khu-luu-niem-chu-tich-ho-chi-minh-tai-nakhon-phanom-thai-lan.jpg
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nakhon Phanom (Thái Lan)

01. Chuyến du lịch cùng anh bạn thân cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua đến vùng Đông Bắc Thái Lan, tôi may mắn được gặp khá nhiều Việt kiều mà trong đó chủ yếu là những người có gốc gác từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Họ là những công dân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên trên đất Thái. Có mặt hôm trước thì hôm sau tôi được dự Lễ hội Đức Thánh Trần ngay tại Thị trấn huyện That Phanom và ngày húy nhật (ngày giỗ) cha của gia đình ông Lê Văn Dung (quê gốc Thạch Hà - Hà Tĩnh). Dù tiết trời nóng bức nhưng tôi nhẩm đếm có gần 30 người tham dự; không kể người ở gần, có trường hợp là chị, em của ông Dung ở tận Nong Khai, Băng Cốc (cách hơn 400 đến 800km) cũng có mặt từ hôm trước. Hỏi chuyện những người ngồi cạnh như ông Trần Văn Lập (quê Đức Thọ - Hà Tĩnh), ông Lê Xuân Đức (quê Thạch Hà), ông Nguyễn Văn Kỳ (quê Hưng Nguyên - Nghệ An) có tuổi đời từ 69 đến gần 80, thấy có một điểm chung là cha, mẹ của họ đều sang bên này từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước. Họ rời quê hương, bản quán ra đi bởi nhiều lý do, người thì không chịu nổi ách đè nén, áp bức của thực dân, phong kiến sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; người sống quá nghèo khổ không chốn nương thân... Ban đầu họ đến các làng, bản khu vực Thà Khẹc (Lào) rồi dịch chuyển dần sang bên kia bờ sông Mê Công thuộc đất Thái Lan. Tha phương cầu thực đến miền đất lạ để tìm kế mưu sinh. Ông, bà, cha, mẹ của họ người thì làm bốc vác, người chăn nuôi lợn, gà, người bán hoa quả nơi cổng chợ...

oan-hoc-sinh-THCS-o-Bung-Can-Thai-Lan-truoc-khi-vao-tham-quan-Khu-tuong-niem-Bac-Ho.jpg
Đoàn học sinh THCS ở Bưng Can, Thái Lan trước khi vào tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ

Ông Nguyễn Văn Kỳ 72 tuổi tâm sự: Thế hệ của tôi, anh Dung, anh Lập, anh Phong đây đều trải qua quãng đời niên thiếu vất vả nghèo khó. Trước năm 1975, chính quyền Thái là đồng minh của Mỹ và ủng hộ Việt Nam cộng hòa nên những người Việt ở miền Bắc di cư sang đây bị phân biệt đối xử; có thời điểm như 1969 - 1970 chúng tôi sống trong tâm trạng nơm nớp lo âu, cũng vì thế lứa chúng tôi chỉ được học đến lớp 5, lớp 7. Cho nên cuộc sống chỉ loanh quanh với các nghề tự do như thợ mộc, thợ may, cắt tóc, chạy chợ. Không khí dễ thở hơn kể từ sau chuyến thăm Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng theo lời mời của Thủ tướng Kriangsal Chomanan (tháng 9/1978). Thủ tướng Thái khi đó cho rằng "chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt cơ sở và nền tảng vững chắc lâu dài cho tình hữu nghị, sự tin cậy thật sự giữa Nhân dân hai nước". Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bối cảnh gần 45 năm trước phát biểu: "Chuyến thăm của tôi là cơ hội tốt để có thể trực tiếp hiểu biết thêm về đất nước tươi đẹp của các bạn, về những công trình, thành tựu nghệ thuật nổi tiếng; về những bước phát triển mới của các bạn trên các lĩnh vực kinh tế và văn hóa, nhất là con người Thái Lan cần cù và sáng tạo, có nhiều đức tính đẹp đẽ gần gũi với con người Việt Nam".

Hinh-anh-Bac-Ho-tai-gian-trung-bay-chinh-cua-Khu-tuong-niem.jpg
Hình ảnh Bác Hồ tại gian trưng bày chính của Khu tưởng niệm

Tuy nhiên quan hệ Thái - Việt lại rơi vào trạng thái nóng - lạnh, thăng trầm trong giai đoạn khoảng mười năm (1979 - 1989), khi cuối 1978, Việt Nam tiến hành cuộc phản công ở biên giới Tây Nam, đánh đuổi lực lượng Pôn Pốt - Iêng Xary bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã sang giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo và xây dựng đất nước. Mối quan hệ Thái-Việt chỉ được khôi phục và tiếp tục được củng cố, phát triển kể từ sau khi Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện ở Campuchia về nước; đặc biệt là từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN (tháng 7/1995). Dĩ nhiên cũng từ đây chính sách của Thái Lan đối với Việt kiều "cởi mở" hơn. Thế hệ những người Thái gốc Việt sinh ra từ sau 1970 được học lên đại học, được làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp và một số ít được tham gia vào chính quyền các cấp ở Thái Lan. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Việt từng bước được cải thiện; các ngày lễ lớn của dân tộc như Giỗ tổ Hùng Vương, ngày sinh nhật Bác Hồ, ngày Quốc khánh 2/9 được bà con trên đất Thái tổ chức một cách trang trọng.

Gian-tho-Bac-tai-Khu-tuong-niem.jpg
Gian thờ Bác tại Khu tưởng niệm

02. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 thời tiết ở vùng Đông bắc Thái Lan đã rất oi bức, có hôm nắng nóng 39 - 400 Chúng tôi nhờ anh Nguyễn Văn Tý - Việt kiều (có tên Thái là Xê Ly) lái xe đi sớm đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngoại ô tỉnh lỵ Nakhon Phanom. Mới 8 giờ 30 nhưng thấy đã có khách tham quan nhộn nhịp vào ra. Gây sự chú ý cho tôi và những người đi cùng là một đoàn học sinh THCS khoảng gần 100 em do mấy giáo viên dẫn đầu từ Bưng Can (cách đó hơn 200km) tìm đến tham quan. Tôi đến gần cô giáo trưởng đoàn nêu câu hỏi và nhờ anh Tý phiên dịch hộ, nữ giáo viên cho biết: Qua báo chí và tivi, trường chúng tôi cũng đã biết có khu di tích này cách đây mấy năm, nhưng hôm nay mới tổ chức cho các cháu đến đây được. Nhìn bao quát thấy khung cảnh đẹp lại thuận tiện giao thông. Mục đích của nhà trường đưa các cháu đến đây để hiểu biết thêm về mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt - Thái, đặc biệt là lãnh tụ Hồ Chí Minh từng có thời kỳ hoạt động cách mạng ở vùng đất này.

Tong-Bi-Thu-Nguyen-Phu-Trong-tham-Nakhon-Phanom-Thai-Lan-nam-2013.jpg
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nakhon Phanom-Thái Lan (năm 2013)

Tôi đi một vòng quanh khuôn viên Khu tưởng niệm dưới bóng râm mát của các loại cây xanh, rồi lên tầng hai dừng lâu hơn ở gian trưng bày trung tâm của khu nhà chính. Tại đây trưng bày hàng trăm bức ảnh và hiện vật khái quát những nét chính trong cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours (1920), tham gia Đảng Cộng sản Pháp; Bác đang cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trao đổi kế hoạch mở chiến dịch Thu - Đông 1953 - 1954; người đi thăm trận địa pháo cao xạ trong chiến tranh chống Mỹ; cảnh quây quần đầm ấm giữa Bác Hồ với bà con Việt Kiều về nước thăm quê... những hình ảnh xúc động trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9/9/1969)... Không gặp được ông Đào Trọng Lý - Trưởng ban Quản lý khu tưởng niệm (vì có việc riêng phải đi Băng Cốc), chúng tôi tìm đến bà Võ Thị Thanh Vân 68 tuổi, người gốc Lệ Thủy - Quảng Bình, Phó Ban phụ trách tài chính; dáng người nhỏ nhắn lanh lợi, với giọng nói chẳng khác ở nơi quê nhà, bà Vân trao đổi: Khoảng đầu năm 1928, từ Châu Âu với hộ chiếu mang tên một Hoa Kiều là Nguyễn Lai, Nguyễn Ái Quốc đi trên một chuyến tàu thủy và cập cảng Băng Cốc, sau đó Người xuống Udon Thani rồi Sa Kon Nakhon. Ở đây vài tháng nhưng cảm thấy chưa yên tâm, khoảng tháng 7 năm đó, Bác di chuyển xuống tỉnh Nakhon Phanom và chọn bản vắng Nachok làm "cơ sở" lâu nhất (chừng 16 tháng) trên đất Thái Lan. Nhằm đảm bảo an toàn, tránh sự rình mò của mật thám Pháp và chính quyền sở tại, bà con Việt Kiều đã đặt cho Bác cái tên gần gũi, thân thương là Thầu Chín. Nachok (Bác hay gọi là bản Mạy) cách đây hơn 90 năm là vùng đất hẻo lánh, có vài chục nóc nhà của người Việt mà phần lớn gốc gác từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị di cư sang đây sinh sống. Ở đây, Nguyễn Ái Quốc một mặt hướng dẫn bà con cày cấy, chăn nuôi, làm vườn; mặt khác Người cũng tuyên truyền, giác ngộ, gây dựng phong trào Việt Kiều yêu nước trở thành một "địa chỉ" tin cậy của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lúc bấy giờ.

Ba-Vo-Thi-Thanh-Van-va-tac-gia-tai-Nakhon-PhanomThai-Lan.jpg
Bà Võ Thị Thanh Vân và tác giả tai Nakhon Phanom(Thái Lan)

Bà Võ Thị Thanh Vân cho biết: Trước năm 2000, bà con Việt Kiều ở đây đã dựng một ngôi nhà gỗ lợp ngói, phía trước có tấm rèm đan bằng tre nứa (giống kiến trúc vùng Trung bộ - Việt Nam) để làm nơi hương khói, tưởng niệm Bác Hồ. Ông Võ Trọng Minh với sự ngưỡng mộ và tôn kính Người, đã tự nguyện trông nom, giữ gìn ngôi nhà và các đồ vật liên quan đến Bác suốt mấy chục năm. Quan hệ hợp tác, hữu nghị Thái - Việt phát triển theo chiều hướng tích cực, nhà nước Thái Lan cũng có ý định xây dựng bản Maỵ thành một khu di tích - lịch sử - văn hóa nhằm củng cố và vun đắp mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan. Thế rồi, dự án "Làng hữu nghị Thái- Việt" ở vùng Đông Bắc, cụ thể là bản Mạy - nơi Bác Hồ dừng chân cuối những năm 20 của thế kỷ trước được hoàn thành xây dựng vào năm 2004. Sự kiện có ý nghĩa đánh dấu cột mốc là năm 2013, trong chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Thái Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian về Nakhon Phanom thăm làng hữu nghị Thái- Việt. Tại đây, Tổng Bí thư đã đề xuất phía Thái Lan tạo điều kiện cho Hội người Việt tỉnh Nakhon Phanom thực hiện nguyện vọng xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng Hội Việt Kiều tỉnh Nakhon Phanom 30 tỷ đồng, cùng với sự đóng góp của bà con Việt Kiều trong vùng để xây dựng công trình.

Mua-hat-cua-Viet-kieu-tai-Le-hoi-uc-Thanh-Tran-o-That-Phanom-Thai-Lan.jpg
Múa hát của Việt kiều tại Lễ hội Đức Thánh Trần ở That Phanom (Thái Lan)

Vậy là trên mặt bằng 1,2ha nối với làng Hữu nghị Thái - Việt, sau hơn hai năm triển khai công trình, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/2016). Gần bảy năm qua, đây không chỉ là nơi để bà con Việt kiều trên đất Thái đến thắp hương, chiêm bái và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các ngày lễ, Tết mà nó đã trở thành điểm du lịch - văn hóa - lịch sử thu hút du khách của Nakhon Phanom; là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu bền giữa hai nước Việt Nam-Thái Lan. Cũng theo bà Võ thị Thanh Vân, các thành viên trong Ban quản lý Khu di tích lâu nay hoạt động theo tinh thần và ý thức tự nguyện; quanh năm, suốt tháng họ không hề nhận một đồng phụ cấp hay thù lao nào, thậm chí có lúc các cán bộ quản lý tự bỏ tiền túi mua sắm vật tư để sửa chữa, gia cố khi công trình có chỗ này, chỗ kia xuống cấp, hư hỏng. Bởi với họ, như bà Vân bộc bạch, được phục vụ tại Khu tưởng niệm Bác Hồ; hàng ngày được chứng kiến cảnh người nhộn nhịp vào ra, nhất là thời điểm mấy tháng hè có tới 5000-6000 lượt người/ngày đến tham quan để hiểu thêm về Hồ Chí Minh, về dân tộc Việt Nam là chúng tôi cảm thấy phấn chấn, tự hào …