Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà cách mạng vĩ đại, nhưng trước hết Người là nhà văn hóa lớn. Theo Người, văn hóa gắn liền với đạo đức, chính trị, kinh tế, xã hội và cách mạng. Làm cách mạng để giải phóng con người, biến người nô lệ thành người tự do, đó chính là văn hóa. Trong xã hội còn áp bức, bóc lột giai cấp, dân tộc và con người, thì xử sự đẹp nhất, có văn hóa nhất là làm cách mạng. Văn hóa là sự ứng xử của con người trước cuộc sống, tỏa ra trên các mặt của cuộc sống, là sự thể hiện rõ nét nhất của một nền văn minh.
Văn hóa là kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra.
Văn hóa là kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và đến lượt nó, văn hóa lại nâng tầm con người lên và tạo điều kiện tiến bộ cho chính bản thân con người. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Khi Người nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” cũng chính là nói đến khát vọng và quyền sống của con người, đồng nghĩa với sự đấu tranh cho một nền văn hóa mà ở đó một dân tộc, mỗi con người được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, quyết hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ; ý chí vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, đó là ý chí của một dân tộc có văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một ước muốn giản dị: “Ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó cũng là một tư tưởng lớn, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, tiến bộ, văn minh, trong đó mọi người đều được hưởng tự do và hạnh phúc. Người nhìn thấy chiều sâu của văn hóa là giải phóng tận gốc cho con người, nhưng phải đi từ những nhu cầu tối thiểu. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Người hướng tới chất lượng cuộc sống của con người trong một xã hội phát triển hài hòa, bền vững và nhân văn. Bằng nhiều nỗ lực hoạt động không mệt mỏi của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, biến thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước.
Bác Hồ nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II năm 1956; Bác Hồ tặng quà cho các cụ già dân tộc thiểu số sống gần khu mỏ apatit, Lào Cai (năm 1958); Bác Hồ thăm Trường Thanh niên Lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình (ngày 17/8/1962); Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu
Văn hóa theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần của xã hội; văn hóa phát triển trên nền tảng kinh tế, nhưng khi trở thành động lực nội sinh thì văn hóa lại tác động trở lại kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đó là chưa nói đến mỗi nấc thang phát triển kinh tế tạo ra một nấc thang phát triển văn hóa và mỗi nấc thang phát triển văn hóa đến lượt nó lại tạo ra một bước phát triển mới về kinh tế. Người còn cho rằng văn hóa phải có định hướng tư tưởng chính trị, nhưng văn hóa tư tưởng lại soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Như vậy, văn hóa không những chỉ tác động trở lại kinh tế, chính trị, xã hội mà trong các hoạt động kinh tế, chính trị phải có trí tuệ và bản lĩnh văn hóa.
Văn hóa chính trị cũng là nét đặc trưng của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính trị mà thiếu văn hóa, không gắn với những hoạt động đời thường của con người, không xuất phát từ tình yêu thương con người, không gắn với dân gian thì đó là thứ chính trị tầm thường, thô thiển, là coi nhẹ và làm mờ nhạt chính trị, tự thủ tiêu chính trị. Điều đặc biệt ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng chính trị của Người luôn được thể hiện dưới dạng văn hóa, đi vào lòng người bằng văn hóa, tức là giáo dục, thuyết phục bằng cảm hóa. Người nhìn thấy sức mạnh của cách mạng từ lực lượng quần chúng được tập hợp, đoàn kết lại với mục tiêu nhân văn cao cả là độc lập và tự do hạnh phúc, đó cũng là mục tiêu văn hóa. Thực là vĩ đại khi một thứ chính trị đời thường, chính trị dân gian, tức là chính trị hiểu thấu, giải đáp được những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng cũng là một thứ chính trị hiện đại, bởi kết tinh được trí tuệ của loài người với tinh hoa của dân tộc. Như vậy, văn hóa chính trị cũng là nét đặc trưng của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.
Bác Hồ làm việc tại nhà 54, năm 1957. Ảnh tư liệu
Đảng ta đã phát động Cuộc vận động “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong Đảng và trong toàn xã hội. Đây là cuộc sinh hoạt văn hóa lớn vì nhằm giúp mọi người, mà trước hết là cán bộ, đảng viên, noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Nội dung của Cuộc vận động mang bản sắc văn hóa rất cao, tính chất của cuộc vận động vừa là sinh hoạt chính trị, vừa là hoạt động văn hóa phong phú. Vì vậy, đây cũng chính là hoạt động thiết thực của Đảng ta góp phần đưa tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh vào cuộc sống.
Bởi thế sẽ là một nét đẹp văn hóa nếu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ vào cương vị được giao, hoặc công việc đang làm mà cụ thể hóa được những chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh thành nề nếp công tác, thành nội dung phấn đấu và rèn luyện thiết thực, không hình thức, góp phần cùng xã hội tạo nên sự chuyển biến tốt hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống.
Như vậy, nội dung của văn hóa chính trị gắn liền với nội dung về phẩm chất đạo đức, lối sống gắn với những chuẩn của xã hội mà mỗi người cần có. Đó chính là điều chúng ta đang hướng tới trong việc xây dựng đời sống văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Đặng Duy Báu