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập, xã chủ trương giữ lại để sử dụng làm điểm sinh hoạt cộng đồng cho các cụm dân cư. Các nhà văn hóa mới xây dựng có diện tích rộng rãi, đạt chuẩn theo quy định; được quy hoạch tại các vị trí phù hợp, có diện tích đảm bảo đủ tối thiểu 70% số hộ dân tham gia sinh hoạt.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị đại diện UBND xã trao đổi, cung cấp thông tin cho Đoàn về việc vận hành, sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao, việc xử lý các nhà văn hóa xóm dôi dư sau khi sáp nhập xóm. Thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị xã nêu lên những khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi cho trẻ em, hỗ trợ xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện UBND xã cho rằng hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao tại thôn, xóm trên địa bàn xã chưa đồng bộ, một số nhà văn hoá xóm xây dựng đã lâu hiện nay đã xuống cấp, diện tích nhà văn hoá còn nhỏ hẹp, nhất là các xóm sau sáp nhập, diện tích không đảm bảo theo quy định. Các thiết bị như hệ thống loa máy, bàn ghế, trang trí khánh tiết còn cũ kỹ, chưa đạt so với yêu cầu; một số nhà văn hóa xóm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;… Bên cạnh đó, sau sáp nhập, diện tích thôn xóm tăng lên, địa bàn trải rộng, các thiết bị truyền thanh chưa đáp yêu cầu nên công tác thông tin, tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với xã đó là về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng bởi vì mức đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn theo quy định rất lớn, trong khi đó mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND tỉnh còn thấp chưa phù hợp tổng mức đầu tư xây dựng nhà văn hóa trong thực tế; ngân sách xã còn khó khăn và việc huy động đóng góp của Nhân dân cũng khó khăn.
Từ những khó khăn trên, đại diện xã Châu Quang đề nghị tỉnh bổ sung thêm cơ chế hỗ trợ xây mới các nhà văn hoá, nhất là các xóm sáp nhập để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân; Hỗ trợ trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống tăng âm, loa máy cho các xóm, bản sau sáp nhập.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Chu Đức Thái, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận nỗ lực của xã trong đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn theo quy định; đồng thời, đề nghị xã rà soát, đánh giá lại hiện trạng nhà văn hóa; đặc biệt quan tâm xây dựng các công trình phụ trợ nhà văn hóa; đầu tư mua sắm các trang thiết bị nhà văn hóa đảm bảo cho nhu cầu Nhân dân trong sinh hoạt cộng đồng; rà lại quy chế sử dụng để phát huy công năng sử dụng, xây dựng khuôn viên nhà văn hóa xóm xanh, sạch, đẹp. Kịp thời thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các nhà văn hóa xóm đảm bảo quy định.
Trước đó, đoàn giám sát thực tế tại nhà văn hóa bản Cà, nhà văn hóa xóm Khánh Quang.