Nhiều sai phạm được xử lý
Trong năm 2021, các địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của công dân ngay từ khi phát sinh tại cơ sở. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, hành vi tham nhũng.
Trong năm các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết được 281/316 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,9%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đã phát hiện 3 vụ việc có dấu hiệu sai phạm chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.
Các bị cáo Lưu Quang Thượng, Nguyễn Văn Hồng, Trần Công Oanh (từ trái qua phải) nguyên cán bộ xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc tại phiên tòa. Ảnh tư liệu: Như Bình
Trong đó, tại UBND huyện Nghi Lộc đã phát hiện 2 vụ việc có dấu hiệu sai phạm. Đó là vụ việc công dân tố cáo nguyên Chủ tịch UBND xã và công chức địa chính xã Nghi Tiến lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền hỗ trợ thủy sản sai quy định.
Qua giải quyết tố cáo đã xử lý kỷ luật đối với BTV Đảng ủy xã Nghi Tiến nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 với hình thức cảnh cáo; kỷ luật 7 cá nhân. Vụ việc đã được Công an tỉnh khởi tố và ngày 1/11/2021, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với Lưu Quang Thượng (SN 1954) cựu Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến giai đoạn 2004-7/2014; Trần Công Oanh (SN 1960) - cựu Chủ tịch UBND xã giai đoạn tháng 9/2014-7/2020 và Nguyễn Văn Hồng (SN 1980) - cựu công chức địa chính nông nghiệp, giai đoạn 2013-9/2020).
Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền do hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là hơn 722 triệu đồng. HĐXX TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Lưu Quang Thượng 12 tháng cải tạo không giam giữ; Trần Công Oanh 24 tháng tù giam; Nguyễn Văn Hồng 36 tháng tù giam.
Cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc
Cũng tại xã Nghi Tiến, qua giải quyết nội dung công dân tố cáo nguyên Phó Chủ tịch UBND xã, công chức địa chính và Chủ tịch UBMTTQ xã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền bồi thường GPMB đường D4 sai quy định, phát hiện có dấu hiệu sai phạm, UBND huyện Nghi Lộc đã chuyển vụ việc qua cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Nghi Lộc để điều tra xử lý.
Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Nghi Lộc: Trong năm 2021, tỷ lệ giải quyết đơn thư trên địa bàn đạt 91%. Huyện đã thành lập 41 đoàn thanh, kiểm tra xác minh đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân; xem xét trách nhiệm của 22 cá nhân có sai phạm đã được nêu trong kết luận thanh tra. Trong đó, 4 cán bộ, công chức xã Nghi Trường chịu hình thức kỷ luật khiển trách, hiện Phòng Nội vụ huyện đang tham mưu UBND huyện thực hiện kiểm điểm các cá nhân tại các xã Nghi Xuân, Nghi Tiến.
Tại UBND huyện Yên Thành, tỷ lệ giải quyết đơn thư trong năm 2021 đạt 96%, qua giải quyết đơn thư KNTC, UBND huyện đã chuyển cơ quan điều tra Công an huyện 1 vụ việc liên quan đến sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn xã Đô Thành.
Ông Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND TP. Vinh báo cáo kết quả và đề xuất hướng giải quyết các nội dung công dân kiến nghị. Ảnh tư liệu Phạm Bằng
Tại thành phố Vinh, xác định công tác tiếp dân, giải quyết KNTC là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tạo môi trường ổn định để tập trung phát triển nên UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp chủ động, quyết liệt, như thành lập các đoàn xác minh, giải quyết, chú trọng đối thoại với công dân; tăng cường hòa giải cơ sở; chủ động rà soát, phân loại, đôn đốc để giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài…
Nhờ vậy, số lượng vụ việc tiếp công dân giảm 41%; đơn thư tiếp nhận giảm 27%, vụ việc giảm 29,5% so với cùng kỳ. Toàn thành phố giải quyết 995/1024 vụ việc đạt 97%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội thành phố đề ra (96%). Đặc biệt, trong năm qua, UBND thành phố đã tiến hành tổng rà soát, phân loại, đôn đốc các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, qua đó giải quyết xong 35/48 vụ việc, đang tiếp tục phối hợp xin ý kiến các ban, ngành liên quan giải quyết 13 vụ việc còn lại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp công dân, đúng quy định pháp luật.
Toàn cảnh buổi đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với các công dân liên quan đến Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng
Trong năm 2021, qua giải quyết khiếu nại, toàn tỉnh đã phát hiện sai phạm , kiến nghị thu hồi và trả cho cá nhân 38,8 triệu đồng và 120/439 m2 đất; đề nghị các cấp có thẩm quyền và tiến hành xử lý trách nhiệm 5 cá nhân. Qua giải quyết tố cáo, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi vào ngân sách Nhà nước 1.280 triệu đồng, đã thu hồi 964 triệu đồng; đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý hành chính 2 tập thể, 19 cá nhân có sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc, 5 đối tượng.
Còn nhiều khó khăn
Tuy có nhiều chuyển biến nhưng một số địa phương trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc thuộc thẩm quyền chưa thật sự coi trọng việc tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công dân, dẫn đến giải quyết các vụ việc kéo dài, phức tạp, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến đất đai.
Về vấn đề này, đại diện Sở TN&MT Nghệ An cho hay: “Qua công tác giải quyết đơn thư KNTC về TNMT cho thấy việc phân loại đơn thư để xử lý ở cấp huyện, cấp xã còn nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại với kiến nghị và tranh chấp đất đai, dẫn đến quy trình giải quyết các vụ việc chưa đảm bảo quy định. Công tác hòa giải tranh chấp đất đai của một số chính quyền cấp xã, phường, thị trấn còn hình thức, chưa có hiệu quả cao. Nhiều vụ việc UBND cấp huyện giải quyết còn chậm thời gian, một số vụ việc kết quả xác minh chưa làm sáng tỏ bản chất vấn đề dẫn đến kết luận thiếu cơ sở”.
Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Từ thực tế giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, huyện Nghi Lộc cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc như: Chất lượng giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo ở cấp xã chưa cao; một số cơ sở còn có hiện tượng giải quyết sơ sài, đẩy sự việc lên cấp trên. Một số đơn vị chậm trả lời công dân khiến công dân đi lại nhiều lần gây bức xúc. Nhiều chính sách về chế độ người có công, đất đai (đặc biệt là quy định về điều kiện công nhận lại hạn mức đất ở, bồi thường GPMB) có nhiều thay đổi chưa phù hợp với thực tiễn và lòng dân nên phát sinh nhiều phản ánh. Công tác tuyên truyền văn bản luật ở cấp xã còn hạn chế dẫn đến công dân không nắm được quy định, gửi đơn vượt cấp, kéo dài.
Một số địa phương nêu vấn đề trình độ, năng lực của cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi hạn chế, tính thuyết phục đối với công dân chưa cao. Một số nội dung xử lý sau thanh tra, kiểm tra và các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo khó xử lý, nhất là các nội dung liên quan đến sai phạm trong quản lý sử dụng đất. Chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn hữu hiệu trường hợp lợi dụng quyền KNTC để gây rối, vi phạm pháp luật…
Dự báo trong thời gian tới tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung tiếp tục diễn biến phức tạp, tập trung nhiều ở những địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án phát triển KTXH.
Vì vậy, tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo mới đây, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường số lượng, chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ở các cấp, các ngành; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở; không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài tránh để phát sinh điểm nóng. Tăng cường đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đôn đốc, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của tổ chức, cá nhân được phát hiện qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là trong lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm dẫn đến khiếu nại, tố cáo.