Về kiến nghị của công nhân lao động Khu kinh tế Đông Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết, kết quả đến nay như sau:
Hiện nay, trong KKT, các KCN Nghệ An có khoảng trên 40 ngàn lao động đang làm việc, số lượng lao động tiếp tục tăng cao vào những năm tới; trong đó, có đến trên 50% là lao động nữ, có những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 80%, phần lớn lao động nữ đều trong độ tuổi sinh sản nên có nhu cầu cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản, do vậy việc thành lập Trung tâm ý tế cộng đồng để tư vấn, chăm sước sức khỏe và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân là rất cần thiết và thiết thực.
Tuy nhiên, Căn cứ khoản Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về khám sức khỏe cho người lao động, quy định: Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; ...; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ...
Theo quy định tại khoản 9, Điều 58, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi thành một số điều của Bộ luật Lao động quy định: Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, ... nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động được tính vào thời gian làm việc bình thường.
Theo đó, người lao động làm việc trong KKT, các KCN đều được doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đối với lao động nữ, còn được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục quy định và thời gian khám sức khỏe định kỳ được doanh nghiệp bố trí và tính vào thơi gian làm việc bình thường.
Theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Kế hoạch số 229-KH/TU ngày 18/3/2024 của Tỉnh ủy Nghệ An; Kế hoạch số 542/KH-UBND ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh Nghệ An. Tại các huyện, thành phố, thị xã có mật độ dân cư cao, địa bàn rộng có thể bố trí nhiều hơn 01 trạm y tế cấp xã. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp căn cứ quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp.
Tuy nhiên theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Kế hoạch số 111/KHTU ngày 01/01/2018 của Tỉnh ủy Nghệ An về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Đề án số 09-ĐA/TU ngày 18/4/2018 của Tỉnh uỷ Nghệ An về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2021 và những năm tiếp theo, ngành y tế Nghệ An đã đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách, sáp nhập trạm y tế xã theo địa giới hành chính. Do đó việc thành lập cơ sở y tế mới chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết, có đề xuất từ địa phương và được đồng ý của cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó để thành lập cơ sở y tế mới (trạm y tế) cũng cần phải có điều kiện cần thiết như bố trí địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đầy đủ, đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn.
Trước mắt khi chưa thành lập được cơ sở y tế mới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm y tế thuộc địa phương có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tăng cường nhân lực, trang thiết bị, nâng cao công tác chuyên môn tại các trạm y tế để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân, người lao động.