f78b4ea7654ba315fa5a.jpg
Ban Dân tộc khảo sát việc triển khai các công trình, dự án và việc ứng dụng công nghệ thông tin tại huyện Kỳ Sơn

Khó khăn do chưa có vốn đối ứng của tỉnh khi thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia

Tại buổi làm việc, các phòng, ban thuộc UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, huyện Kỳ Sơn có 191 công trình có đối ứng từ ngân sách tỉnh, trong đó có 52 công trình đã hoàn thành và quyết toán; 134 công trình đã hoàn thành, chưa quyết toán; 5 công trình đã hoàn thành xây lắp, còn nợ tiền. Các công trình đều chấp hành đúng trình tự thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng và chế độ quản lý tài chính đầu tư. Tuy nhiên, hiện có nhiều công trình mặc dù đã hoàn thành nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong quyết toán công trình.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Kỳ Sơn thực hiện 4 dự án đầu tư công, bao gồm: đường Tây Sơn – Na Ngoi với kinh phí 250 tỷ đồng; Trụ sở làm việc Huyện ủy với kinh phí 47 tỷ đồng; Trụ sở làm việc 7 xã gồm Mường Típ, Mường Ải, Na Loi, Kiêng Đu, Na Ngoi, Mường Lống, Chiêu Lưu với kinh phí 44 tỷ; Cơ sở hạ tầng khu tái định cư bản Cò Mỳ, xã Mường Típ với kinh phí 39 tỷ đồng. Thực hiện các dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ là 859,081 tỷ đồng, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được giao 7 dự án với tổng vốn cả giai đoạn 2021 – 2025 là 597,443 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới năm 2022 có 29 công trình, với kế hoạch vốn giao là 42.190 triệu đồng (riêng giai đoạn 2022-2025 Trung ương, tỉnh chưa phân bổ nguồn vốn). Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, có 06 dự án, kế hoạch vốn giao giai đoạn 2021-2025 là 219.448 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án có khó khăn do huyện Kỳ Sơn chưa được bố trí ngân sách đối ứng 10% của ngân sách địa phương hằng năm và việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các dự án, tiểu dự án trên địa bàn Huyện rất khó khăn; việc đóng góp của người dân, cộng đồng cũng rất hạn chế do đó nguồn lực để thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương.

2.jpg
Đồng chí Vi Hòe, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện trao quà cho hộ nghèo

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện ở huyện Kỳ Sơn có một số khó khăn, vướng mắc như việc quy định định mức đường giao thông nhựa hóa, cứng hóa 1,6 tỷ đồng/km không phù hợp đối với địa bàn huyện Kỳ Sơn. Các dự án thành phần như: Trồng cây dược liệu, việc giao rừng gắn với giao đất nông nghiệp; các dự án 1, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 chưa có hướng dẫn cụ thể nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nhân lực ảnh hưởng đến chuyển đổi số ở huyện Kỳ Sơn

Trong thời gian qua, huyện Kỳ Sơn đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, trong đó sử dụng có hiệu quả Hệ thống Quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã, tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử trên địa bàn huyện. Tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử của UBND huyện đạt 100%. Tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử của UBND cấp xã đạt 98%. Cấp chứng thư số cho các phòng ban UBND huyện, UBND xã, thị trấn; lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và cán bộ một cửa cấp huyện, xã thị trấn liên quan đến 25 dịch vụ công thiết yếu. Tỷ lệ ký số văn bản đi tại cơ quan UBND huyên đạt 98%, tỷ lệ ký số trên hệ thống văn bản điện tử của UBND xã, thị trấn đạt 66,6%. Thực hiện chuẩn hóa tất cả các quy trình thủ tục hành chính nội bộ, điện tử cấp huyện, xã trên phần mềm một cửa điện tử tỉnh Nghệ An để đảm bảo triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến và liên thông cấp tỉnh, huyện, xã. Duy trì, triển khai có hiệu quả phần mềm một cửa điện tử từ cấp huyện đến cấp xã. Toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn vận hành phần mềm một cửa điện tử đạt 100%.

Bên cạnh đó, vẫn có những khó khăn hạn chế như tỷ lệ hồ sơ công việc tại UBND huyện được tạo lập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu hoàn toàn dưới dạng điện tử trên môi trường mạng tại UBND huyện, UBND xã còn thấp; nguồn kinh phí đầu tư phát triển các nội dung chuyển đổi số còn hạn chế, một số thiết bị cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ về CNTT còn hạn chế để thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực, ngành cụ thể; nhận thức của một số cán bộ, công chức, người dân chưa cao trong các giải pháp CNTT phục vụ và ứng dụng trong cuộc sống….

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lô Thị Kim Ngân, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận ý kiến của các phòng, ban thuộc UBND huyện Kỳ Sơn liên quan đến việc triển khai các công trình, dự án và việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại huyện Kỳ Sơn để nghiên cứu, chuẩn bị cho kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, nhất là phiên chất vấn các cơ quan liên quan tại kỳ họp HĐND tỉnh.