Chiều 7/12, đại biểu HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Tại Tổ 3 gồm đại biểu HĐND tỉnh các đơn vị: Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn. Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.
Tham dự phiên thảo luận tổ có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Ngọc Kim Nam - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Ảnh: Thanh Lê
Đề xuất các cơ chế, chính sách
Trao đổi tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu tại Tổ 3 đồng tình với các nội dung báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp. Ý kiến các đại biểu phát biểu tập trung vào nhóm các vấn đề liên quan đến: Công tác quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách dân tộc, miền núi, xây dựng nông thôn mới, giao thông vận tải, công tác phòng, chống dịch Covid-19,…
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh (đại biểu HĐND tỉnh bầu cử tại huyện Thanh Chương) cho rằng: Công tác cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế. Đại biểu Ngân dẫn chứng, một số văn bản quy phạm pháp luật trình HĐND tỉnh và UBND tỉnh chưa đúng thời gian quy định, chất lượng tham mưu chưa đạt yêu cầu, còn phải chỉnh sửa nhiều lần.
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề nghị cần làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý khoảng sản, tiến độ giao đất, giao rừng cho người dân còn chậm. Ảnh: Thanh Lê
Trong quá trình tham mưu còn một bộ phận cơ quan quản lý Nhà nước chưa quan tâm đến việc lấy ý kiến tác động khi tham mưu ban hành dự thảo Nghị quyết, dẫn đến một số Nghị quyết khi mới thực hiện khoảng 1 năm đã phải sửa đổi, bổ sung. Đề nghị các cơ quan khi tham mưu các dự thảo Nghị quyết cần quan tâm đến việc lấy ý kiến tác động.
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan chức năng tập trung thực hiện các chính sách phát triển tại các vùng dân tộc, miền núi. Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý khoảng sản, tiến độ giao đất, giao rừng cho người dân còn chậm.
Liên quan đến lĩnh vực giao thông, đại biểu Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đề xuất nâng cấp tuyến đường chợ Chùa đi xã Thanh Đức, lên các huyện Anh Sơn, Con Cuông (khoảng 40 km) từ tuyến đường huyện thành tỉnh lộ. Bố trí nguồn vốn để nâng cấp, bảo trì tuyến Tỉnh lộ 533B từ thị trấn Thanh Chương đi Mỹ Sơn (Đô Lương); Quốc lộ 46C đoạn đi qua Rú Nguộc (Thanh Chương).
Đại biểu Trình Văn Nhã đề nghị quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông. Ảnh: Thanh Lê
Đại biểu Nhã cũng nêu lên một thực trạng tinh giản, hiện nay không cho tuyển dụng kế toán các trường học, thực hiện kế toán liên trường. Tuy nhiên, chưa có quy định chế độ cho đối tượng này. Đề nghị HĐND tỉnh có nghị quyết quy định chế độ cho đối tượng này hoặc cho phép UBND tỉnh ban hành Quyết định để áp dụng cho toàn tỉnh.
Đối với chế độ “cô nuôi” trong các trường mầm non, hiện nay được hỗ trợ 2,4 triệu đồng là rất thấp, đề nghị có chính sách để hỗ trợ cho các “cô nuôi”. Tỉnh cũng cần có hướng dẫn cụ thể về điều trị F0 không triệu chứng, F0 đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.
Đại biểu Trần Văn Toàn đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Lê
Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh (Đô Lương), đề nghị các cơ quan chuyên môn cần có hướng dẫn rõ, cụ thể hơn đối với việc chế độ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đây là lực lượng rất vất vả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.
Đại biểu Trần Đình Toàn (Đô Lương) đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng do khai thác khoáng sản; chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Đại biểu cũng đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà xưởng cho các doanh nghiệp xây dựng tại các cụm công nghiệp…
Các đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thu hút các đầu tư trên địa bàn tỉnh; tổ chức chương trình giám sát HĐND tỉnh về quản lý rừng, khai thác khoáng sản; các chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19,…
Nâng cấp các tuyến đường giao thông
Ý kiến các đại biểu Tổ 3 quan tâm phản ánh tại phiên thảo luận tổ được lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời làm rõ.
Về những vấn đề đại biểu quan tâm chính sách phát triển vùng nông thôn, dân tộc, miền núi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ cho biết: Tỉnh thực hiện lồng ghép Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Phát triển đồng bào dân tộc miền núi để làm sao chính sách đồng bộ và các chương trình tạo sinh kế cho đồng bào miền núi.
Hiện tỉnh đang xúc tiến khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động, tạo đột phá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm lâm nghiệp cho bà con.
Ông Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở GTVT giải trình những vấn đề các đại biểu quan tâm về lĩnh vực giao thông vận tải. Ảnh: Thanh Lê
Làm rõ nội dung liên quan về đề xuất nâng cấp tuyến đường huyện lên đường tỉnh, Giám đốc Sở GTVT Hoàng Phú Hiền cho biết: Trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 38 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài là 930,44 km do Sở Giao thông vận tải quản lý. Đến nay, còn khoảng 35% đường tỉnh bị hư hỏng, tương đương 327 km, trong đó 196m hư hỏng nặng.
Hiện nay, ngành GTVT đang lập quy hoạch GTVT giai đoạn 2020-2030 đến năm 2045, trong đó, xem xét quy hoạch các đường tỉnh, đưa ra các tiêu chí cụ thể quy hoạch đường tỉnh; đồng thời các tuyến đường tỉnh không đảm bảo tiêu chí sẽ đưa xuống đường huyện.
Hiện nay có nhiều huyện đề xuất nâng cấp các tuyến đường huyện lên đường tỉnh, do thời gian qua kinh phí sự nghiệp cho công tác duy tu, sửa chữa còn hạn chế, mỗi năm chỉ sửa chữa 28 km, trong khi đó, số tuyến đường xuống cấp còn nhiều. Đối với ý kiến của các đại biểu, ngành tiếp thu, nghiên cứu khảo sát, đảm bảo tiêu chí sẽ nâng lên đường tỉnh.
"Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ thông qua Nghị quyết về cơ chế trích ngân sách địa phương phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường tỉnh giai đoạn 2022-2025. Nghị quyết được thông qua sẽ có kinh phí cho công tác duy tu, bảo trì và có điều kiện để xem xét nâng cấp các tuyến đường huyện lên đường tỉnh" - Giám đốc Sở GTVT Hoàng Phú Hiền cho biết.
Giải trình nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến kết quả thực hiện nghị quyết về thu hồi đất chuyển mục đích sử dụng đất còn thấp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất chủ yếu liên quan đến các dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước nên kinh phí bố trí chậm. Việc rà soát một số công trình, dự án cấp huyện chưa sát, một số công trình, dự án diện tích lớn nhưng mới sử dụng một phần.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình trao đổi thêm một số định hướng thời gian tới của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Thanh Lê
Liên quan đến tiến độ giao đất trái thẩm quyền chậm, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định, theo đó, năm 2022 phải hoàn thành xử lý 80% số lượng trường hợp cấp đất trái thẩm quyền còn tồn đọng.
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Hoàng Thị Thu Trang đánh giá cao ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu. Các ý kiến sẽ được HĐND tỉnh tổng hợp báo cáo tại phiên thảo luận tại hội trường vào sáng ngày mai (8/12).
Thanh Lê