Ngày 18/3/2024, Ủy ban Dân tộc có Văn bản số 408/UBDT-CSDT trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó:
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, đã ban hành khá đầy đủ hệ thống chính sách dân tộc, bao phủ toàn diện các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn ngân sách đầu tư được tập trung hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông, điện, giống cây trồng, trường học, bệnh viện...; vốn tín dụng tập trung hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời nhà nước có chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật, y tế, văn hóa lên công tác ở vùng sâu, vùng xa giúp đỡ đồng bào dân tộc cải thiện đời sống, nâng cao dân trí...
Đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được chia thành 3 nhóm: Nhóm chính sách cho một số dân tộc cụ thể; Nhóm chính sách phát triển theo địa bàn như: các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng...; Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo lĩnh vực: Chính sách hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo, nước sạch, môi trường, giáo dục, đào tạo, văn hoá, y tế, cán bộ dân tộc thiểu số, trợ giúp pháp lý...
Như vậy, bà con dân tộc Kinh sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng được hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư theo địa bàn và theo lĩnh vực như đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Đây là sự nối tiếp với mức độ ưu tiên cao hơn, toàn diện hơn đối với địa bàn và vùng dân cư đặc thù này. (Trong đó có cả bà con dân tộc kinh và đồng bào dân tộc thiểu số). Chương trình được ban hành hướng tới nhóm đối tượng ở địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, hướng tới bảo đảm đời sống an sinh xã hội của đồng bào dân tộc, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế gắn với phát triển, bảo vệ rừng. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cao trình độ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và giảm suy dinh dưỡng. Bảo tồn phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hỗ trợ nhóm dân tộc ít người các hoạt động truyền thông nâng cao năng lực, nâng cao đời sống và giảm nghèo cho người dân tại vùng dân tộc miền núi./.