Chiều 11.10, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024. Tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường đã có những chia sẻ đầy xúc động gửi tới gần 4.000 tân sinh viên khoá 73.
Các em chọn mái trường Sư phạm như lựa chọn một sự cống hiến, dấn thân
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, đúng ngày 11.10 của 72 năm trước, bằng tầm nhìn thời đại, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD-ĐT) đã ban hành Nghị định số 276/NĐ về việc thành lập Trường Sư phạm Cao cấp, nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chọn ngày này để tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024 để nhắc lại rằng, trong muôn vàn gian khó, giáo dục luôn được đặt lên như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đúng nghĩa.
GS Minh tâm sự, đứng trước các em tân sinh viên, ông cảm thấy mình rất nhỏ bé, vì các em là những người đáng ngưỡng mộ và đáng được tôn trọng. Các em đến với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là vì các em khao khát khơi thông trí tuệ của mình, bồi đắp giá trị tâm hồn, ý nghĩa nhân văn, bắt đầu chuẩn bị hành trang để mai ngày làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn. Chính các em đã đem đến niềm tin, đem đến sức sống, đem đến sự tươi mới cho nhà trường, cho xã hội, cho nền giáo dục nước nhà.
Điều đáng trân trọng hơn vì chắc chắn rằng, sâu thẳm trong trái tim của mỗi em đều nặng tình yêu thương với con người, với quê hương đất nước; trong trí tuệ thông minh của mỗi em đều mong muốn có nhiều tri thức để đem đến cho trẻ, cho cộng đồng; trong mỗi em đều tiềm ẩn đức hi sinh, để bắt đầu cho một sự dấn thân cao cả trong tương lai.
“Thầy khâm phục các em vì bản lĩnh, vì rằng, giữa ngổn ngang của biết bao trăn trở, giữa những so bì hơn thiệt, giữa những tác động ngoại cảnh đang dội vào trong tâm tư các em, các em đã quyết chí đến với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và phần lớn các em sau này sẽ trở thành nhà giáo.
Thầy biết, các em vẫn đang nghe, đang chứng kiến, đang đối diện với những khó khăn, nhọc nhằn của nghề giáo; và cả những cách nhìn nhận đa chiều, trong đó có cả những cách nhìn tiêu cực. Dẫu rằng, số đông thầy cô đang thầm lặng hi sinh và làm tốt bổn phận thiêng liêng của họ”, thầy Minh bày tỏ.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các tân sinh viên khoá 73 hoàn toàn có quyền đến với nhiều ngành khác, từ em Đinh Cao Sơn - Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế, đến các em đạt giải nhất, nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và hầu hết các em đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Trước ngưỡng cửa cuộc đời đang mở ra thênh thang, nhưng các em đã chọn mái trường Sư phạm, như lựa chọn một sự cống hiến, một sự dấn thân.
“Điều này đáng khâm phục biết bao. Đây là diễm phúc cho mái trường này và cho nền giáo dục nước nhà”, thầy Minh nói và cam kết rằng, nhà trường sẽ dành hết những gì tốt đẹp nhất cho các em vì đó là của để dành cho tương lai.
Giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Lần thứ nhất (khoảng 1784 đến khoảng 1840) kéo dài hơn 50 năm; Lần thứ hai (1871-1914) kéo dài hơn 40 năm; Lần thứ ba (khoảng 1950 - 1970) kéo dài hơn 20 năm và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu từ đầu thế kỷ 21.
Càng về sau, thời gian diễn ra các cuộc cách mạng càng ngắn dần. Điều đó cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của thời đại và cũng đặt ra cho mỗi quốc gia những đòi hỏi rất khắt khe về nhân lực; tất nhiên đòi hỏi cao nhất là nhân lực thông qua giáo dục đào tạo.
Thầy Minh đặt câu hỏi tới các em tân sinh viên: Có khi nào tự vấn lòng mình, trong các cuộc cách mạng đó chúng ta đã làm gì hay chỉ là nơi chịu tác động và chờ sự hưởng lợi của thành tựu loài người? Thầy nhắn nhủ các em hãy nghĩ về sự tự tôn dân tộc bằng việc làm, bằng thành quả, bằng sự đóng góp chứ không chỉ bằng những lời hoa mỹ hò reo.
“Chúng ta nhớ rằng, đất nước đang trong quá trình hội nhập. Đây là xu thế của thời đại. Định hình của một quốc gia, của một dân tộc là bản sắc, là văn hóa; và giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người. Đừng bao giờ quên điều đó.
Ngày nay, sự đồng hóa bắt đầu từ sự lai căng, từ những xâm thực tưởng chừng rất nhỏ bé, mà không đơn thuần bằng súng đạn, chiến tranh. Ngày nay, sức mạnh của một dân tộc, của một đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên được đào lên để bán mà sức mạnh phải tạo ra từ trí tuệ mỗi người. Thầy mong rằng các em sẽ giữ vững niềm tin”, GS Minh nói.
Thầy Minh mong rằng, các em sinh viên hãy bắt đầu cho một cách nghĩ mới, rằng đại học không phải chỉ học để thi, để lấy điểm cao một cách đơn thuần. Đại học là nơi sản sinh ra tri thức mới và giá trị mới và người tạo ra nó không ai khác chính là các em. Học đại học là học cách đề xuất vấn đề, cách giải quyết vấn đề, và mục đích làm được gì; tức là học phương pháp làm việc hiệu quả.
Chính vì vậy, các em hãy dám nghĩ về những điều bất tận và nghĩ cả những điều gần gũi hàng ngày. Những điều thuộc về chuẩn mực tốt đẹp của xã hội cần cố gìn giữ, nhưng với những thách thức của thời đại phải dám vượt thoát ra khỏi cách nghĩ an toàn. Một trạng thái mới cần được thiết lập để nghĩ về những điều mới hơn.
Thầy nhấn mạnh, câu hỏi học để làm gì phải luôn thường trực trong mỗi em. Cần phải biết thực tiễn diễn ra như thế nào, những cái hay, cái tốt; những hạn chế, bất cập; những nguyên nhân là gì. Từ đó, tìm ra phương án giải quyết thế nào là tối ưu. Hãy từ bỏ cách học các mẹo mực, ngóc ngách.
Theo GS Minh, học đại học là tự học và gắn liền với nghiên cứu. Đây là con đường tốt nhất để trưởng thành. Các tân sinh viên hãy đối diện với những thách thức thời đại. Tiến trình văn minh của nhân loại bắt đầu từ nguyên thủy, tiến trình phát triển của mọi quốc gia đều bắt đầu từ nghèo nàn, lạc hậu. Không một quốc gia nào sau một đêm nằm mơ trở thành giàu có, không một đất nước nào thiếu sự bền bỉ, hi sinh mà giữ được căn cốt của mình.
“Phải can đảm nhìn nhận rằng, chúng ta đang đi sau thời đại về nhiều lĩnh vực. So với trước đây, hiện nay chúng ta đã có những mới mẻ, nhưng so với thời đại thì tốc độ chúng ta còn đang rất bình thường. Đừng tự ru ngủ mình, hãy tỉnh táo để nhận diện, để học và để hành động. Hãy dám nghĩ về những điều bất tận, để quên đi hữu hạn cuộc đời.
Nghèo khó không phải là hèn, nhưng phải coi nghèo khó của mình, của gia đình và của quê hương, đất nước là một nỗi đau để tìm cách làm cho giàu có một cách chính đáng. Và con đường rõ ràng nhất là phải học, phải giáo dục để mỗi người biết phải làm gì. Vận mệnh của chính mình, của đất nước phải do chính mình quyết định, đừng trông chờ vào bất cứ ai cả”, thầy Minh nhắn nhủ các tân sinh viên.
Đừng biến trường học thành nơi sợ hãi của học sinh
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng mong sinh viên hành động để lan tỏa sự tử tế và hiểu biết, đánh thức lòng trắc ẩn bằng những việc làm rất gần gũi; đi vào vòng xoáy của những vấn đề giáo dục nổi cộm, của những vấn đề liên quan đến ngành học của mình, định vị trong bức tranh của đất nước và thời đại để tìm giải pháp.
“Hãy vì một nền giáo dục bình đẳng và trung thực. Rất nhiều em đang có mặt ở đây đến từ các vùng đất khác nhau. Các em có thể nhận thấy, trẻ ở đây đến trường và trẻ nơi rẻo cao đến trường khác nhau lắm. Thầy cứ ám ảnh hoài về những bức ảnh của những đứa trẻ bé nhỏ chân đất gùi đồ đạc đến trường, về những đèo dốc trơn trượt mà thầy cô nhọc nhằn vượt qua, và những bản làng nơi miền biên viễn…
Sự chênh lệch trong phát triển kinh tế là nguyên nhân chủ yếu của sự bất bình đẳng trong giáo dục và là sự thiệt thòi cho những trẻ yếu thế. Muốn thay đổi mang tính bền vững không chỉ đầu tư tiền của đơn thuần, mà đồng thời với nó là đầu tư để phát triển giáo dục”, thầy Minh tâm sự.
Nhắc tới hình ảnh “mặt trời đưa ánh sáng đến mọi nơi trên mặt đất, không dành riêng cho bất cứ ai”, thầy Minh đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta không nghĩ, mọi trẻ thơ đều sẽ được hạnh phúc như nhau khi được sinh ra trên đất nước dấu yêu này, dù vùng đất nào cũng là Tổ quốc Việt Nam?
GS Minh kỳ vọng, những chính sách sẽ sát sườn hơn và những người viết báo cáo để đưa ra các giải pháp sẽ đặt cả con tim và lương tri của mình vì một sự thật, dù có sần sùi, thô ráp đến đâu nữa, để cùng nhận diện và chung tay làm cho tốt hơn.
“Chúng ta đã làm được không ít việc trong giáo dục, đây là điều đáng mừng, nhưng các mảng màu đa sắc đó không phải đều tươi mới như nhau. Hãy nói đúng và nói thật, hãy dám rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, vì nếu không nó sẽ trở thành căn cơ cho dối trá sau này. Xin hãy đừng vì những điểm số vô hồn, những bản học bạ đẹp mà trẻ phải ai oán về sau.
Mỗi đứa trẻ là một tài năng riêng có. Hãy vì tài năng đó mà nhân lên, đừng khoác lên cho trẻ những hào quang không phải của chúng, vì sẽ thành ảo tưởng trong tương lai. Mỗi nhà trường là một ngôi nhà đầy ắp yêu thương để trẻ em muốn đến. Nơi đây cũng là nơi để thầy cô cảm thấy hài lòng.
Làm tốt điều đó mà được khen thì mừng quá, nhưng xin đừng chỉ vì những bằng khen mà dấu diếm và thổi phồng, mà nghiệt ngã với nhau. Mong rằng, đừng làm biến tướng bản chất tốt đẹp của thi đua. Khi quan niệm rằng, thiêng liêng nhất của nghề giáo là con trẻ lớn lên thành người tử tế để rồi họ biết dấn thân và làm cho xã hội văn minh hơn”, thầy Minh nói.
Ông cũng nhấn mạnh, đừng biến trường học thành nơi sợ hãi của học sinh và đừng coi trường học là nơi phụ huynh phó mặc con mình cho thầy cô giáo mà hãy đồng hành. Trẻ phải được vui chơi, được học hành và được chăm sóc.
Nêu thực trạng: ở thành phố thì giờ học đến kín không còn thời gian để ý xung quanh, rồi mẹ cha trách con cái vô tâm; ở những nơi khó khăn thì trẻ lam lũ cùng với mẹ cha để kiếm miếng cơm manh áo mỗi ngày, biết mấy điều chỉ những giờ lên lớp, thầy Minh mong rằng các bậc phụ huynh và cả xã hội cùng nhau ngẫm nghĩ điều này.
Giáo dục không thể nào nhập khẩu
Cũng theo GS Minh, một người không biết về ngọn nguồn của quê hương, đất nước thì mơ ước rồi cũng chỉ viễn vông. Vì rằng, để đi đến hạnh phúc và tương lai thì có hai điều căn cốt là tâm hồn được nuôi dưỡng từ mảnh đất nơi họ sinh ra và trí tuệ của họ được khôn lớn từ nguồn hiểu biết vô tận của nhân loại.
“Xin đừng vì cái gọi là “hội nhập”, cái gọi là “thời công nghệ số” mà trong những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên đầy yêu thương của thế giới thần tiên trong từng bài giảng không còn nữa và không còn “cánh cò bay lả, bay la”, không còn lời ru của mẹ, không còn bóng hình của dòng sông, bến nước, không còn mùi rơm rạ phảng phất đâu đây, không còn lễ hội cầu mưa hay mừng lúa mới, không còn trò ném còn, hay lễ hội hoa ban… mà trở thành những trò ghép chữ, đọc lên không thấy đâu bóng dáng quê hương và chẳng làm lay động hồn ai cả”, thầy Minh nói.
Thầy Minh cho rằng, giáo dục nhiều nước rất hay, nhưng giáo dục không thể nào nhập khẩu, nó phải gắn với điều kiện văn hóa, kinh tế của mỗi đất nước.
Đi học không đến nơi đến chốn, không đắm mình trong thực tại của đất nước mình mà cứ thế làm thì hệ lụy khôn lường. Học thật, nói dễ, nhưng làm được mới quan trọng và chỉ khi nó trở thành mệnh lệnh của trái tim và danh dự của một con người tự trọng thì mới làm được.
“Chúng ta đã nói nhiều về điều này, nhưng mỗi người hãy tự soi lại chính mình, nếu còn dấu diếm thì làm sao dạy trẻ học thật? Hãy dám đối diện để tìm ra lời đáp, đừng để hào quang che lấp sự thật nhói lòng. Khi tìm thấy điểm mờ thì người ta mới hiểu hơn về ánh sáng.
Không xa đâu, đồng nghiệp chúng ta đang ngày đêm đánh cược cuộc đời vì trẻ thơ nơi non cao trong những túp lều trống trải; những trẻ vùng biên chân trần đến lớp; những bữa ăn may còn có bát cơm… Không xa đâu, chúng ta thường nói nhiều về mùa vàng thóc lúa, nhưng không ít nơi đang chờ cơn mưa bất chợt của trời. Khi dám đối diện với sự thật thì chúng ta mới dám thay đổi”, thầy Minh chia sẻ.
Đặt câu hỏi tới các tân sinh viên, có khi nào các em nghĩ mình sẽ là người đi hoàn thành những mảnh ghép cuối cùng để bức tranh sáng hơn, thầy nhắn nhủ thế hệ mới hãy nghĩ tươi mới hơn và để rồi tương lai sẽ làm tốt hơn.
“Thầy tin tưởng các em, vì trong sâu thẳm của các em đang ẩn chứa đức hi sinh cao đẹp”, thầy Minh nói.