Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV chiều 11/1, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến kế hoạch giám sát của Quốc hội nhằm bảo đảm các nguồn lực vừa được thông qua phát huy hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, năm 2022, Quốc hội sẽ tiến hành 4 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó có 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
“Đối với Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ngay trong Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua cũng đã nêu rõ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nội bộ ngay từ đầu để không xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực lớn trong khoảng thời gian ngắn” - ông Toàn cho hay.
Ngoài ra, Nghị quyết chung của Kỳ họp cũng xác định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chú trọng hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao đạo đức công vụ, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán định kỳ và khi kết thúc chương trình, dự án đối với việc huy động, sử dụng các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch bệnh; đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp và kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Phát biểu thêm về vấn đề này, Tổng thư Ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ này Quốc hội sẽ đẩy mạnh hơn các hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trong đó có kế thừa các hình thức trước đây cũng như có thêm các điểm mới.
Theo đó, trước đây các đoàn giám sát được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập sẽ xây dựng đề cương, kế hoạch giám sát. Kỳ này, các đoàn đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương, kế hoạch. Điểm khác thứ 2 là kỳ này yêu cầu các đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương báo cáo giám sát những hoạt động của Ủy ban nhân dân, và phải chịu trách nhiệm về kết quả, số liệu giám sát của mình.
Tổng thư Ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia
Trả lời câu hỏi về đối tượng ưu tiên của gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đối tượng ưu tiên phân bổ vốn là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đủ vốn hoàn thành các dự án này, từ đó hỗ trợ sản xuất, tạo cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối cho phát triển kinh tế.
Đối với các dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chỉ bố trí cho các dự án quan trọng, quy mô lớn, bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định. Theo ông Toàn, các tiêu chí đặt ra nhằm bảo đảm bố trí vốn tập trung, thúc đẩy đầu tư công, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về các dự án cụ thể, ông Toàn cho biết, căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí trên, Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng làm rõ 2 phương án huy động nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình, đó là vay bằng trái phiếu Chính phủ và vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài. Theo đó, sẽ đàm phán với các nhà tài trợ thực hiện theo hình thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách, sau đó từ ngân sách vốn sẽ được phân bổ đến các dự án.
“Để bảo đảm huy động hiệu quả, trong Nghị quyết nêu rất rõ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ để bảo đảm tạo thanh khoản, tạo điều kiện cho hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính mua trái phiếu. Trong 2 năm 2022 và 2023, kỳ hạn huy động trái phiếu có thể thấp hơn 9 năm. Trong trường hợp cần thiết, cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua trái phiếu Chính phủ”, ông Toàn nói.
Thông tin tóm tắt về kết quả của kỳ họp tại buổi họp báo, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết sau 4,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết với sự thống nhất cao, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; và Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
V.T.