Đây sẽ là "con đường thống nhất" Bắc - Nam trong thời kỳ mới, góp phần gắn kết chính trị, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Khẳng định ý nghĩa này, song một số đại biểu còn băn khoăn về việc huy động các nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án cũng như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Thảo luận tại phiên họp trực tuyến chiều qua, nhiều ĐBQH nhất trí với sự cấp thiết cần triển khai đầu tư 12 dự án thành phần trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) khẳng định, đây sẽ là con đường có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị. Về mặt chính trị, xây dựng trục cao tốc chính là xây dựng "con đường thống nhất" Bắc - Nam trong thời kỳ mới, góp phần gắn kết chính trị, thu hẹp khoảng cách vùng, miền. Về kinh tế, dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào năm 2019 cho thấy, chỉ số chất lượng đường bộ, chỉ số kết nối giao thông đường bộ của nước ta lần lượt đứng thứ 103, 104 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng. Đây cũng là một trong những chỉ số thấp nhất trong bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Và theo chỉ số này, nước ta đứng ở nhóm 1/3 các nền kinh tế trên thế giới có chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ kém nhất. Cơ sở hạ tầng giao thông kém dẫn tới chi phí logictics rất cao, chiếm tới 20% GDP, cao gần gấp đôi so với các nước đang phát triển và cao hơn so với mức bình quân toàn cầu tới 14 - 15%. Dẫn ra những số liệu này, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là những chi phí rất lớn, làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, phải là "mũi đột phá quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia”.

Chia sẻ quan điểm này, các ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Hoàng Văn Hữu (Bắc Kạn)... thống nhất với đề xuất của Chính phủ về phương thức đầu tư dự án bằng nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý, "vẫn có 4 dự án thành phần có khả năng đầu tư được theo hình thức PPP". Song, "vướng ở đây là do tỷ lệ Nhà nước đầu tư còn cao, có thể lên tới 54 - 65%, chưa phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và chúng ta cũng lo ngại không huy động được nguồn vốn".

Nêu thực tế tại các phiên thảo luận trước đó, đã có nhiều đại biểu đề nghị tách riêng "gói giải phóng mặt bằng" ra khỏi "gói đầu tư", đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, nếu tách được, tổng mức đầu tư sẽ giảm đi. Toàn bộ phần giải phóng mặt bằng sẽ do Nhà nước sẽ chịu chi phí, phần vốn huy động còn lại không còn nhiều, nghĩa là không còn tình trạng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước vượt lên 50%, và không còn vướng mắc theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Vì vậy, nên cân nhắc lại phương án huy động đầu tư PPP bằng cách không đưa gói giải phóng mặt bằng vào ngân sách dự án đầu tư. Ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án nên chuyển cho ngân hàng đầu tư phát triển, để các nhà đầu tư vay; các nhà đầu tư tư nhân sẽ có nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư PPP và hoàn trả lại. "Nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần, thay vì Nhà nước đầu tư xong lại nhượng quyền thu phí trở lại", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Tạo sự thống nhất, đồng lòng trong Nhân dân

Phương án giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề gây ảnh hưởng tới tiến độ của dự án. Thực tế cho thấy, không ít nơi không nhận được sự đồng thuận của người dân. Phản ánh điều này, ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chú trọng thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng lòng ủng hộ dự án.

Để triển khai dự án này, số hộ ảnh hưởng của vùng dự án là gần 15 nghìn và số hộ tái định cư là gần 12 nghìn. Do đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo địa phương trong vùng dự án đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hạn chế thấp nhất khiếu kiện của người dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, tránh tình trạng "mất cán bộ do sai phạm sau khi hoàn thành dự án". Đồng thời, phải có khu tái định cư trước công tác giải tỏa để người dân bị di dời có nơi ở ổn định. Quan tâm đến việc khắc phục các vấn đề sau hoàn thành dự án, như tình trạng hư hỏng, sạt lún nhà ở, ngập úng đồng ruộng, hoàn trả các tuyến đường bị hư hỏng do phục vụ thi công.

Một khó khăn nữa trong khâu triển khai thực hiện được các ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi)... nêu ra là vấn đề vật liệu thi công. Khó khăn này đã xảy ra khi triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Trong giai đoạn 2022 - 2023, sẽ có nhiều dự án quan trọng trên cả nước được khởi công theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, do đó nhu cầu về vật liệu xây dựng càng lớn hơn rất nhiều. Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Chính phủ có nêu sơ bộ các giải pháp khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Một trong số đó là Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương đánh giá cụ thể về nhu cầu sử dụng, nhu cầu cung cấp vật liệu, hiện trạng khai thác. Trên cơ sở đó, sẽ phối hợp với các địa phương triển khai ngay việc điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết và thực hiện nâng công suất, gia hạn các mỏ đang khai thác, cấp phép mỏ mới, bảo đảm nguồn cung vật liệu cho dự án. Như vậy, việc đánh giá nhu cầu sử dụng "vẫn đi sau, bị động và chưa có gì bảo đảm chúng ta sẽ khai thác đủ nguyên vật liệu để tiến hành dự án trong thời gian tới". Hơn nữa, việc nâng công suất khai thác, cấp phép mỏ mới có thể gây tác động rất xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, “chúng ta phải làm rất kỹ lưỡng, thận trọng, không được phép chủ quan, vội vàng”.

Với quan điểm vừa bảo đảm chất lượng công trình, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực, có đại biểu đề xuất, nên bổ sung quy định “giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thành công dự án”. Đây là cơ sở để Chính phủ tăng cường trách nhiệm hơn khi chỉ đạo nhà đầu tư, tư vấn giám sát các đơn vị liên quan tuân thủ nghiêm quy định, phương án đã phê duyệt.