Năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid - 19
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền sau bầu cử. Những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đã được triển khai trong bối cảnh toàn tỉnh cũng như cả nước phải đối diện với biết bao khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 tái bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp. Hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân ngay lập tức đã bị tác động tiêu cực. Cùng với sự nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành nêu cao tinh thần chủ động, quyết liệt để vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa kịp thời ứng phó linh hoạt để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh.
Kịp thời triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ
Bên cạnh việc xây dựng, ban hành kịp thời các kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng trong cả nhiệm kỳ, căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã “lượng hóa” thành 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 145 nhiệm vụ cụ thể gắn với kịch bản tăng trưởng từng quý của năm 2021. Đi vào thực tế công tác điều hành, 5 tổ công tác được thành lập do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đốc thúc và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực cụ thể. Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Chương trình công tác cũng được xác định rõ với 125 nội dung thuộc thẩm quyền, được trình tại các phiên họp Ủy ban nhân dân tỉnh.
Phương thức làm việc có sự đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trên nguyên tắc bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh; thực hiện đầy đủ, trách nhiệm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phát huy vai trò, trí tuệ tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân từng thành viên; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành đã tổ chức nhiều cuộc làm việc, kiểm tra hiện trường và chỉ đạo trực tiếp đối với nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt, nơi nào dịch xuất hiện, nơi đó có bóng dáng Ban chỉ huy phòng chống dịch của tỉnh, người đứng đầu ngành y tế bất kể ngày đêm, ở thành phố hay địa bàn nông thôn, miền núi. Người dân, cử tri vững tâm hơn, tin tưởng, kiên cường, đồng lòng vượt qua đại dịch. Việc tham mưu của cơ quan chuyên môn đã chuyển từ “giải trình, giải thích” sang “giải đáp, giải quyết”. Hiện đại hóa phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành (tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2021, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã phục vụ 70 cuộc họp trực tuyến từ tỉnh xuống huyện).
Duy trì được đà tăng trưởng và có những điểm sáng tích cực
Với những nỗ lực, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, trong điều kiện rất khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực, duy trì được đà tăng trưởng: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,25%; thu ngân sách ước thực hiện 17.678 tỷ đồng (vượt 26% dự toán); sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả; công nghiệp duy trì được mức tăng trưởng khá, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu là điểm sáng (số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 128% dự toán, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2020). Các lĩnh vực văn hóa - xã hội thích ứng linh hoạt, chuyển đổi trạng thái để vẫn duy trì hoạt động. Với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Chính phủ phát động, theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh đã huy động được tổng số máy và thiết bị với trị giá 15 tỷ đồng, trong đó số máy điện thoại, máy tính bảng và máy tính để bàn là 4.734 chiếc. An sinh xã hội được chăm lo, triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19.
Đặc biệt, tín hiệu vui đã đến vào những tháng cuối năm với việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, tạo động lực quan trọng để tỉnh phát triển bứt phá, nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ
Dù đã rất nỗ lực nhưng ngoài 05 chỉ tiêu vượt, 17 chỉ tiêu đạt, dự kiến có 06/28 chỉ tiêu chủ yếu không đạt so với Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Năm 2022 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, dịch Covid - 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét, quyết nghị trong kỳ họp cuối năm này, phương châm chỉ đạo, điều hành mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra đó là năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, 04 nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng trọng điểm. Bên cạnh đó tập trung xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh.
Giải pháp tạo đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành đã được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng như Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kết luận là cải cách hành chính. Và điểm đột phá của cải cách hành chính là chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, quyết liệt trong hoạt động của bộ máy hành chính, công vụ. Đây là đòi hỏi, xu thế tất yếu trong tình hình mới. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều hành giải quyết những nội dung cử tri và đại biểu có ý kiến, kiến nghị nhiều như: kịp thời hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật qua công tác rà soát, hệ thống hóa, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho công tác quản lý Nhà nước; xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng, nổi cộm để không còn những điểm nghẽn, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tạo đà cho những năm tiếp theo./.
Nguyễn Thị Anh Hoa
Phó Chánh VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh