Ở đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) vấn đề nước sạch được giải quyết thông qua việc cung cấp từ các nhà máy nước tập trung.

Ở nông thôn, từ xưa nay, ông cha ta đều dùng từ giếng khơi, giếng làng, bể nước mưa, hay nước sông suối, nước bắc từ núi tự chảy,… Tuy nhiên, các nguồn nước đó không bền vững bởi bị tác động rất lớn do sự ô nhiễm môi trường nông thôn (nước thải, rác thải, chất thải chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, nhiễm mặn, mất rừng, nguồn nước ngầm cạn dần do mất rừng,…). Và kết quả, cộng đồng dân cư nông thôn thiếu nước sạch diễn ra ngày càng nhiều. Việc thiếu nước sạch, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người như các bệnh về tiêu chảy, da liễu, về mắt,.. thậm chí nếu nước bị ô nhiễm kim loại nặng thì dẫn đến các bệnh nan y như ung thư… Ở Nghệ An chúng ta cũng không năm ngoài thực trạng đó.

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Trung ương, đến năm 2020, tỉnh ta đã đầu tư ở nông thôn 517 công trình cấp nước tập trung, công suất trên 60.000m3/ngày đêm, trong đó gần 440 công trình nước tự chảy ở vùng miền núi. Phần còn lại là hỗ trợ các công trình nhỏ lẻ ở các hộ gia đình (gần 700.000 giếng khoan, giếng đào, bể nước mưa…). Đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 86% và khoảng một nửa số đó đạt chuẩn Bộ Y tế.

nha-may-nuoc-sach-dien-minh-huyen-dien-chau.jpg
Nhà máy nước sạch Diễn Minh, huyện Diễn Châu. Ảnh: BNA

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vẫn còn một số nhà máy nước tập trung không thể hoạt động, đầu tư dở dang kéo dài do nhiều lý do. Hàng trăm công trình nước tự chảy ở miền núi bị xuống cấp, thậm chí hư hỏng không có kinh phí bảo trì, sửa chữa, nhiều công trình hư hỏng hoàn toàn không còn sử dụng (khoảng gần 50% công trình hoạt động kém và dừng hoạt động). Như vậy, còn khoảng 70% dân ở nông thôn vẫn đang dùng nước từ các nguồn nhỏ lẻ, tự túc và hầu như chưa được kiểm nghiệm đánh giá. Ngoài ra, các nguồn nước tự chảy cũng chưa được kiểm nghiệm thường xuyên. Vẫn còn nhiều vùng nông thôn (kể cả các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới) đang khát nước sạch!

Nguyên nhân của những vấn đề trên là:

Thứ nhất, nhu cầu đầu tư các công trình nước sạch nông thôn rất lớn, nhưng nguồn lực của Nhà nước có hạn nên không đáp ứng được nhu cầu. Đã thế lại do nhiều nguyên nhân (như vốn đối ứng của dân, thiếu nguồn, thiên tai, tổ chức quản lý,…) nên nhiều công trình đầu tư chậm khai thác, ít hiệu quả, dừng hoạt động do hư hỏng gây lãng phí rất lớn (đến năm 2022 vẫn còn 6 dự án cấp nước sạch từ giai đoạn 2011-2015 vẫn đang dở dang, chưa hoàn thành).

Thứ hai, địa bàn dân cư thưa, phân tán nên chi phí đầu tư lớn (nhất là đường ống), khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân đầu tư. Thậm chí có nơi đã có nhà máy nước nhưng việc huy động kinh phí của dân để kéo nước về nhà cũng gặp khó khăn. Bởi vì người dân nông thôn nguồn lực có hạn, trong khi đó quá trình xây dựng nông thôn mới cũng đã đóng góp nhiều để xây dựng các công trình khác, nhất là đường giao thông…

Thứ ba, chưa có một cơ chế thống nhất về quản lý vận hành các công trình nước tập trung: nơi thì do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, nơi thì huyện, xã quản lý,…Chưa có cơ chế thu phí vận hành và bảo trì công trình nước tự chảy, nên các xã rất khó khăn trong vận hành và quản lý.

Thứ tư, tỷ lệ thất thoát nước ở hệ thống lớn (kể cả hệ thống cấp bởi các nhà máy nước tập trung thất thoát trên 25%).

Thứ năm, công tác quản lý chất lượng nước sạch nông thôn còn nhiều bất cập, chưa thường xuyên nhất là các công trình nhỏ và phân tán.

Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 318/QĐTTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Theo đó, khu vực Bắc Trung Bộ, tỷ lệ dân được dùng nước sạch các xã vùng 3 tối thiểu là 35% (15% cung cấp bởi hệ thống cấp nước tập trung), các xã không thuộc vùng 3 tương ứng là 45% và 20%. Bên cạnh đó, ngày24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, tối thiểu 60 l/ngày; đến năm 2045, 100% số dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, bền vững. Điều này thể hiện sự quan tâm và là quyết tâm của Chính phủ về Chương trình nước sạch nông thôn.

nuoc-sach.jpg
Ảnh minh họa

Nghệ An là một tỉnh lớn, tỷ lệ dân cư nông thôn, miền núi cao, với thực trạng như hiện nay, đây là một thách thức rất lớn. Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần quan tâm một vấn đề như sau:

1. Trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về vấn đề nước sạch để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ cơ sở và Nhân dân trong việc gắn vấn đề nước sạch với bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm nguồn nước.

2. Sớm triển khai quy hoạch hệ thống các nhà máy cấp nước tập trung ở nông thôn ở những nơi có đủ điều kiện, trên cơ sở rà soát các khu dân cư nông thôn không phân biệt địa giới hành chính. Xây dựng tiêu chí kinh tế - kỹ thuật (dân số, khoảng cách, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế,…) để từ đó định hướng công suất, công nghệ cho từng mô hình nhà máy sản xuất nước tập trung (kể cả áp lực hay tự chảy).

3. Trên cơ sở quy hoạch, tiêu chí để kêu gọi, xúc tiến xây dựng các nhà máy nước tập trung bằng các nguồn khác nhau. Đối với cụm dân cư xa các nhà máy nước tập trung, cần hỗ trợ để xây dựng các nhà máy nước quy mô nhỏ (quy mô cụm gia đình), hoặc thiết bị lọc nước đầu nguồn ở từng gia đình), công nghệ phù hợp, đạt chuẩn (hiện nay Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An đã làm chủ công nghệ lọc nước quy mô nhóm hộ gia đình, quy mô thôn bản đạt chuẩn Bộ Y tế).

4. Tập trung kinh phí để hoàn thành 6 dự án nhà máy nước đã đầu tư giai đoạn trước đang dơ dang để tránh lãng phí, thất thoát trang thiết bị và hư hỏng công trình.

5. Rà soát lại toàn bộ hệ thống các nhà máy nước đã đầu tư nhưng chưa hoạt động hoặc kém hiệu quả, hệ thống nước tự chảy đã đầu tư bị hư hỏng, xuống cấp để đưa ra giải pháp về tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ đầu tư tiếp nối tránh lãng phí, đổi mới công nghệ phù hợp đạt chuẩn để nhằm khôi phục và nâng cao hiệu quả. Kinh phí cần được bổ sung từ các nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí đầu tư của tỉnh, huy động đóng góp từ dân, các nhà tài trợ, nguồn tín dụng ưu đãi…

6. Về tổ chức quản lý: các công trình đầu tư từ kinh phí nhà nước, vốn tài trợ, hiến tặng… giao cho các đơn vị sự nghiệp công quản lý. Các công trình nước tự chảy ở miền núi, cơ sở sản xuất nước tập trung quy mô nhỏ nên hình thành các Hợp tác xã quản lý (một dạng quản lý dựa vào cộng đồng). Còn lại giao cho các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư tự quản lý.

7. Về cơ chế, chính sách: khó khăn nhất của việc cung cấp nước sạch ở nông thôn là hệ thống đường ống do tính chất phân bố dân cư, do vậy, đề nghị Tỉnh tập trung hỗ trợ phần này cho dân, bất kể hạng mục nhà máy được đầu tư từ nguồn vốn nào. Có như vậy mới có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này (thậm chí nhân dân cũng có thể góp vốn tự đầu tư nhà máy dạng quy mô nhỏ). Riêng đối với vùng miền núi dùng hệ thống nước tự chảy cần có cơ chế riêng phù hợp với điều kiện miền núi, dân tộc thiểu số.

8. Từ cơ chế hỗ trợ như vậy, đối với các nhà máy nước tập trung, giá tiêu thụ nước cần thống nhất và có cơ chế thu hồi kinh phí đầu tư đối với nguồn vốn đầu tư nhà máy nước từ ngân sách nhà nước (không tính phần hỗ trợ đường ống). Đối với hệ thống tự chảy cần có hướng dẫn cơ chế thu phí bảo trì và vận hành hệ thống để nhân dân có trách nhiệm (nên họp bàn để nhân dân tự đề xuất mức thu hợp lý theo cơ chế nhân dân đồng quản lý)

9. Có cơ chế phân cấp, phân quyền và trang cấp thiết bị nhằm thường xuyên kiểm tra, thử nghiệm đánh giá chất lượng nước nhằm nâng nhanh chất lượng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn địa phương QCĐP 01:2021/NA mà UBND tỉnh Nghệ An ban hành tại Quyết định số 12/2021 ngày 30/6/2021.

Trần Quốc Thành

Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nghệ An