Hình như bản tin thời tiết vừa cảnh báo về một đợt không khí lạnh cực mạnh đang tràn xuống các tỉnh phía Bắc, thế mới biết xuân đã về không có nghĩa là đã hết rét mướt. Có lẽ trong tương lai các nhà nghiên cứu còn phải tốn nhiều giấy mực để bàn về những tháng ngày chúng ta đang sống. Những tháng ngày mà từ khóa “F0” trở thành nỗi ám ảnh với cả xã hội. Cung đoạn của hàng loạt chỉ số âm trên bản đồ kinh tế và dày đặc những dấu trừ trước các thống kê xã hội. Covid -19 làm kiệt quệ kinh tế toàn cầu, Covid-19 phá vỡ mọi kết nối, mọi kế hoạch cũng như những dự báo tăng trưởng trước đó. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải có 2 bản báo cáo với 2 cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Ban đầu ông lạc quan tuyên bố về 4 mục tiêu lớn giải quyết là tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị; đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững; và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác. Nhưng rồi chưa đầy 12 tháng sau, chính ông đã phải thừa nhận thế giới có thêm hàng trăm triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu “dương” kể từ năm 1998. Vậy là 4 mục tiêu lớn trở thành món nợ không xác định thời hạn. Không một lĩnh vực sản xuất hay kinh doanh nào nằm ngoài ảnh hưởng, nhìn số máy bay dày đặc im lìm trên phi trường cũng đã đủ nói lên sự khốc liệt của vấn đề. Lần đầu tiên nền kinh tế số 1 thế giới là Hoa Kỳ đã chạm ngưỡng lạm phát lịch sử (7,5%) Dự báo giới chuyên gia kinh tế của Viện Tài chính quốc tế (IIF) về đợt “sóng thần nợ càn quét thế giới” đã hiện hữu.

covid.jpg
Covid-19 có thể đã làm cho bức tranh toàn cảnh thế giới những năm qua trở nên xám xịt, nhưng ẩn sau những gam màu u ám đó là sự trưởng thành toàn diện của xã hội (Ảnh: Internet)

Từ chủ quan đến bàng hoàng, từ bấn loạn chuyển qua trấn tĩnh, người ta vừa tỏ ra ngơ ngác hỏi nhau lại vừa cố gắng tỉnh táo trả lời. Điều gì đang xảy ra? Dịch bệnh từ đâu đến?... Covid–19 sẽ để lại những hậu quả nặng nề, để lại không chỉ một năm mà chắc còn nhiều năm nữa. Vậy Covid-19 có phải là dấu chấm hết cho mọi hy vọng? Không, tôi không nghĩ thế! Mất rất nhiều không có nghĩa là mất tất cả. Ít nhất thì mỗi chúng ta ngồi đây cũng đã và đang trải qua một cuộc tổng diễn tập ứng phó thảm họa với quy mô toàn cầu. Covid-19 có thể đã làm cho bức tranh toàn cảnh thế giới những năm qua trở nên xám xịt, nhưng ẩn sau những gam màu u ám đó là sự trưởng thành toàn diện của xã hội. Chúng ta đã tìm được đáp án trả lời cho câu hỏi hóc búa nhất về sự rắn rỏi. Nhân loại đã tìm được thứ ngôn ngữ không phân biệt giàu nghèo chủng tộc hay màu da. Hàng loạt những giá trị nội sinh được kích hoạt. Sự phân rã trong các chuỗi kết nối đã không thể triệt tiêu được nỗ lực gắn kết của con người. Những cú sốc suy thoái kinh tế đã không chùn được những bước tiến thần kỳ của khoa học. Những phương thức làm việc mới được hình thành. Thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến bùng nổ. Từ trong sự bấn loạn và thoi thóp của không ít tập đoàn kinh tế thì thị trường chứng khoán lại hồi sinh ngược dòng để lập đỉnh lịch sử. Rõ ràng Covid-19 đã gián tiếp ép đẩy những ứng dụng tuyệt vời của công nghệ số để nó tiến nhanh hơn, xa hơn, thiết thực hơn.

covid-1.jpg
Học sinh tham gia tích cực trong một giờ học trực tuyến (Ảnh: Internet)

Từ Việt Nam nhìn ra thế giới thấy muôn vàn trăn trở, từ thế giới chiếu về Việt Nam bỗng thấy mình may mắn. Trước đợt bùng phát thứ tư thì cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam cứ như là một kỳ tích. Mỗi lần dịch bệnh xuất hiện cũng là một lần dịch bệnh bị đẩy lùi. Khi dịch bệnh bùng phát thì cả dân tộc dồn sức cho cuộc chiến chống dịch bằng từ khóa Vắc xin. Từ đất nước có tỷ lệ tiêm vắc xin hàng thấp nhất chỉ trong vòng 7 tháng chúng ta đã là 1 trong 6 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Hành động! Đó là mệnh lệnh tối cao của sinh tồn. Đó là sức mạnh Việt Nam, một thứ sức mạnh hình thành từ ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi tập thể là một pháo đài. Cuộc sống và sinh hoạt đảo lộn lại được chính từng người dân tự ngăn nắp hóa theo một trật tự khác biệt, một công thức chưa từng được biết đến trước đó. Trên dưới, ngang dọc tất thảy đều chung một “chiến hào” chống dịch. Những giá trị căn bản nhất ngủ quên lâu ngày đã được gọi tên, sống động hơn, mạnh mẽ hơn và chắc chắn sẽ bền bỉ hơn.

covid-5.jpg
Cuộc sống đang tự thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới (Ảnh: Internet)

Chúng ta đã sải những bước đường đầu tiên của năm Nhâm Dần. Khi hy vọng không tắt thì điều kỳ diệu được thắp lên: Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 đã xuống mức thấp nhất kể từ đỉnh dịch. Hàng không đã mở cửa trở lại. Trẻ em được tiếp tục cắp sách tới trường. Du lịch đang đón những vị khách thân thương quay trở lại... Cuộc sống đang tự thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới. Tin tưởng và hy vọng Nhâm Dần là năm của những hồi sinh và thành tựu. Mỗi mất mát là một dịp trưởng thành, mỗi hy sinh là một lần dâng hiến. Nhắc lại câu hỏi “Ai cho em mùa xuân” tự nhiên lại liên tưởng đến câu hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân…”.

Nguyễn Khắc An