Hạn chế, tồn tại trong thực hiện chính sách
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị
quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội có 10 lượt đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn.
Đánh giá về chất lượng chất vấn nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, các câu hỏi, nội dung chất vấn của các đại biểu ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm cao của đại biểu. Về phía trả lời của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề, cơ bản đã làm rõ được các nội dung đại biểu yêu cầu. Các sở, ngành có liên quan như Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Nghệ An cũng đã tham gia trả lời chất vấn và giải trình rõ hơn về những vấn đề đại biểu quan tâm thuộc thẩm quyền trách nhiệm của mình.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi cho rằng: Thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho tổ chức, cá nhân, đưa kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 có bước phục hồi nhanh, trở lại trạng thái bình thường mới, tạo đà phát triển. Tốc độ tăng trưởng đạt 8,44% (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và cao hơn bình quân chung cả nước.
Mặc dù các chính sách đã được triển khai, trong phần kết luận chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nêu một số tồn tại, hạn chế. Như việc chi trả chế độ bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên y tế phục vụ công tác phòng dịch chậm. Đến nay, các địa phương còn chưa chi trả 52 tỷ. Các dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn và hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh có nhiều vướng mắc về thủ tục đấu thầu.Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ngư dân… còn gặp khó khăn, nhất là trước tình hình biến động lớn về giá cả, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2021 (6 tháng đầu năm có 826 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 188 doanh nghiệp so với cùng kỳ 2021). Nợ thuế trong 6 tháng đầu năm còn ở mức cao với tổng 1.008 tỷ đồng, tăng 215 tỷ so với thời điểm 31/12/2021.
Một số chính sách nằm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế triển khai còn chậm, kết quả đạt thấp như: gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng; thủ tục hành chính tại một số đơn vị còn kéo dài.
Chưa giải quyết tốt vấn đề về cung cầu giữa nguồn lao động với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp có nhu cầu cao về nhân lực, nhưng không tuyển được lao động, dù tiêu chuẩn để doanh nghiệp tuyển dụng không cao….
Chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động sau dịch đạt thấp.
5 nhóm giải pháp cần tập trung
Trên cơ sở nội dung chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp và những tồn tại đang đặt ra, kết luận phần chất vấn nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo Nghị quyết 38 ngày 13/7/2022 của Chính Phủ và Kế hoạch số 310 ngày 17/5/2022 của UBND tỉnh; không chủ quan lơ là trước các diễn biến của dịch bệnh, để đảm bảo ổn định, an toàn phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế kịp thời, đúng quy định, không để ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Đặc biệt cần ưu tiên nguồn kinh phí chi trả xong các chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian phòng chống dịch trước đó; hoàn thành việc hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19 theo đúng quy định.
Hai là, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ. Tạo điều kiện tốt hơn nữa về nguồn vốn tín dụng và thủ tục cho vay, giúp Doanh nghiệp , HTX, hộ kinh doanh được đáp ứng nguồn vốn vay phục vụ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tốt.
Ba là, chỉ đạo sớm hoàn thành các hồ sơ thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch, giải ngân kịp thời vốn đầu tư công (mới đạt 32,58%).
Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả các kiến nghị của thường trực HĐND tỉnh về Giám sát chuyên đề công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; trong đó chú trọng việc sắp xếp hợp lý các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; Tập trung các gải pháp kết nối, giải quyết tốt cung cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động và tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Năm là, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, ứng dụng CNTT; tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng các dự án, thủ tục đầu tư, cấp phép, xem xét rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận, thực hiện. Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ công chức trong thực thi công vụ.
Về phía Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các Ban HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tiếp tục theo dõi, đeo bám, giám sát việc thực hiện các ý kiến, lời hứa và các giải pháp mà Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành liên quan đã nêu tại kỳ họp. HĐND tỉnh sẽ nghe lại kết quả thực hiện nội dung này nhất là khắc phục những tồn tại, hạn chế, những giải pháp sắp tới tại phiên họp HĐND vào cuối năm nay.
Minh Hà (lược ghi)