Có một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo, chưa nỗ lực, quyết tâm triển khai; một số nơi đã xây dựng phương án sắp xếp, nhưng quá trình triển khai gặp một số khó khăn, cho nên đề nghị chưa thực hiện sắp xếp hoặc phải để lại một số đơn vị hành chính chưa thể sắp xếp.

Thí dụ, tỉnh Lai Châu đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp với 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 2 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng sau đó đề nghị chưa thực hiện trong giai đoạn này; tỉnh Phú Thọ đã xây dựng phương án sắp xếp với 80 đơn vị hành chính cấp xã nhưng đến khi triển khai thực hiện, tỉnh chỉ xây dựng hồ sơ để thực hiện đề án sắp xếp 30/77 đơn vị hành chính cấp xã, đề nghị không thực hiện sắp xếp với 7 đơn vị do có yếu tố đặc thù và chưa thực hiện sắp xếp đối với 40 đơn vị hành chính còn lại; tỉnh Quảng Bình để lại 6 đơn vị hành chính cấp xã chưa sắp xếp do chưa nhận được sự đồng thuận của cử tri trên địa bàn.

Một số địa phương vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục liên quan quy hoạch đô thị, phân loại đô thị và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, cho nên phải đưa ra khỏi phương án sắp xếp đối với một số đơn vị hành chính đô thị như ở các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên… Có địa phương (tỉnh Điện Biên, Bình Phước) đã xây dựng phương án sắp xếp nhưng chưa bảo đảm quy định về quy hoạch và phân loại đô thị, cho nên đến nay chưa thể thực hiện phương án sắp xếp.

Việc sắp xếp giai đoạn 2019-2021 vẫn còn tồn đọng một số nội dung chưa giải quyết dứt điểm cũng gây khó khăn cho các địa phương khi tiếp tục sắp xếp giai đoạn 2023-2025, nhất là đối với các địa phương có số lượng lớn đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp và phải giải quyết số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, trụ sở công dôi dư trong giai đoạn 2023-2025.

Đáng chú ý, thời gian qua, trên mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin cho rằng, tỉnh này sáp nhập với tỉnh kia hoặc có tỉnh bị “xóa tên” để sáp nhập một phần về thành phố trực thuộc Trung ương, một phần về các tỉnh lân cận; đây cũng là vấn đề được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm và đặt câu hỏi với Bộ Nội vụ.

Mặc dù Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trước mắt việc sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai thực hiện ở cấp Trung ương; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sau và hiện tại chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố ngay. Tuy nhiên, trước những bất cập, hạn chế trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính vừa qua, nhất là hiệu quả hoạt động của bộ máy ở một số đơn vị hành chính mới chưa cao cộng hưởng với những thông tin không đúng tràn ngập trên mạng xã hội đã gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, nhất là tại những nơi có chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2026-2030.

Vì vậy, thời gian tới, yêu cầu rất quan trọng đặt ra khi triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính là cần gắn kết chặt chẽ với cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của hệ thống chính trị, bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao của nhân dân đối với chủ trương lớn của Đảng.

Vấn đề trọng tâm đang được nhân dân, cử tri đặt ra hiện nay, đó là: Theo khẳng định của Bộ trưởng Nội vụ “việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sau và hiện tại chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố ngay”, tức là chủ trương có nhưng thời điểm hiện nay chưa tính toán hay đề xuất nội dung nào. Do đó, nhân dân và cử tri mong muốn cơ quan hữu quan có giải pháp hiệu quả trước yêu cầu mới trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, dự báo được những vấn đề mới, xu hướng mới, bảo đảm việc sắp xếp phải phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác liên quan; tránh điều chỉnh nhiều lần gây tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp.