Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị 05 nhóm nội dung tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII
THÔNG BÁO VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA MTTQVN TỈNH THAM GIA XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN
Đồng hành với cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp, trọng tâm là:
1. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, tạo đồng thuận cao trong xã hội; đổi mới cách thức lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trên tất cả các kênh, nhất là phát huy hiệu quả trên Trang Fanpage Mặt Trận Nghệ An, được đông đảo cử tri và các tầng lớp Nhân dân tích cực theo dõi (với gần 113 ngàn người theo dõi, là Trang cộng đồng có số theo dõi lớn nhất trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc cả nước)
2. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; với quyết tâm sớm có nhà ở cho hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống, an tâm lao động, sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững; Thực hiện Chỉ thị 21 của Tỉnh ủy, sau gần 5 tháng phát động, được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, những người con Xứ Nghệ khắp mọi miền Tổ quốc; đã có 141 đơn vị đăng ký ủng hộ hỗ trợ 983 căn nhà cho người nghèo với tổng số tiền đăng ký trên 611,14 tỷ đồng; đến nay, toàn tỉnh đã có 2.995 hộ nghèo được vào nhà ở mới; phấn đấu đến hết năm 2023, toàn tỉnh sẽ có trên 6.700 căn nhà mới cho hộ nghèo.
3. Về giám sát, phản biện xã hội: MTTQ Việt Nam toàn tỉnh đã tổng hợp hơn 900 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân phản ánh cho cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết; đặc biệt, đã tổ chức 504 Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), với 9.417 lượt ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân.
VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯỢC CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TIN TƯỞNG, ĐÁNH GIÁ CAO
1. Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ và đánh giá cao Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành nhiều văn bản quan trọng, lãnh đạo chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những tồn tại hạn chế trong thực thi công vụ và quan tâm, chăm lo đến công tác an sinh xã hội, đối tượng yếu thế; nổi bật: 1) Đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, mang tính định hướng chiến lược phát triển của tỉnh – Bộ Chính trị đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và thống nhất ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; 2) Thành lập Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Nghệ An do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban để tiếp tục lãnh đạo, đẩy mạnh CCHC một cách toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực và đã lựa chọn 07 đơn vị điểm để tập trung chỉ đạo điểm công tác CCHC năm 2023; 3) Ban hành Chỉ thị 21-CT/TU ngày 10/02/3023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 theo đó, xác định, việc kêu gọi, vận động hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là “Chiến dịch cải thiện nhà ở” cho hộ nghèo; cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ nay đến hết năm 2025. Chỉ thị 21 của Tỉnh ủy mang thông điệp hết sức nhân văn, đã rất nhanh đi vào cuộc sống, lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, trở thành “phong trào hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo”, là một điểm sáng trong công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, không chỉ trong tỉnh mà trên cả nước. Niềm tin của cử tri và Nhân dân ngày càng được nâng lên.
2. Cử tri và Nhân dân ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của UBND tỉnh trong công tác điều hành: quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả; tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và đạt kết quả khá tích cực trên một số ngành, lĩnh vực; nổi bật 7 nội dung: 1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,79% (cao hơn bình quân chung của cả nước 4,59%); 2) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng (xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh thành); 3) Toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (đạt 75,18%, cao hơn bình quân chung cả nước 73,5%), đặc biệt, năng suất lúa Vụ Xuân ước đạt 68,79 tạ/ha, cao nhất các tỉnh Khu vực Bắc Trung Bộ; 4) Về giáo dục, tiếp tục dẫn đầu cả nước đứng thứ 2/63 tỉnh, thành về số học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023; 5) Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp (SIPAS) xếp thứ 14/63 tỉnh thành (tăng 21 bậc); 6) Kết quả thu nhận định danh điện tử đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), một trong 22 địa phương sớm hoàn thành cấp CCCD gắn chip; 7) Nghệ An tiếp tục đứng đầu Bắc Trung Bộ về huy động vốn và dư nợ ngân hàng, (so với cả nước, đứng thứ 6 về huy động vốn; đứng thứ 5 về dư nợ).
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận nhận thấy rằng: Trong thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành ngày càng quan tâm, tạo điều kiện phối hợp trong mọi hoạt động; phát huy dân chủ, quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Việc giải quyết các kiến nghị của cử tri được thực hiện nghiêm túc, theo phương châm “Nhanh, đúng, hiệu quả” chuyển từ “giải thích, giải trình sang giải pháp, giải quyết” và đã kịp thời giải quyết 05/05 kiến nghị của UB MTTQ Việt Nam tỉnh gửi tới kỳ họp thường lệ thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII.
VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN CÒN BĂN KHOĂN, LO LẮNG
1. Cử tri và Nhân dân còn nhiều băn khoăn về tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh; vướng mắc trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy chậm được tháo gỡ; giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp và chi phí dịch vụ cao; cùng với đó, tình hình nắng nóng và khô hạn kéo dài, diễn ra trên phạm vi rộng, việc cắt điện liên tục, luân phiên diễn ra tại nhiều địa phương ….đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Cử tri và Nhân dân lo lắng về một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng; công tác quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xẩy ra; công tác cung ứng thuốc, vật tư y tế; việc phối hợp tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày thứ bảy và chủ nhật, chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến nhu cầu và quyền lợi khám, chữa bệnh của Nhân dân. Bên cạnh đó, Cử tri vẫn còn băn khoăn về giá sách giáo khoa tăng, chương trình học quá tải làm cho các cháu không có thời gian vui chơi, giải trí phát triển thể chất; công tác phòng, chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước trẻ em và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn bất cập;
3. Cử tri cho rằng công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn bất cập; việc quy hoạch và thu hút các dự án nhà máy, công nghệ xử lý chất thải rắn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương; vấn đề thu gom chất thải rắn tại nhiều điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ còn gây ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan. Việc cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
4. Cử tri và Nhân dân vẫn còn nhiều lo lắng khi các loại tội phạm có nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới và hết sức tinh vi, sử dụng công nghệ cao để phạm tội; tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng intrenet, mạng xã hội, phần mềm trực tuyến, hoạt dụng “tín dụng đen”…; tình trạng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, phát tán hình ảnh, phát ngôn thiếu văn hóa, nói xấu, xuyên tạc các hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa được kiểm soát chặt chẽ... làm ảnh hưởng đến tư tưởng của lớp trẻ và Nhân dân nói chung.
5. Cử tri cho rằng công tác cải cách hành chính đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm, nhất là vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc đối với doanh nghiệp và người dân ở một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, cá biệt đã có một số trường hợp bị kỷ luật, khởi tố, xử lý hình sự, ….; làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh và niềm tin của Nhân dân.
KIẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH
Tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trân trọng kiến nghị HĐND, UBND tỉnh và các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết 05 nhóm nội dung cụ thể sau:
1. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Trung ương có phương án xử lý dứt điểm đối với các tồn tại, vướng mắc của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ giao đất tái định cư cho hộ dân và có giải pháp trong việc tái lấn chiếm đất đã thu hồi thực hiện dự án để trồng cây lâu năm, xây dựng công trình thủy lợi.
2. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và Công ty Cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam (chủ đầu tư) sớm giải quyết tồn tại, vướng mắc của Dự án thủy điện Khe Bố liên quan đến hạng mục phải điều chỉnh tổng thể hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư để đảm bảo quyền lợi cho hộ dân bị ảnh hưởng.
3. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các sở, ngành liên quan sớm tham mưu làm rõ chủ trương di dời các hộ dân xóm 9, Nghi Xá ra khỏi khu công nghiệp Nam Cấm để tránh tác động môi trường để người dân yên tâm xây dựng, cơi nới nhà cửa, tách thửa…đảm bảo quyền lợi của người dân; đồng thời, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân (nước thải, tiếng ồn, ách tắc dòng chảy, nứt nẻ nhà dân, đường dân sinh…) liên quan đến thi công các công trình tuyến đường N5 giai đoạn 2, mở rộng, nâng cấp tuyến đường giao thông 536 và đường Quốc lộ 1.
4. Đề nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét, có giải pháp thỏa đáng, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách giữa viên chức y tế và viên chức dân số, liên quan đến thực hiện Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
5. Để góp phần tuyên truyền phổ biến Luật thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023, nâng cao năng lực Ban GSĐTCCĐ toàn tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Hội thi Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giỏi toàn tỉnh năm 2023, để Hội thi được triển khai đồng bộ, rộng khắp, thiết thực, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trân trọng đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm phối hợp, đảm bảo các điều kiện để MTTQ Việt Nam các cấp triển khai, tổ chức thành công Hội thi.
Trên đây là tóm tắt hoạt động tham gia xây dựng chính quyền; ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân trong tỉnh và Ủy ban MTTQVN gửi đến kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII. Trân trọng đề nghị HĐND, UBND và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết và thông báo kết quả cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để thông tin cho các tổ chức thành viên, cử tri và Nhân dân trong tỉnh biết, giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.