Tại phiên họp sáng nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thường trực và các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan...

qp3-1714019780308.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được phân công chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ, tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung và thống nhất.

Khoáng sản cũng là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, nên việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải được thực hiện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước bền vững trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Sau 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản năm 2010 đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Tuy nhiên, các quy định của luật hiện hành như: quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn, chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất…

Bên cạnh đó, một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất - khoáng sản đã được sửa đổi, như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư… và một số luật đang trình Quốc hội, như dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Vì vậy, cần rà soát, sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

qp1-1714019814309.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.

Một trong những quan điểm chỉ đạo, đó là việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản cần đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nêu rõ, nhiều chính sách quan trọng của Luật Khoáng sản năm 2010 vẫn còn nguyên giá trị và được kế thừa trong quá trình xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Tuy nhiên, quá trình thực thi luật còn một số tồn tại, hạn chế, như Luật Khoáng sản hiện hành chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành. Đặc biệt, chưa có sự thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất theo Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị.

Thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp…

Anh_04-1714016685987.JPG
Các đại biểu cho ý kiến thẩm tra về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng thông tin về các căn cứ chính trị và quan điểm xây dựng luật; bố cục và một số điểm mới của dự thảo luật…

Các đại biểu, chuyên gia tham dự phiên họp tập trung thảo luận về: quan điểm, mục tiêu xây dựng luật; việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là nội dung Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị trong dự thảo luật; sự đầy đủ, phù hợp của hồ sơ dự án luật và việc đáp ứng các điều kiện để trình Quốc hội...

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành có liên quan, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình, làm rõ những nội dung liên quan đến dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.