Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh rất quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế rừng, nhiều quy hoạch, đề án, chính sách được ban hành và triển khai, tốc độ phát triển ngành lâm nghiệp đạt khá ấn tượng. Đặc biệt, năm 2021 tốc độ tăng trưởng đạt 7,85%, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 201 triệu USD, 10.288 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC (Chứng chỉ về quản lý rừng), diện tích trồng mới khoảng 18.000 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt khoảng gần 1,4 triệu m3. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 đạt 58%.

rung-3.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm vườn ươm cây giống ở huyện Tân Kỳ

Hiện nay, Nghệ An đã bắt đầu hình thành các chuỗi giá trị trong lĩnh vực phát triển kinh tế rừng, cả tỉnh có trên 140 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt có những nhà máy lớn, hiện đại mới được đầu tư như nhà máy gỗ MDF của tập đoàn TH, nhà máy viên nén sinh khối của tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty Biomas Fuel Việt Nam,,v.v.. Trên địa bàn tỉnh nhiều mô hình trồng cây gỗ lớn được chuyển hoá, trồng mới; nhiều mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng được triển khai với kết quả tốt. Chính vì vậy, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh, người dân đã thoát nghèo thậm chí làm giàu từ kinh tế rừng.

Kinh tế rừng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng

Với một tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, kinh tế rừng Nghệ An chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và còn nhiều bất cập.

Tỉnh đã có chủ trương và định hướng phát triển trồng cây gỗ lớn, tuy nhiên trên thực tế người dân trồng rừng nguyên liệu với thời gian thu hoạch khá ngắn, cây nhỏ, diện tích cây gỗ lớn không nhiều. Thậm chí có huyện vùng núi cao cũng có nhiều vùng trồng cây gỗ khai thác sớm, nguyên liệu phải vận chuyển xa, hiệu quả thấp. Nguyên nhân nằm ở chỗ trồng cây nguyên liệu nhỏ, thời gian thu hồi vốn nhanh, mặc dù hiệu quả thấp, nhưng lại phù hợp với thực trạng hiện nay. Mặc dù đã có trên 10.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC nhưng so với diện tích rừng trồng còn quá nhỏ bé ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ.

bna_ghep17823512_862019.jpg
Dây chuyền sản xuất gỗ ván thanh ở Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Tư liệu

Diện tích rừng lớn, sản lượng khai thác không nhỏ, tuy nhiên sản lượng gỗ nhỏ chiếm khá lớn (đến 70%), năng suất và giá thấp dẫn đến hiệu quả rừng trồng không cao. Và đây cũng là một nguyên nhân khó thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ, từ đó ít sản phẩm giá trị gia tăng từ gỗ.

Mô hình kinh tế dưới tán rừng mới manh nha hình thành chưa trở thành giải pháp cốt yếu hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng từ gỗ lớn phục vụ chế biến gỗ và sản phẩm giá trị gia tăng.

Người dân, nhất là các hộ nghèo chưa thực sự sống bằng chính nghề rừng, chưa thực sự trở thành một thành tố của Hệ sinh thái kinh tế rừng. Điều này lý giải vì sao có rất nhiều hộ nghèo chuyển nhượng đất rừng trong những năm qua. Nguyên nhân nằm ở chỗ người dân nghèo, cận nghèo thiếu vốn để đầu tư trồng rừng, trong khi sinh kế khác chưa đủ để “lấy ngắn nuôi dài”. Mặt khác, khá nhiều doanh nghiệp được cấp đất trồng rừng thì chậm đầu tư.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nhất là trong lĩnh vực giống, trong lĩnh vực cơ cấu giống dưới tán rừng còn chậm…

Một số giải pháp phát triển kinh tế rừng

Gỗ và sản phẩm từ gỗ được Chính phủ xác định là 1 trong 13 sản phẩm chủ lực quốc gia. Nghệ An hội đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, tiềm năng diện tích đất rừng (chiếm 40% cả vùng), nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật… để trở thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực Bắc Trung Bộ. Từ đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản phẩm phi gỗ phải được xác định là sản phẩm chủ lực của Nghệ An trong thời gian tới để tập trung nguồn lực phát triển, là định hướng lớn thúc đẩy miền Tây thoát nghèo và làm giàu từ rừng.

Để thực hiện được định hướng trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về ý nghĩa kinh tế, môi trường và cả văn hóa, xã hội của việc phát triển kinh tế rừng, nhất là khu vực miền Tây Nghệ An. Cần khẳng định một cách mạnh mẽ: Gỗ, sản phẩm từ gỗ và sản phẩm phi gỗ là sản phẩm chủ lực của Nghệ An trong những năm tới. Để từ đó trong chiến lược, quy hoạch phát triển tới năm 2030 và tầm nhìn 2045 vấn đề này cần được định hình một cách rõ ràng và tập trung nguồn lực.

Thứ hai, đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên cơ sở luật pháp quy định, cần hướng dẫn cho các chủ rừng cơ chế bảo vệ và tổ chức khai thác, dịch vụ dưới tán rừng. Định hướng trồng các đối tượng phi gỗ dưới tán rừng phù hợp với độ cao, thổ nhưỡng và định hướng thị trường. Trong đó ưu tiên các đối tượng cây dược liệu như: Sâm Việt Nam (Puxailaileng, Ngọc linh, Lai Châu), Tam thất, Đương quy, Bảy lá một hoa, Tam thất hoang,… ( nơi rừng già, nhiều mùn, độ cao trên 1000m); Khôi nhung, Sâm dây, Lan Kim tuyến, Hà Thủ ô đỏ, Sâm cát, Ba kích, Khoai mài, Huyết đằng, Trà Hoa vàng, Mú từn, Bình vôi, Sa nhân tím, Bon bo,.... (nơi có độ cao dưới 1000m).

Thứ ba, về đất rừng sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng rừng, trước mắt cần tập trung hướng dẫn nhân dân đẩy nhanh lộ trình chuyển hóa rừng cây nhỏ thành rừng cây gỗ lớn, thông qua việc hướng dẫn chủ rừng thu hoạch tỉa, kéo dài thời gian chăm sóc những cây còn lại thành cây gỗ lớn.

Đối với diện tích trồng mới, cần định hướng, hướng dẫn chủ rừng quy hoạch trồng cây gỗ lớn ngay từ đầu theo hai hướng: một là trồng mật độ dày sau 5 năm thu tỉa chuyển hóa thành rừng cây gỗ lớn, hoặc trồng theo mật độ cây gỗ lớn ngay từ đầu (đối với những nơi chưa có điều kiện canh tác dưới tán rừng), hai là quy hoạch trồng theo băng với mật độ cây gỗ lớn, giữa các băng đó là trồng cây dưới tán rừng. Đối với cách thứ hai, đối tượng cần tập trung là cây lấy tinh dầu (hợp tác với các doanh nghiệp như Tập đoàn Thiên Minh Đức để sản xuất tiêu thụ) như: Tràm Úc năm gân, Tràm trà, Bạch đàn chanh,.. Với cách này, hàng năm chủ rừng vẫn có thu nhập và duy trì chăm sóc cây gỗ lớn. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể triển khai ở nơi có độ dốc vừa phải để tránh gia tăng xói lở, rửa trôi đất.

Thứ tư, định hình quy hoạch các vùng cây tập trung như Quế Quỳ, Tre, Mét, Lùng, Trúc, cây lấy tinh dầu, cây gỗ lớn (Keo, Gáo vàng, Lát hoa, Hông lai,…),… để hình thành các hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp và cũng tạo điều kiện đề nghị cấp chứng chỉ FSC thuận lợi.

Bên cạnh các vùng quy hoạch định hướng vùng tập trung các đối tượng chính ở trên, cần có chủ trương tuyển chọn, khảo nghiệm một số đối tượng cây đa dụng để cho nhân dân lựa chọn (vừa là cây lâm nghiệp vừa là cây có thể khai thác quả, hoa, lá hàng năm) như cây Dổi lấy hạt, Mạc Khẻn, Màng Tang, Mác ca, Trẩu Xoan, Trám, Dẻ, Táo Mông,....

rung-2.jpg
Nghệ An đang hướng đến mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng bền vững

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lâm nghiệp nhất là lĩnh vực giống và chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ, chế biến sản phẩm phi gỗ (dược liệu, dầu, tinh dầu…). Trong đó ưu tiên nghiên cứu khảo nghiệm các loài giống cây mới có chất lượng gỗ phù hợp, sinh khối nhanh, cũng như các loài cây phi gỗ, cây đa dụng phù hợp với điều kiện từng vùng miền Tây. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất nuôi cấy mô để cung cấp cây bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống cũng như sản xuất giống dược liệu nhằm đảm bảo giống sạch bệnh, tăng trưởng nhanh.

Đẩy nhanh lộ trình để sớm hình thành Khu lâm nghiệp công nghệ cao mà Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Thứ sáu, về quản lý nhà nước, cần sớm rà soát các dự án trồng rừng của các công ty đã cấp phép hoặc mới quy hoạch mà chưa triển khai nhằm thu hồi đất, kêu gọi các doanh nghiêp đủ điều kiện và có tâm huyết triển khai. Đồng thời cần siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu,… để nâng cao chất lượng giống phục vụ nhân dân, đặc biệt là vườn giống cây bố mẹ sạch bệnh, có xuất xứ. Đẩy nhanh lộ trình cấp đất cho nhân dân sau khi rà soát ba loại rừng. Thí điểm mô hình liên kết giữa chủ rừng (có đất rừng) với các doanh nghiệp để trồng rừng tập trung theo mô hình liên kết chuỗi: Hợp tác xã – doanh nghiệp trồng rừng- Chế biến. Từ đó thúc đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ FSC.

Thứ bảy, về chính sách, mặc dù đã được ban hành tại Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, tuy nhiên thiết nghĩ cần nghiên cứu bổ sung một số vấn đề sau: chính sách hỗ trợ cây bố mẹ từ nuôi cây mô cho các nhà vườn nhằm nâng cao chất lượng giống cây các loại; chính sách hỗ trợ các loại cây trồng dưới tán rừng như dược liệu, cây lấy tinh dầu; cây đa dụng; chính sách hỗ trợ mô hình trồng cây gỗ lớn kết hợp canh tác dưới tán rừng giai đoạn kiến thiết cơ bản.

“Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng, thì rừng rất quý”. Lời dạy của Bác Hồ năm xưa vẫn nguyên giá trị. Không chỉ phải bảo vệ mà còn phải biết xây dựng thì rừng mới quý. Chính vì vậy, phát triển kinh tế rừng để người dân sống trên đất rừng phải được thụ hưởng thành quả, phải giàu lên từ rừng, phải trở nên một thành tố của Hệ sinh thái kinh tế rừng. Với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, hy vọng một ngày không xa Nghệ An trở thành Trung tâm kinh tế rừng của vùng Bắc Trung Bộ.

Trần Quốc Thành

Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Nghệ An