8 nội dung tổng kết qua Hội thảo 'Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW đánh giá, các tham luận và nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo rất toàn diện, sâu sắc, đề cập đầy đủ các mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua; không chỉ dừng lại ở những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm mà còn tập trung làm rõ các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đảm bảo cho sự phát triển của Nghệ An thời gian tới; đặc biệt, phục vụ cho việc xây dựng, ban hành, tổ chức thể chế hoá và triển khai thực hiện một Nghị quyết mới của Bộ Chính trị cho phát triển của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, đồng chí Trần Tuấn Anh tổng kết những nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, các đại biểu thống nhất cao về những chủ trương, định hướng đúng đắn mà Đảng đã xác định trong Nghị quyết 26-NQ/TW; là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành và tỉnh Nghệ An ban hành các cơ chế, chính sách, bổ sung nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết, với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An, phát triển tỉnh Nghệ An đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, ngày càng hoàn thiện; các đô thị có diện mạo khang trang, sạch sẽ, tốt đẹp hơn; phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây Nghệ An đạt được nhiều kết quả, đời sống của Nhân dân được nâng cao.
Thứ hai, các đại biểu đã làm sâu sắc hơn một số kết quả đạt được phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An thời gian qua dù còn khiêm tốn nhưng tạo lập cơ sở ban đầu, nền tảng để tạo nên đột phá thời gian tới đây và dài hạn. Các đại biểu cũng đã tập trung chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguy cơ Nghệ An sẽ “tụt hậu” trong sự phát triển so với một số tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; làm rõ nguyên nhân gây ra cản trở cho sự phát triển tỉnh Nghệ An từ nhận thức đến hành động trong triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW; từ quan tâm, phối hợp giữa bộ, ngành đến tổ chức triển khai thực hiện của tỉnh; từ ban hành cơ chế chính sách đến việc bố trí, khai thác và tích hợp các nguồn lực; từ vai trò của hệ thống chính trị đến sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong tỉnh.
Các đại biểu cũng làm rõ nguyên nhân; từ đó phân tích, làm rõ sâu sắc hơn nữa những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng, ban hành một Nghị quyết mới của Đảng cũng như việc thể chế hoá, tổ chức triển khai thực hiện làm sao đạt hiệu quả, đảm bảo tính khả thi trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó là công tác tổ chức giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết, kể cả từ khâu thể chế hoá đến tổ chức triển khai thực hiện, từ quyết tâm chính trị đến chương trình hành động cụ thể.
Thứ ba, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những bối cảnh, cục diện mới, đặc biệt là những thuận lợi, cơ hội, xu thế mới của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế mang lại, từ cách mạng công nghiệp 4.0, từ các hiệp định thương mại tự do, những xu thế phát triển mới của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, những tiến bộ của khoa học công nghệ… và vị thế mới của đất nước, của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ được những nguy cơ, thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0, của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, những khó khăn nội tại của nền kinh tế… tác động đến quá trình triển khai các Nghị quyết. Những điều này đặt ra những áp lực, yêu cầu rất mới trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như các Nghị quyết chuyên đề mà Đảng đã ban hành thời gian vừa qua, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết mới mà Bộ Chính trị đã ban hành cho phát triển duyên hải Trung bộ và Bắc Trung Bộ (Nghị quyết 26-NQ/TW) cũng như Nghị quyết mới tới đây được kỳ vọng ban hành thay thế cho Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh Nghệ An.
Thứ tư, các đại biểu đã phân tích, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế đặc thù của tỉnh Nghệ An, nhất là những lợi thế để phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như phần mềm, trí tuệ nhân tạo; phát triển kinh tế rừng, kinh tế biển; khai thác bản sắc văn hóa xứ Nghệ cũng như các giá trị công nghiệp văn hoá; các hoạt động phát triển hệ thống đô thị, đô thị thông minh, cảng biển, dịch vụ thương mại, logicstics...
Từ đó, định hướng và đề ra các giải pháp để: (i) Phát triển nhanh các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và có khả năng đáp ứng khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của tỉnh như công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp, sản xuất các loại vật liệu mới, dược liệu, sinh dược, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm; công nghiệp năng lượng gắn với bảo vệ môi trường; công nghiệp năng lượng tái tạo…; (ii) Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái, ứng dụng các quy trình, công nghệ mới, thông minh, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên; chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với sự phát triển của công nghiệp dược liệu và các vùng dược liệu; (iii) Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền tài nguyên du lịch văn hóa; phát triển du lịch trải nghiệm không gian văn hóa sông Lam, nghệ thuật dân ca Ví Giặm và các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử và tâm linh tại các di tích văn hóa, lịch sử đặc biệt là Khu di tích lịch sử Kim Liên gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; những yếu tố liên quan đến phát triển và khai thác giá trị văn hoá cũng như con người là chủ thể, động lực phát triển của Nghệ An trong giai đoạn tới; (iv) Phát triển kinh tế biển đa dạng, cả kinh tế biển truyền thống và kinh tế biển mới, như: phát triển kinh tế đô thị ven biển, nuôi thủy sản trên biển, năng lượng tái tạo trên biển, nghề cá giải trí gắn với khu bảo tồn biển và có thể là dược liệu biển. Những điều này vừa có tính kế thừa của Nghị quyết 36 về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam cũng như tiếp tục kế thừa những quan điểm mới của Đảng trong các Nghị quyết quan trọng đã ban hành trong Hội nghị Trung ương 5, 6 của Đại hội Đảng khoá XIII, các Nghị quyết khác của Bộ Chính trị; ; (v) Phát triển khu kinh tế cửa khẩu với những cơ chế ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, thương mại hàng hóa, du lịch, dịch vụ; đầu tư cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu bằng nguồn vốn ngân sách của trung ương; nâng cấp các cửa khẩu tiếp giáp với nước bạn Lào cũng như hành lang kinh tế Đông - Tây (vùng Myanmar và Đông Bắc Thái Lan). Đặc biệt là các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo đều tập trung phân tích, làm rõ vai trò rất quan trọng của khu vực doanh nghiệp với sự hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách đột phá, đủ mạnh của Đảng và Nhà nước để đảm bảo thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là nguồn lực của khu vực doanh nghiệp, để thông qua đó tạo ra sự kết nối, nhằm phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp trên cơ sở công nghệ cao; đồng thời tạo liên kết để tạo ra các giá trị gia tăng cao hơn.
Thứ năm, một số tham luận và đại biểu cho rằng triển khai các đột phá chiến lược trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn nhiều bất cập như: Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn hình thức, tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế; lực lượng lao động đang ở trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng chất lượng nguồn lao động thấp gây khó khăn lớn trong việc thực hiện các định hướng lớn của tỉnh. Cùng với hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính… đã hạn chế đầu tư của xã hội và khu vực doanh nghiệp trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế. Điều này đòi hỏi phải có những đột phá mới trong Nghị quyết mới cũng như quá trình triển khai thực hiện thời gian tới đây.
Thứ sáu, một số đại biểu đã phân tích về thực trạng và đóng góp của các động lực tăng trưởng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An thời gian qua về phát triển khoa học - công nghệ, về phát triển kinh tế tư nhân, về phát triển hệ thống đô thị và về liên kết với các địa phương trong vùng. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy các động lực tăng trưởng thời gian tới như: (i) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, ưu tiên đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp, dược liệu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ vi sinh; dược liệu, công nghiệp dược; công nghiệp chế biến…; (ii) Ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp với các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp tham gia sâu trong các chuỗi giá trị mới, cũng như khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; (iii) Tổ chức hệ thống đô thị, làm rõ vị thế của từng đô thị của tỉnh và tăng cường liên kết các đô thị, liên kết đô thị với công nghiệp, với quá trình xây dựng nông thôn mới, liên kết đô thị với kinh tế biển, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh…; phát triển thành phố Vinh thực sự trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ; (iv) Tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh liên kết phát triển vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh gắn với phát triển KKT Đông Nam Nghệ An; liên kết phát triển vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An gắn với phát triển vùng Hoàng Mai - Đông Hồi.
Thứ bảy, các đại biểu thống nhất cho rằng, phát triển tỉnh Nghệ An phải được đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. Chiến lược, quy hoạch Nghệ An phải phù hợp với quy hoạch tích hợp của quốc gia, với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của cả nước; định hướng rõ vai trò, chức năng của các vùng động lực như thành phố Vinh, Khu Kinh tế Đông Nam, Vùng Hoàng Mai Đông Hồi, các hành lang kinh tế và phát triển bền vững vùng Tây Nghệ An cũng cần tiếp tục nghiên cứu.
Thứ tám, đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cao về việc trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW thời gian 10 năm vừa qua, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Nghệ An, sứ mệnh của tỉnh Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước trong giai đoạn phát triển mới; sẽ là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cũng như có các giải pháp cụ thể để khai thác, bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An, để tỉnh thực sự phát triển giàu mạnh, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thành Duy (ghi)