Ngược lên thủ phủ Tân Lạc của huyện miền núi Quỳ Châu giữa tháng 11, hỏi thăm đời sống của bộ phận dân cư đã nhường đất để Nhà nước thực hiện Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng hiện nay ra sao? Được trả lời, có nhiều chuyện đáng buồn, đáng lo. Nhưng phải vào vùng giáp ranh huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa mới tận thấy đầy đủ, chứ ở thị trấn nghe dăm, ba câu chuyện thì không thấu hết. Vậy là chúng tôi xuôi xuống xã Châu Bình.
Ở xã Châu Bình, hỏi đến việc tái định cư của người dân sau khi thu hồi đất, hầu hết đều lộ vẻ buồn. Vì thực tế chưa có hộ dân nào được tái định cư. Nhân dân sau khi nhận các khoản kinh phí bồi thường, hỗ trợ thì đang phải tự lo chỗ ở. Có hộ thì đã mua được đất để làm nhà. Một số hộ sau khi nhận tiền bồi thường đã chuyển đi nơi khác. Một số thì ở tạm nơi cũ, thuê nhà, hoặc tá túc nhờ anh em… Nhờ giới thiệu một vài hộ dân đang gặp khó khăn về nhà ở. Lãnh đạo xã Châu Bình cử một cán bộ địa chính trẻ đưa chúng tôi đi. Anh này nói: “Nếu anh muốn đến thăm những hộ đang ở lại nơi bản cũ thì vào Bình Quang. Còn không, có thể lên Đồng Phầu, chỉ cách trụ sở xã vài trăm mét cũng có một số hộ dân…”.Chọn bản Đồng Phầu nhờ anh đưa lên. Chỉ chừng dăm phút đi xe máy theo QL48, đến khu vực đang thi công cầu, thuộc khu vực hành lang đập phụ và đường gom, anh cán bộ địa chính dừng lại chỉ vào dọc nhà lấm lem bụi đỏ: “Đấy. Những hộ Đồng Phầu chờ đất tái định cư đang ở khu vực này”. Theo hướng chỉ, có khoảng gần chục ngôi nhà sứt sẹo, không tường rào; cửa vào nhà ngay sát đường đi. Phương tiện vận tải lớn qua lại liên tục, bụi mù mịt nên nhà nào cũng căng bạt kín mít. Chọn một nhà mất mái, dấu tích đập vỡ loang lổ còn mở cửa, anh cán bộ địa chính nói: “Đây là nhà ông Nguyễn Xuân Chung, ta vào nhà này cũng được…”.
Ông Nguyễn Xuân Chung đã đứng tuổi, có khuôn mặt khắc khổ, u uẩn. Biết khách lạ tìm hiểu chuyện hậu thu hồi đất thì như gặp dịp, cứ thế dốc hết tâm can. Gia đình ông gồm 5 người, bị thu hồi đất từ cuối tháng 12/2021. Với khối tài sản gồm 200m2 đất ở, công trình nhà ở, vườn tược…, tiền đền bù, hỗ trợ nhận được 1 tỷ đồng. Trước khi lập hồ sơ, Hội đồng bồi thường của dự án trao đổi với ông sẽ sớm giao đất tái định cư. Thế nhưng đã gần tròn năm, đất tái định cư vẫn không có như lời cán bộ. Thời gian qua, gia đình ông dịch chuyển đã 2 lần. Lần đầu, từ nhà cũ về nhà anh em; sau đó mới chuyển đến nơi này. Nơi ở này nguyên là nhà của một hộ dân cũng bị thu hồi đất. Sau khi nhận tiền, họ đập nhà lấy những vật liệu dùng được rồi chuyển đi nơi khác. Ông Chung thấy vậy thì mua tôn, kèo sắt lợp lại, đưa gia đình đến ở đây chờ đất tái định cư.
Bởi cái sự khổ của nơi ở tạm bợ là vô cùng vô tận, nên ông Chung mong mỏi có được đất tái định cư. “Có an cư mới lạc nghiệp. Sống trong cảnh này, gần 1 năm qua vợ chồng tôi cũng chẳng thể làm được gì để thêm thắt cho cuộc sống. Tiền đền bù nhận được 1 tỷ đồng nếu mua một mảnh đất ở Châu Bình cũng phải mất 600 – 700 triệu đồng, còn tiền đâu mà làm nhà. Nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng này, sẽ tiêu hết tiền đền bù. Miệng ăn núi lở…” – Ông Chung than thở. Lúi húi trong góc nhà nấu ăn nghe chồng trao đổi, vợ ông Chung là bà Lê Thị Sơn cũng tâm tư: Mong sao sớm có được đất để dựng nhà…
Rời Đồng Phầu, anh cán bộ địa chính gọi điện thoại mời ông Vũ Duy Hưng, là Trưởng bản Bình Quang dẫn đi thăm người dân của bản đang ở lại nơi cũ. Ông Hưng năm nay 63 tuổi, đã 16 năm làm Trưởng bản. Trên đường đi, ông Hưng khái quát về bản của mình “Bình Quang giờ là vùng 5 không. Không điện, không đường, không trường, không trạm và không có sóng điện thoại”.Chỉ cách trung tâm xã Châu Bình khoảng 5km, nhưng đường vào Bình Quang khổ trần ai. Dù như ông Trưởng bản cho biết, chỉ cách nay vài hôm Ban cán sự bản đã quyết định thuê máy vá lại đường hết 16 triệu đồng. Giọng nghèn nghẹn ông Hưng kể: “Bình Quang có 136 hộ, hầu như ở dưới phạm vi cốt ngập 71,86m, chỉ dăm bảy hộ ở trên cốt ngập. Công tác giải phóng mặt bằng dưới phạm vi cốt ngập vẫn chưa xong hoàn toàn, nhưng trường mầm non, trường tiểu học đều đã chuyển ra ngoài từ năm 2018 nên hầu hết các hộ dân cũng phải ra theo để tiện việc học hành của con cái. Cũng có một bộ phận chuyển đi sống nơi khác, nhưng phần lớn đều có nhu cầu đất tái định cư. Vì đất tái định cư chưa có, trong khi không phải ai cũng có thể mua được đất làm nhà nên một số phải nhờ cậy anh em, hoặc phải thuê nhà. Dự án kéo dài, ngoài này không có việc làm, tiền đền bù cạn dần nên một số hộ trở lại nơi ở cũ. Hiện nay, có khoảng 30 hộ đang ở tại nơi cũ, đời sống của họ vì thế rất khó khăn. Hôm 17/11 bản tổ chức ngày hội Đại đoàn kết. Để động viên những người ở lại, chúng tôi làm thịt nghé, tổ chức cho bà con vui trong bản cũ…”.
Vượt qua con đường đất gồ ghề, ngoằn nghèo theo các triền đồi, tới một vùng trồng độc cây keo non, ông Hưng giới thiệu: Đây là cuối bản Bình Quang. Phía trước mặt là sông Hiếu, sang bên kia sông là địa phận huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trên vùng keo, có một số căn nhà xây tạm bợ, cũ mới lổn nhổn, cửa đóng im ỉm. Hỏi ông Hưng, vùng này Nhà nước đã thu hồi đất, sao nhân dân còn trồng cây lâu năm, lại hình như có nhà xây mới? “Vì Nhà nước chưa sử dụng đất nên nhân dân trồng lại keo, chấp nhận đánh cược với rủi ro. Nhà mới cũng chỉ là dựng lên tạm bợ để có nơi ở. Nói chung, cũng như đánh bạc…” – ông Hưng chua chát.Tìm quanh quất, ông Vũ Duy Hưng dẫn chúng tôi vào thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tiến. Chị Tiến có 3 con, 2 cháu đang học THCS, 1 cháu học cấp tiểu học. Họ ở trong một căn nhà lụp xụp, nghèo nàn, xơ xác, bừa bộn những vật dụng làm nông. Thấy chị ngại ngần, ông Hưng động viên: “Ở đây vắng bóng người qua lại, cuộc sống hoang dã nhưng thoải mái, làm gì mặc sức…”. Nhà chị Tiến có 2ha đất các loại, nhưng ở 3 cấp độ. 1 ha dưới cốt ngập 71,86m; nửa ha dưới cốt ngập 76,4m; còn lại, trên cốt 76,4m. Năm 2018, phần diện tích dưới cốt 71,86 bị thu hồi, gồm cả đất ở và nhà, kinh phí đền bù, hỗ trợ được nhận 600 triệu đồng. Với khoản tiền này, theo chị Tiến nếu ra trung tâm xã mua đất thì hết sạch, không còn tiền làm nhà. Vì vậy, chị cùng chồng chuyển lên căn nhà cũ của người em đã vào miền Nam kiếm sống, trong khoảnh đất dưới cốt 76,4m để ở. “Hàng ngày vợ chồng vẫn phải chở các con đến trường. Sáng đưa đi, tối đón về. Vẫn trồng keo trên vườn cũ, chăn nuôi để kiếm kế sinh nhai. Biết làm thế là sai, nhưng cũng đành liều vậy…” – chị Tiến chia sẻ.
Hỏi Nguyễn Thị Tiến, gia đình chị đã có chuẩn bị gì cho tương lai. Chị cười buồn, rồi ngập ngừng trả lời: “Việc bồi thường đất ở cho gia đình em đến nay vẫn chưa xong vì có liên quan với 3 hộ dân khác. Hơn nữa, em cũng chờ Nhà nước thu hồi đất dưới cốt ngập 76,4m, chứ chỉ với số tiền đã nhận mà rời đi thì không thể nào mà ổn định được. Nhưng cứ rười rười mãi thế này, ăn hết cả tiền thì cũng không biết tương lai sẽ thế nào…”.
Ở xã Châu Bình, chúng tôi được xem bản “Danh sách tổng hợp nguyện vọng tái định cư theo kế hoạch của các hộ dân thuộc dự án tái định cư vị trí 2, khu 2, khu vực dốc 77, xã Châu Bình”. Có tất cả 141 hộ dân đăng ký, gồm các bản Quỳnh 1, Quỳnh 2, Đồng Phầu, Hòa Bình, Bình 3, Bình Quang, Lầu 2, và bản 3/2. Trong đó, bản Đồng Phầu có đến 49 hộ, còn bản Bình Quang là 58 hộ.Kể những gì tận thấy ở Châu Bình với ông Lô Thanh Sơn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Quỳ Châu. Đã gắn với công tác giải phóng mặt bằng Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng rất nhiều năm, ông Sơn có không ít tâm tư. Ông nói: “Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng có quyết định từ năm 2009, khởi công năm 2010. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2014 nhưng đến nay là năm 2022 rồi mà vẫn đang dang dở. Qua không ít cuộc họp cấp bộ, cấp tỉnh, nhiều người đã nói rằng đây là dự án kéo dài nhất Việt Nam. Quỳ Châu là một vùng lòng hồ của dự án, bị ảnh hưởng là chủ yếu chứ hưởng lợi không nhiều. Với tiến độ xây dựng như thế, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện nói chung, còn ảnh hưởng tinh thần cũng như tài sản của người dân thì phải nói là vô cùng. Người dân đang sống một cuộc sống không an tâm. Muốn đầu tư xây dựng, hay làm một việc gì đó cũng khó. Kể cả có người mất cũng không biết chôn cất nơi nào, vì nơi họ sống nằm trong vùng tích nước, chôn ở đấy mai này nước ngập thì biết làm sao. Với huyện, được cấp trên giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhưng với một quá trình dài như thế, vốn cấp hàng năm nhỏ giọt, không thể thực hiện dứt điểm. Công tác giải phóng mặt bằng mới cơ bản xong dưới cốt 71,86m, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Dân rất khổ nhưng chính quyền cũng rất vất vả… Từ năm ngoái đến nay, vốn cũng chưa được cấp thêm lần nào”.
Để trả lời về vấn đề tái định cư các hộ dân đã bị thu hồi đất, ông Sơn cập nhật nhiều những văn bản của huyện gửi đến Ban Quản lý Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng và các cấp, ngành có thẩm quyền. Xem văn bản mới nhất lập ngày 10/6/2022, ở khu tái định cư khu vực đập phụ 1 hiện nay mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đợt 1, tiến độ thi công đạt 35%; nhưng vì không có mặt bằng thi công san nền, cần chờ ngăn đập phụ 1 nên phải dừng thi công, hoặc điều chỉnh dự án. Còn tại khu tái định cư dốc 77, dù hoàn thành công tác xây dựng nhưng độ dốc san nền theo thiết kế quá lớn, trong cùng một lô đất độ dốc lên đến 12%, không phù hợp thực tế để bố trí khu nhà ở…Hỏi ông Lô Thanh Sơn, kiến nghị của huyện Quỳ Châu được trả lời như thế nào? “Những kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc và kế hoạch tiến độ của huyện đều được Ban Quản lý Dự án thủy lợi Bản Mồng tổng hợp, báo cáo cấp trên. Nhưng nút thắt là vấn đề vốn. Vì vậy, huyện Quỳ Châu cũng phải chờ chứ không có cách nào khác hơn…” – ông Lô Thanh Sơn trầm ngâm đáp.