Ủy ban Tư pháp Quốc hội khảo sát việc chấp hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tại Nghệ An
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Trần Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh án TAND tỉnh; lãnh đạo các ngành Tư pháp tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Tòa án quân sự Quân khu 4.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An, Toà án quân sự Quân khu 4 báo cáo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật Tổ chức toà án nhân dân năm 2014.
Từ ngày 1/1/2017 đến 30/9/2022, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An thụ lý 50.455 vụ, việc, giải quyết 50.031 vụ việc, tỷ lệ 99,16%. Trong đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý 6.731 vụ việc, giải quyết 6.368 vụ việc, tỷ lệ 98,8%; Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý 43.592 vụ việc, giải quyết 43.300 vụ việc, tỷ lệ 99,33%.
Tính đến nay, Toà án nhân dân tỉnh và 19 đơn vị Toà án nhân dân cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến 333 vụ án, làm việc trực tuyến 5 vụ án hành chính. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí đầu tư để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong những năm qua, số vụ việc dân sự Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An thụ lý giải quyết số lượng rất lớn (chiếm 3/4) số vụ việc các loại. Đây là loại án mà Tòa án thực hiện việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ ngay từ khi thụ lý. Tuy nhiên, việc thực hiện, chấp hành các quyết định về yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của các đương sự hoặc là người liên quan còn rất hạn chế.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An, Toà án quân sự Quân khu 4 cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Tổ chức toà án nhân dân năm 2014 về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Cụ thể, biên chế bộ phận giúp việc, nhất là tại các đơn vị cấp huyện không được bổ sung, cán bộ có chức danh tư pháp phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác; chế độ chính sách, tiền lương đối với thẩm phán và các chức danh tư pháp còn thấp.
Mặt khác, Luật Tổ chức toà án nhân dân năm 2014 cũng chưa quy định cụ thể nội dung bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp khi thi hành công vụ; chế độ bồi dưỡng phiên tòa của Hội thẩm còn thấp so với yêu cầu công việc, trách nhiệm;...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã trao đổi các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của Hội thẩm nhân dân; đồng thời đề nghị cần quy định rõ hơn các tiêu chuẩn, yêu cầu về nhân sự Hội thẩm nhân dân; cần có quy chế phối hợp giữa Đoàn Hội thẩm với Toà án nhân dân tỉnh...
Các đại biểu tham dự buổi khảo sát cũng đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề bất cập, vướng mắc, khó khăn trong công tác chấp hành Luật, tập trung vào các vấn đề về tổ chức bộ máy của Toà án nhân dân; thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; chức danh tư pháp trong Toà án nhân dân; chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhấn mạnh, đoàn khảo sát đánh giá cao công tác chuẩn bị của Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An và Toà án quân sự Quân khu 4.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đánh giá cao những nỗ lực của Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An, Toà án quân sự Quân khu 4 trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại án rất cao, vượt chỉ tiêu đề ra theo yêu cầu của Quốc hội; chất lượng xét xử tốt.
Đối với những khó khăn, vướng mắc, bất cập cùng với kiến nghị, đề xuất tại buổi khảo sát, đoàn sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, báo cáo trước Quốc hội.
Phạm Bằng