Tham gia Đoàn khảo sát có đồng chí Trần Đình Toàn, Phó trưởng Ban Pháp chế; đồng chí Nguyễn Thị Anh Hoa, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành viên Ban Pháp chế.

Làm việc với Đoàn khảo sát, về phía huyện Yên Thành có đồng chí Trần Thị Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND huyện, các phòng liên quan và UBND một số xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025.

Quang cảnh cuộc làm việc

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, huyện Yên Thành tiến hành sắp xếp 14 xã, trong đó có 08 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn quy định, phải thực hiện sắp xếp và 6 đơn vị liền kề phải thực hiện sáp nhập. Sau khi sắp xếp, toàn huyện còn 32 đơn vị hành chính cấp xã (31 xã, 01 thị trấn).

Hiện nay, UBND huyện đang tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng Đề án thành lập tổ chức Đảng; sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người không chuyên trách sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tại huyện Yên Thành.

Tại 14 đơn vị thực hiện việc sắp xếp thành 07 đơn vị cấp xã: số cán bộ cấp xã hiện có là 126 người, dự kiến bố trí 77 người và dôi dư 49 người; số công chức cấp xã hiện có là 126 người, dự kiến bố trí 77 người, dôi dư 49 người; số cán bộ không chuyên trách hiện có là 103 người, dự kiến bố trí 98 người, dôi dư 05 người; số Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc và Ủy viên Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - cấp xã hiện có 62 người, dự kiến bố trí 35 người, dôi dư 27 người.

Các đồng chí lãnh đạo, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại cuộc làm việc

UBND huyện đã chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và giải quyết dôi dư. Theo đó, đối với cán bộ, công chức sẽ thực hiện các phương án như vận động nghỉ công tác hưởng chế độ chính sách nếu không đủ điều kiện theo quy định về tiêu chuẩn chức danh; vận động nghỉ hưu trước tuổi nếu đủ điều kiện; rà soát đội ngũ cán bộ, công chức các xã trên địa bàn toàn huyện, xây dựng kế hoạch điều động, chuyển đổi vị trí cán bộ, công chức xã này sang xã khác; lựa chọn cán bộ, công chức phù hợp cử biệt phái đến các cơ quan cấp huyện và căn cứ tình hình cụ thể thực hiện bố trí, sắp xếp, giải quyết theo lộ trình; tiếp nhận vào công chức huyện nếu đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Đối với người hoạt động không chuyên trách, Thường trực MTTQ và ủy viên thường vụ các tổ chức chính trị-xã hội, UBND huyện dự kiến trước mắt, giữ nguyên số lượng còn lại đến khi hết nhiệm kỳ của tổ chức đó thì giao cho Đảng ủy xã, thị trấn phối hợp với cơ quan ngành dọc thực hiện lựa chọn theo quy định của cấp có thẩm quyền, đồng thời đề xuất giải quyết chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ dôi dư.

Các đồng chí lãnh đạo và thành viên Ban Pháp chế đã phát biểu ý kiến, đề nghị huyện Yên Thành nêu lên những khó khăn, vướng mắc của huyện trong việc sắp xếp, giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; đồng thời kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan có thẩm quyền; đánh giá tính phù hợp của các nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết với thực tiễn và ý kiến góp ý xây dựng Nghị quyết.

Các đồng chí lãnh đạo Thường trực HĐND huyện Yên Thành tại cuộc làm việc

Trao đổi tại cuộc làm việc, các đồng chí lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND huyện cho biết số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nhiều, đa số còn trẻ, số năm đóng bảo hiểm xã hội còn thấp nên việc sắp xếp, bố trí đối tượng dôi dư gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cần quan tâm đến chế độ, chính sách thỏa đáng cho đối tượng dôi dư này. Huyện cũng kiến nghị HĐND tỉnh nghiên cứu, mở ra cơ chế để một số địa phương có thể thực hiện thêm chính sách riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư trên địa bàn trong điều kiện ngân sách địa phương cho phép.

Các đại biểu dự họp cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi và hợp lý của việc quy định nguyên tắc nếu cán bộ dôi dư được bầu cử, tuyển dụng, tiếp nhận lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 05 năm (60 tháng) kể từ ngày nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc thì phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền hỗ trợ đã nhận; kiến nghị áp dụng chính sách tại dự thảo Nghị quyết đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ; kiến nghị nâng chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng dôi dư và góp ý về các chính sách hỗ trợ cụ thể.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ và giải quyết dôi dư, đại diện huyện Yên Thành kiến nghị HĐND tỉnh sớm ban hành dự thảo Nghị quyết quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính và cho chủ trương về việc tiếp nhận, bố trí đảm nhận chức danh công chức xã đối với cán bộ chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính (nếu đủ điều kiện).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Pháp chế nhấn mạnh việc khảo sát giúp Ban Pháp chế thu thập thêm thông tin để phục vụ việc thẩm tra dự thảo Nghị quyết đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế. Các ý kiến của huyện Yên Thành và các xã thuộc diện sắp xếp sẽ được Ban Pháp chế tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình thẩm tra dự thảo Nghị quyết trước khi trình kỳ họp HĐND tỉnh./.