Trong lần thứ ba giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam được tổ chức, Đà Nẵng cũng đã lần thứ ba được ghi nhận và vinh danh là thành phố thông minh xuất sắc nhất. Cùng với đó, địa phương này còn giành giải trong các lĩnh vực giao thông và logistics thông minh; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng thông minh phục vụ công dân và doanh nghiệp.

Không những thế, liên tiếp trong 2 năm Bộ TT&TT thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương – DTI, Đà Nẵng đều dẫn đầu khối địa phương. Trong đó, năm 2021, thứ hạng của Đà Nẵng về các hoạt động chính quyền số, kinh tế số và xã hội số lần lượt là 2, 2 và 1.

Riêng về phát triển đô thị thông minh, đánh giá sơ bộ về thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh của 18 địa phương của Bộ TT&TT cho thấy, Đà Nẵng là địa phương đã đạt được kết quả nổi bật.

nen-tang-cong-dan-so-da-nang-2-1-1037.jpg
Khi dùng các dịch vụ công trực tuyến, người dân Đà Nẵng hiện không phải khai báo lại, hay nộp thêm thành phần hồ sơ đã có trong kho dữ liệu của mình trên nền tảng công dân số My Portal.

Còn theo Hội đồng giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022, với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai xây dựng thành phố thông minh toàn diện, đồng bộ trên 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên.

Đà Nẵng đã chủ động ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng với cam kết, tầm nhìn dài hạn; ban hành Khung Kiến trúc để định hướng; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số làm nền tảng; phát triển các ứng dụng, dịch vụ số hướng đến xây dựng thành phố thông minh một cách bền vững, kết nối đồng bộ với khu vực và thế giới.

Trong đó, với lĩnh vực giao thông và logistics, Đà Nẵng đã hình thành Trung tâm giám sát điều hành giao thông thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông trên nền GIS. Thành phố cũng đã triển khai các nền tảng số như hệ thống camera giám sát và nhận dạng biển số, xử phạt nguội vi phạm giao thông và cung cấp dịch vụ tra cứu dữ liệu giao thông trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng đã được hình thành và từng bước phát triển với phương châm "Đà Nẵng có thể chưa phải là nơi tốt nhất, nhưng sẽ là nơi tin cậy nhất để khởi nghiệp". Thành phố này đã ban hành nhiều văn bản về cơ chế, chính sách và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Đà Nẵng đã triển khai cung cấp nhiều nền tảng, dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, doanh nghiệp như nền tảng công dân số My Portal, tiện ích Da Nang Smart City; ứng dụng góp ý, phản ánh; ứng dụng xe cứu thương 115 công nghệ. Theo đó, từng bước tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân, góp phần hình thành, phát triển xã hội số.

da-nang-1-1035--n1.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam chia sẻ kinh nghiệm của thành phố trong phát triển đô thị thông minh.

Trao đổi tại hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022, Tiến sĩ Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng đã nhận diện được một số thực tiễn, kinh nghiệm.

Trước hết, đó là quyết tâm chính trị, cam kết của lãnh đạo thành phố thông qua các chủ trương nghị quyết, chính sách vĩ mô; các kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, địa phương. Cùng với đó, thành phố đã xác định mục tiêu hướng đến 1 hệ thống thông minh toàn diện với 1 chiến lược tổng thể về công nghệ bền vững, mà mỗi trụ cột phát triển sẽ hỗ trợ, thúc đẩy, tạo ra các sáng kiến và động lực phát triển mới một cách tuần hoàn.

Một bài học kinh nghiệm nữa của Đà Nẵng là hiểu rõ thế mạnh, hạn chế của địa phương, từ đó xác định những vấn đề cần ưu tiên thực hiện phù hợp với nguồn lực nhằm đảm bảo khả năng và tiến độ đạt được mục tiêu đề ra. Ban hành Kiến trúc kỹ thuật Thành phố thông minh và triển khai đảm bảo tuân thủ theo Kiến trúc để có lộ trình đồng bộ, kế thừa, tương thích và hiệu quả.

Đại diện UBND thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng, cần lựa chọn triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp, đánh giá kết quả làm cơ sở triển khai nhân rộng, không làm dàn trải, quy mô lớn.

Mặt khác, một dự án thành phố thông minh cần tính đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường và cần phải kết hợp đầy đủ các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, con người và xã hội. Bên cạnh đó, cần huy động hợp tác quốc tế và trong nước; triển khai phát triển đô thị thông minh gắn với phát triển sản phẩm “Made in Việt Nam” và phát triển kinh tế số của thành phố.