Chế độ, chính sách trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn được công nhận nông thôn mới, vừa thoát nghèo chịu tác động lớn, đặc biệt là các xã từ khu vực III về khu vực I. Trong khi đó, hầu hết các hộ dân sống ở các xã, thôn, bản này đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số gia đình là hộ nghèo, cận nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, việc cắt giảm chính sách ngay sau khi ban hành Quyết định mà không quy định thời gian chuyển tiếp nên người dân chưa kịp thích ứng ngay với tác động của các Quyết định đó. Cử tri kiến nghị có lộ trình, thời gian chuyển tiếp trong việc cắt giảm các chính sách đối với các xã, thôn khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT.

Ảnh minh họa

Ngày 01/02/2024, Ủy ban Dân tộc có Công văn số 204/UBDT-CSDT trả lời kiến nghị cử tri, theo đó:

Để giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khi Quyết định số 861/QĐ-TTg được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 7957/VPCP-QHĐP chỉ đạo 6 Bộ, ngành (Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài Chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc) đề xuất giải pháp cụ thể đối với các chính sách đã ban hành báo cáo cấp có thẩm quyền tại thời điểm phù hợp, bảo đảm kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân. Trong đó tập trung giải quyết 12 chính sách thuộc các lĩnh vực: Bảo hiểm y tế, sức khỏe sinh sản, hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo dục mầm non, các chính sách đối với nhà giáo, chính sách thu hút cán bộ đến vùng đặc biệt khó khăn, chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động trên địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đến nay, các Bộ, ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, cơ bản tháo gỡ được khó khăn vướng mắc cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật hiện hành, nhất là một số vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp, như: Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ học sinh và mở rộng tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số.