Quá trình ra đời của HĐND tỉnh Nghệ An

Chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về tổng tuyển cử, thành lập HĐND các cấp

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một kỷ nguyên mới mở ra cho dân tộc: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị nhưng cách mạng Việt Nam đang phải trực tiếp đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Hậu quả khủng khiếp do nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người Việt Nam chưa kịp khắc phục thì trận bão lũ kinh hoàng diễn ra tháng 9/1945 làm vỡ nhiều đoạn đê sông Hồng, sông Lam, nhấn chìm hàng ngàn làng mạc, cuốn trôi nhà cửa, tài sản của hàng vạn hộ gia đình từ đồng bằng Bắc Bộ vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong khi ngân sách do Chính phủ cách mạng tiếp quản chính quyền cũ trống rỗng thì quyền phát hành giấy bạc lại đang nằm trong tay Ngân hàng Đông Dương. Tình thế càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi hàng chục vạn công nhân ở hầu khắp các thành phố, đô thị, hầm mỏ, đồn điền trồng cao su, cà phê,... rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Ngày 23/9/1945, được sự giúp sức của thực dân Anh, quân đội Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn rồi lấn chiếm ra nhiều thành phố, đô thị khác ở miền Nam. Ở miền Bắc, với danh nghĩa là quân Đồng Minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật, từ cuối tháng 9/1945, hơn 20 vạn quân Tưởng, gồm 4 quân đoàn do tướng Lư Hán làm tổng chỉ huy tràn qua biên giới Việt - Trung vào nước ta. Theo chân quân đội Tưởng là đảng phái Việt Quốc, Việt Cách do Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần cầm đầu. Ỷ thế quân Tưởng, bọn Việt Quốc, Việt Cách chiếm giữ một số nơi ở Yên Bái, Vĩnh Yên, Móng Cái,... bắt cóc, thủ tiêu cán bộ làm cho tình hình chính trị - xã hội ở miền Bắc càng trở nên bất ổn.

Trong tình thế nước sôi lửa bỏng đó, bộ máy chính quyền cách mạng lâm thời từ Trung ương đến địa phương mới được thành lập chưa qua tổng tuyển cử. Lực lượng vũ trang cách mạng đang trong quá trình xây dựng, củng cố, trang bị vũ khí, kinh nghiệm tổ chức, quản lý,... đều thiếu thốn. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời nhưng chưa được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận.

Vấn đề xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân được Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân Pháp không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ... Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống”.

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51/SL về cuộc bầu cử Quốc dân đại biểu. Sắc lệnh số 51 gồm 12 khoản, 70 Điều. Điều thứ nhất của Sắc lệnh 51 quy định rõ: “Ngày 23/12/1945, sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn cõi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để bầu đại biểu dự vào Quốc dân Đại hội”. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền cách mạng các cấp, ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 63/SL về tổ chức HĐND và UBHC.

Ngày 21/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 77/SL về việc tổ chức chính quyền Nhân dân.

Ngày 23/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 10/SL sửa đổi một số nội dung trong Sắc lệnh số 63/SL quy định về HĐND tỉnh, trong đó có các điều khoản:

Điều 32: Ở mỗi tỉnh sẽ đặt 1 HĐND gồm có từ 20 đến 30 hội viên chính thức và 5 hội viên dự khuyết. Một đạo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ định rõ cách tính tổng số hội viên các HĐND tỉnh tuỳ theo dân số.

Điều 33: Đơn vị tuyển cử là huyện. Số hội viên chia cho mỗi huyện sẽ do nghị định của UBHC kỳ ấn định.

Điều 35: Tất cả những người đủ điều kiện để đi bầu cử Quốc dân Đại hội theo Điều thứ 2, Sắc lệnh số 51, ngày 17/10/1945 đều có quyền ứng cử vào HĐND các tỉnh, không phân biệt là người ở tỉnh hay không, nhưng chỉ được ứng cử ở một tỉnh thôi.

Điều 37: Thời hạn làm việc của HĐND tỉnh là 2 năm. Những khoá đầu thời hạn làm việc của HĐND hàng tỉnh chỉ có 1 năm thôi.

Điều 42: Ở mỗi tỉnh sẽ đặt 1 UBHC, gồm có 3 Uỷ viên chính thức (1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và 1 Thư ký) và 2 Uỷ viên dự khuyết.

Điều 43: UBHC tỉnh do HĐND tỉnh bầu ra. Lúc bầu sẽ bầu riêng Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký.

Điều 44: Muốn ứng cử vào UBHC phải có chân trong HĐND tỉnh và phải biết đọc, biết viết.

Theo các Sắc lệnh số 63, 77, tổ chức chính quyền địa phương được xác định là cơ quan nhà nước bao gồm HĐND và UBHC/ UBKCHC các cấp xã, thị xã, tỉnh, thành phố do “đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra”. UBHC do HĐND bầu ra. Riêng UBHC cấp Bộ và huyện là cấp trung gian không có HĐND. Cho đến khi Hiến pháp năm 1946 ban hành, do trong điều kiện toàn quốc kháng chiến nên về cơ bản tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chủ yếu vẫn theo Sắc lệnh số 63 và Sắc lệnh số 77.

Vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 75/SL về việc hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/01/1946. Rõ ràng, ngay trong tình thế đầy khó khăn, thách thức, chỉ 3 tháng sau khi giành được độc lập, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định nhiệm vụ tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và bầu cử để thành lập HĐND các cấp trên phạm vi cả nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Ngày 9/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều. Điều 58 Hiến pháp quy định: “Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có HĐND do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. HĐND tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra UBHC”. Điều 59 quy định: “HĐND quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên”. UBHC có trách nhiệm thi hành các mệnh lệnh của cấp trên; thi hành các nghị quyết của HĐND địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y; chỉ huy công việc hành chính trong địa phương.

Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mang tính định hướng về hoạt động, phát triển của tổ chức chính quyền địa phương cũng như HĐND. HĐND được xem là cơ quan đại diện cho Nhân dân, có quyền bầu ra UBHC cùng cấp. UBHC là bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương vừa thay mặt cho Nhân dân, vừa là đại diện cho Chính phủ có trách nhiệm thi hành các nghị quyết của HĐND; kiểm soát các cơ quan chuyên môn, HĐND và UBHC cấp dưới.

Tình hình Nghệ An sau khi giành chính quyền

Sau khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên toàn tỉnh, việc thành lập chính quyền cách mạng lâm thời trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là ở các huyện miền núi phía Tây gặp rất nhiều khó khăn. Trên địa bàn các huyện Tương Dương (gồm huyện Tương Dương và Kỳ Sơn ngày nay), huyện Quỳ Châu (bao gồm huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp ngày nay), huyện Con Cuông, các thế lực lang đạo từng tham gia bộ máy chính quyền cũ, tuy bên ngoài chấp nhận trao chính quyền cho Nhân dân nhưng thực chất bên trong đang tìm mọi cách để xoá bỏ mọi thành quả của cách mạng. Trong khi đó, các cơ sở Đảng lại chưa phục hồi, giao thông đi lại hết sức khó khăn, phần lớn đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ cư trú trên địa bàn các huyện miền núi đều không biết chữ, nghèo đói, rất dễ bị các thế lực phản động xúi giục, lôi kéo, ép buộc chống phá chính quyền cách mạng non trẻ ngay tại địa phương.

Tại các huyện biên giới của Lào tiếp giáp với huyện Tương Dương và huyện Quỳ Châu, các toán tàn quân Pháp rút về tập trung tại đồn Noọng Hét. Cuối năm 1945 đầu năm 1946, quân đội Pháp đã lôi kéo, câu kết với lực lượng nội phản ngấm ngầm xây dựng lực lượng chống phá cách mạng. Chúng tổ chức một số vụ bắt cóc, ám sát cán bộ,... làm cho tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn các huyện biên giới của tỉnh càng bất ổn. Ngoài ra, từ tháng 10/1945, một đơn vị quân đội Tưởng lên đóng tại Cửa Rào, Mường Xén và một số địa điểm khác thuộc địa bàn huyện Tương Dương và Quỳ Châu. Chúng lùng sục mua, cướp đoạt thuốc phiện, bạc trắng, da lông thú, ngà voi, sa nhân,... của đồng bào, tiếp tay cho các thế lực phản động tại các huyện miền núi phía Tây chống phá chính quyền cách mạng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ở các huyện trung du, đồng bằng ven biển, trận lũ lụt lịch sử làm vỡ nhiều đoạn đê 42 dọc sông Lam, gây ngập lụt tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thị xã Vinh. Hàng ngàn nhà cửa, trâu bò bị nước lũ cuốn trôi. Dịch đậu mùa, dịch tả bùng phát ở nhiều nơi đẩy hàng ngàn hộ gia đình vào cảnh thiếu đói, dịch bệnh. Trong khi đó, nông dân không có tư liệu sản xuất, ruộng đất để cày cấy. Khắc phục hậu quả nặng nề do nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945, hậu quả của trận bão lũ lịch sử gây nên và khắc phục tình trạng hơn 90% dân số mù chữ trở thành nhiệm vụ cấp thiết đối với chính quyền cách mạng non trẻ ở Nghệ An lúc bấy giờ.

Ngày 24/9/1945, hơn 1 vạn quân Tưởng kéo vào Nghệ An. Tại thị xã Vinh, quân Tưởng buộc chính quyền cách mạng cho chúng đóng quân tại Trường Quốc học Vinh, trụ sở UBHC tỉnh, cảng sông Bến Thuỷ,... Theo chân quân đội Tưởng là một số thành viên của Việt Quốc, Việt Cách ra sức lôi kéo các lực lượng phản động chống lại chính quyền cách mạng. Tại Sở Canh nông cũ và sân bay Yên Đại (sân bay Vinh ngày nay) còn có lực lượng quân đội Pháp đóng giữ. Vừa chống giặc đói, giặc dốt vừa đấu tranh mềm dẻo, kiên quyết với giặc ngoại xâm và các thế lực phản động đang thực sự là một thách thức lớn đối với toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Nghệ An.

Sau khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, trên địa bàn thành phố Vinh - Bến Thuỷ chỉ còn lại 5 đảng viên. Trong khi đó, số lượng đảng viên ở các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu,... mỗi huyện cũng chỉ có từ 7 đến 15 đồng chí.

Trong bão táp đấu tranh của quần chúng Nhân dân, phần lớn quan lại trong chính quyền cũ đứng về phía cách mạng, nhưng vẫn còn một số im lặng chờ thời để câu kết với nhau chống phá chính quyền cách mạng. Riêng ở các châu, huyện, làng bản ở miền núi phía Tây thì việc thành lập ngay chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng để xoá bỏ các thế lực phản động, ổn định đời sống kinh tế, chính trị - xã hội, loại bỏ mọi âm mưu đánh chiếm vùng đất miền núi Nghệ An làm bàn đạp tiến về trung du, đồng bằng của thực dân Pháp càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Yêu cầu xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng từ làng xã, huyện, châu,... trên địa bàn toàn tỉnh để huy động mọi nguồn lực sức mạnh vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân để đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, loại bỏ ngoại xâm, nội phản trở thành yêu cầu bức thiết của Đảng bộ, Nhân dân Nghệ An.

Sự ra đời của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An

Quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bầu cử HĐND các cấp ở Nghệ An diễn ra trong tình thế lịch sử đầy khó khăn, thách thức.

Ngày 01/01/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử. Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gấp rút soạn thảo dự thảo Hiến pháp.

Ngày 5/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu để phát huy quyền làm chủ của công dân. Bất chấp khó khăn, thử thách, thậm chí là sự ngăn chặn, phá hoại của kẻ thù, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã tổ chức thành công trên phạm vi cả nước vào ngày 06/01/1946.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 01/1946, Tỉnh uỷ, chính quyền cách mạng lâm thời và mọi tầng lớp Nhân dân tỉnh Nghệ An gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cho ngày Tổng tuyển cử. Trên địa bàn toàn tỉnh, khẩu hiệu hưởng ứng Tổng tuyển cử xuất hiện ở hầu khắp các tuyến đường, trụ sở, chợ,... Cả tỉnh Nghệ An náo nức chuẩn bị cho ngày hội bầu cử. Ngoài những đại biểu do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu, còn có một số đại biểu do các liên minh giới thiệu và cả một số đại biểu là nhân sĩ, trí thức, tư sản,... ứng cử tự do. Danh sách đại biểu được được niêm yết công khai tại tất cả các điểm bầu cử để cử tri lựa chọn. Lực lượng công an và lực lượng vũ trang được phân công bảo vệ an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.

Từ mờ sáng ngày 06/01/1946, hàng vạn cử tri không phân chia đẳng cấp, tôn giáo, dân tộc đã tham gia bầu cử. Tại thành phố Vinh - Bến Thuỷ và các huyện đồng bằng trung du, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt trên 97%. Riêng các huyện Tương Dương và Quỳ Châu, mặc dầu tình thế khó khăn, giao thông trắc trở, nhưng tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử vẫn đạt trên 90%. Các đại biểu do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Tôn Thị Quế, Hồ Văn Ninh, Tạ Quang Bửu, Lê Viết Lượng, Trần Hữu Duyệt, Trần Văn Cung, Nguyễn Tạo,... đều trúng cử với số phiếu trên 95%. Cử tri tỉnh Nghệ An đã lựa chọn được 12 đại biểu ưu tú đại diện cho Nhân dân vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (cả nước bầu được 333 đại biểu). Đồng chí Tôn Thị Quế là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 06/01/1946 trên phạm vi cả nước nói chung, tại tỉnh Nghệ An nói riêng khẳng định uy tín tuyệt đối của Đảng đối với toàn thể dân tộc cũng như vai trò to lớn của Mặt trận Việt Minh trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Thành quả to lớn đó cũng là minh chứng hùng hồn cho truyền thống yêu nước và cách mạng, ý thức trách nhiệm cao cả của toàn thể công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước vận mệnh của dân tộc. Đây cũng là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu mốc phát triển đầu tiên trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam nói chung và địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng.

Ngày 2/3/1946, kỳ họp lần thứ nhất của Quốc hội được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham dự của trên 300 đại biểu. Tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và nhất trí thông qua bản Tuyên ngôn, khẳng định: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể Nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể cộng hoà, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp Nhân dân. Các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau... Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của Nhân dân Việt Nam. Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang son và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh”.

Từ tháng 01 đến tháng 02/1946, ở Nghệ An, lực lượng quân đội Pháp ở Noọng Hét vượt qua cửa khẩu Nậm Cắn đánh chiếm vùng thị trấn Mường Xén và phụ cận thuộc địa bàn huyện Tưong Dưong (nay thuộc huyện Kỳ Son). Các phần tử phản động trên địa bàn huyện Tương Dương, Quỳ Châu,... nhân cơ hội đó ngang nhiên hoạt động chống phá cách mạng. Ngoài việc câu kết với quân đội Pháp, một số tên từng tham gia bộ máy chính quyền cũ đã lôi kéo, xúi giục một số cán bộ trên địa bàn huyện Quỳ Châu (bao gồm Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong ngày nay), cưỡng ép thanh niên người Thái trên địa bàn tham gia lực lượng chống phá cách mạng. Chúng còn câu kết với một số tên phản động ở các huyện: Như Xuân, Cẩm Thuỷ, Thường Xuân, Ngọc Lặc (Thanh Hoá),... gấp rút chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Bào Ca và lập Xứ Thái tự trị. Lúc này, củng cố bộ máy chính quyền cách mạng ở các huyện miền núi phía Tây nói riêng, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chính trong bối cảnh đầy khó khăn đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, từ sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Tỉnh uỷ Nghệ An chỉ đạo các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử HĐND tỉnh.

Nếu như cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chỉ diễn ra trong ngày 06/01/1946 ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước thì việc tổ chức bầu cử HĐND các cấp tại các tỉnh, thành lại diễn ra trong những thời gian khác nhau.

Tại Nghệ An, ngày 24/02/1946, cuộc bầu cử HĐND tỉnh mới được tổ chức trên địa bàn tất cả các huyện, thị với sự tham gia của đại bộ phận cử tri. Kết quả, cử tri Nghệ An đã lựa chọn được 39 đại biểu bầu vào HĐND tỉnh.

Ngày 23/3/1946, HĐND tỉnh Nghệ An khoá I khai mạc phiên đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của HĐND tỉnh Nghệ An.

Riêng các địa phương trong tỉnh Nghệ An, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tổ chức bầu cử HĐND các cấp không diễn ra trong cùng một thời gian và kéo dài từ ngày 24/2/1946 đến cuối tháng 5/1946 mới hoàn thành.

***

Thắng lợi của cuộc bầu cử HĐND các cấp một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước và cách mạng của mọi tầng lớp Nhân dân Nghệ An. Thông qua cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và bầu cử HĐND các cấp, ý thức trách nhiệm của mọi công dân đối với quê hương, đất nước được phát huy, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Bộ máy chính quyền cách mạng từ xã đến huyện, tỉnh được củng cố, hoàn thiện. Cùng với đó, hệ thống tổ chức Đảng, lực lượng vũ trang cách mạng ngày càng được củng cố, tăng cường. Thành quả to lớn đó càng có giá trị, ý nghĩa lớn lao hơn bởi đó chính là chỗ dựa vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bắt tay thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc mà chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ rõ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, trên chặng đường 78 năm qua (từ tháng 3/1946 đến nay), HĐND tỉnh Nghệ An đã khẳng định vai trò, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, HĐND tỉnh cùng hệ thống chính trị và Nhân dân Nghệ An gánh vác những trọng trách hết sức nặng nề: vừa ra sức xây dựng, bảo vệ hậu phương, vừa nỗ lực chi viện cho tiền tuyến. Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, HĐND tỉnh cùng chính quyền và Nhân dân Nghệ An lập nhiều chiến công hiển hách, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với cả nước và nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Lào. Từ năm 1976 đến nay, đặc biệt là khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, kế thừa và phát huy thành quả cách mạng thời kỳ trước, HĐND tỉnh Nghệ An cùng hệ thống chính trị và Nhân dân năng động, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh. Diện mạo tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến quan trọng: Chính trị ổn định, kinh tế phát triển vững chắc, văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc, an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, vị thế tỉnh Nghệ An ngày càng được củng cố, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng,... Cùng với quá trình xây dựng thể chế pháp quyền XHCN, HĐND tỉnh Nghệ An ngày càng được hoàn thiện về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ; hoạt động ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả; vai trò và vị thế chính trị của HĐND tỉnh ngày càng được nâng cao, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương của dân, do dân và vì dân.