UBND tỉnh Nghệ An đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023
Sáng nay (5/7), tại TP. Vinh, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14. Kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ 5/7 đến hết sáng ngày 7/7/2023.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Đại biểu khách mời dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An; Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An; Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An và các vị đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh thuộc 21 tổ đại biểu và các đại biểu khách mời.
DUY TRÌ MỨC TĂNG TRƯỞNG, ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thay mặt UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cùng với cả nước, Nghệ An đối mặt với rất nhiều khó khăn, bất lợi từ tình hình thế giới, kinh tế toàn cầu. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng, sức mua giảm; thị trường bất động sản trầm lắng; thời tiết nắng nóng kéo dài, gây thiếu nước; thiếu điện cục bộ,... ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Trước bối cảnh khó khăn đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thể hiện, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 5,79%, cao hơn bình quân cả nước (3,72%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,26%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,31%; khu vực dịch vụ tăng 7,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,24%.
Thu ngân sách ước thực hiện 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán. Khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện; đã hoàn thành công tác thẩm tra, trình Ban chỉ đạo Trung ương thẩm định cho 2 huyện Đô Lương và Diễn Châu đạt chuẩn nông thôn mới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng ước tăng 1,79%. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) ước đạt 212,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm,...
Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực, tính đến ngày 22/6, có 65 dự án cấp mới và 81 dự án điều chỉnh; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.186 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 19.714 tỷ đồng, tăng 1,32 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD.
Tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo và có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là việc triển khai kịp thời và hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực. Việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, sâu sát và đạt kết quả rất tích cực.
Tỉnh đã hoàn thành công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện); đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại có nhiều hoạt động nổi bật. Công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An nhấn mạnh, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới, như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài gây hạn hán, thiếu nước sản xuất, thiếu điện cục bộ.
Tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước chưa đạt kịch bản 6 tháng đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chưa đáp ứng so với kỳ vọng. Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
10 NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Trong 6 tháng cuối năm, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra; bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh; tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình hành động của Chính phủ; xây dựng chương trình hành động của Tỉnh uỷ, kế hoạch triển khai của UBND tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh.
Xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức công bố, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện; triển khai lập và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; Đề án điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đông Nam theo lộ trình đã đề ra.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch năm 2023. Quyết liệt, chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Tổ chức công tác thu ngân sách hiệu quả; Điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, bám sát theo tiến độ thu ngân sách. Tăng cường thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hoá - xã hội, nhất là giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, việc làm, chính sách người có công, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, điểm nóng, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy sức mạnh của toàn xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra ở mức cao nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An nhấn mạnh, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đặt ra yêu cầu rất cao trong bối cảnh dự báo tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, trân trọng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, nhân dân và cử tri tỉnh nhà tăng cường giám sát, ủng hộ, phối hợp để quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Phạm Bằng