Tham gia Đoàn khảo sát có các thành viên Ban Pháp chế: đồng chí Kha Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; đồng chí Hà Xuân Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu; đồng chí Trần Đình Toàn, Phó trưởng Ban Pháp chế; đồng chí Nguyễn Thị Anh Hoa, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; đồng chí Hồ Sỹ Nguyệt, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu.
Làm việc với Đoàn khảo sát, về phía huyện Quỳnh Lưu có đồng chí Nguyễn Xuân Dinh, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, các phòng liên quan và UBND một số xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025.
Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số đơn vị cấp xã sắp xếp lớn nhất tỉnh với 15 xã sắp xếp thành 07 xã, thị trấn. Sau khi sắp xếp, huyện Quỳnh Lưu giảm 08 đơn vị hành chính cấp xã, còn lại 25 đơn vị hành chính (01 thị trấn và 24 xã).
Đối với 15 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập, sau sắp xếp, dự kiến được giao 156 biên chế cán bộ, công chức (trong đó có 77 cán bộ, 79 công chức), hiện có 270 biên chế gồm 141 cán bộ, 129 công chức, dôi dư 114 biên chế gồm 64 cán bộ, 50 công chức. Về người hoạt động không chuyên trách cấp xã dự kiến được giao 101 chỉ tiêu, hiện có 119 người, dôi dư 18 người. Vì vậy, huyện gặp không ít áp lực trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của huyện đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Để chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, UBND huyện đã ban hành Quyết định thành lập Tổ rà soát chuẩn bị điều kiện thực hiện sáp nhập xã, thị trấn, trực tiếp làm việc với 15 xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Cùng với đó, các thành viên Ban Pháp chế đề nghị đại diện UBND huyện, phòng, ngành và UBND xã thuộc diện cung cấp, trao đổi thông tin cho Đoàn về phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong thời gian tới, những khó khăn, vướng mắc của huyện, xã và kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan có thẩm quyền. Các thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị đại diện huyện, các xã phát biểu ý kiến góp ý đối với nội dung dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là những quy định về đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện, chính sách hỗ trợ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện các xã thuộc diện sắp xếp bày tỏ tâm tư trước việc sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư trong thời gian sắp tới. Theo đó, các ý kiến kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho đối tượng dôi dư so với dự thảo Nghị quyết để tạo điều kiện thuận tiện trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi. Lý giải thêm cho kiến nghị này, đại diện các xã chia sẻ tâm lý của nhiều cán bộ, công chức không muốn nghỉ việc do thời gian sắp tới sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nên nếu nghỉ việc với chế độ thấp thì sẽ thiệt thòi về quyền lợi.
Bên cạnh đó, đặc thù của cán bộ, công chức cấp xã nhiều nơi là những người trưởng thành từ cán bộ không chuyên trách thôn, xóm, xã nên thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít. Mặc dù nhiều người đủ điều kiện về độ tuổi để nghỉ hưu trước tuổi nhưng chưa đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, các ý kiến đề nghị Nghị quyết của HĐND tỉnh cần quan tâm giải quyết chính sách đối với những đối tượng này.
Ngoài ra, ý kiến của đại diện các xã đề nghị cân nhắc việc quy định hoàn lại số tiền hỗ trợ cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư khi được tiếp nhận, tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách trong thời hạn 05 năm; quy định cụ thể thời gian giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư nghỉ việc; đề nghị hướng dẫn việc chuyển từ cán bộ cấp xã sang công chức cấp xã, cấp huyện nếu đủ điều kiện…
Đại diện lãnh đạo UBND huyện phản ánh khó khăn của huyện khi số lượng đơn vị cấp xã thuộc huyện phải sáp nhập lớn (tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm và ven biển của huyện) nên sau khi sáp nhập, số cán bộ, công chức dư thừa nhiều và mất cân đối giữa các vùng miền của huyện, cần thời gian dài để sắp xếp, tinh giản. Để tạo thuận lợi cho công tác giải quyết dôi dư, huyện Quỳnh Lưu kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, cho áp dụng chính sách giải quyết dôi dư đối với cả các trường hợp tinh giản biên chế thuộc đơn vị không trong diện sắp xếp lại giai đoạn 2023-2025.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn khảo sát, đồng chí Phạm Thành Chung, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của huyện Quỳnh Lưu và các xã; đồng thời giải trình một số ý kiến tại cuộc họp. Các ý kiến góp ý sẽ được Ban Pháp chế tổng hợp, xem xét trong quá trình thẩm tra dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh./.