Hải Phòng - Thành phố hoa phượng đỏ! Hải Phòng đó, thành phố “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”! Những câu chuyện sinh động về vùng đất, con người Thành phố Cảng luôn gợi lên ấn tượng vừa gần gũi vừa sâu sắc.

1-01-145530_187--n1.jpg

Hải Phòng còn là địa phương mở ra trang mới cho nông nghiệp nước nhà gần 50 năm trước. Từ một đốm lửa nhỏ, thời ấy gọi là “khoán chui”, bùng lên ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ, để rồi Trung ương về khảo sát, tổng kết, đi đến ban hành Chỉ thị 100 và sau đó nâng lên thành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp.

Lần giở lại lịch sử nước nhà, sẽ thấy nhiều sáng kiến thường xuất hiện ở cấp độ địa phương. Nói như một chuyên gia, những điểm mới thường bắt đầu từ cấp cơ sở khi những cơ chế, quy định chung không còn phù hợp với thực tiễn. Điều đó cho thấy, với một đất nước trải dài từ Bắc chí Nam, đa dạng vùng miền, đa dân tộc, đa văn hoá, thì không thể “mặc đồng phục” trong mọi chiến lược phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng không phải là ngoại lệ.

Như vậy, “Hội nghị toàn quốc hệ thống văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp” lần này được tổ chức ở Hải Phòng cần xem như một cột mốc mới cho một Chương trình gắn với kỳ vọng của hàng chục triệu nông dân và cư dân nông thôn. Một cột mốc mới đòi hỏi sự năng động, sáng tạo nhiều hơn nữa ở cấp độ địa phương. Một cột mốc mới đòi hỏi có cách nhìn mới hơn, rộng hơn, sâu hơn về mục tiêu, ý nghĩa của nông thôn mới. Một cột mốc mới đòi hỏi mỗi địa phương, mỗi ngành tham gia với tâm thế mới, cùng đồng hành, cùng trăn trở, cùng chủ động như trách nhiệm của mình, chứ không phải là công việc riêng của các cơ quan điều phối. Một cột mốc mới đòi hỏi cách tiếp cận mới, đó là lấy cơ sở, người nông dân và cư dân nông thôn làm mục tiêu, làm trung tâm.

box1-01-145430_412--n1.jpgbox1mb-01-1454--n1.jpg

Đất nước mình được chia thành 6 vùng chiến lược, gắn với 6 nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ. Nào rừng núi, nào cao nguyên. Nào đồng bằng, nào biển đảo. Nào miền xuôi, nào miền ngược. Từ Bắc vào Nam với hơn 50 dân tộc anh em định cư trên những địa hình khác nhau, chênh nhau về cao độ, nhiệt độ, nơi nóng oi ả, chỗ lạnh buốt xương. Chính những điều kiện khác nhau hình thành những phong tục tập quán khác nhau, nếp nhà khác nhau, cách thức quần cư khác nhau.

Vậy, nông thôn mới cũng phải dựa trên sự đa dạng về bản sắc văn hoá, về phong tục tập quán,... Ngay trong một vùng sinh thái, cũng có sự khác biệt về mức độ phát triển từng địa phương. Ngay trong một địa phương, cũng có sự khác biệt về mức độ năng động của các huyện, thị xã, thành phố. Không ai hiểu hết người dân địa phương bằng cán bộ cấp cơ sở - những người hàng ngày hàng giờ gắn bó với người dân của mình.

Con người đôi khi rơi vào cảm xúc cực đoan. Khi thì cho rằng những gì thuộc về làng quê mình đều là nhất, khi lại thiếu chăm chút cho những giá trị ngàn đời của ông cha để lại. Sống bên những giá trị mà lại mải mê tìm kiếm ở nơi khác. Sự học tập điều hay cái đẹp lẫn nhau không có gì là sai, thậm chí cần được khuyến khích, nhưng sao chép một cách máy móc sẽ làm mất đi bản sắc, tạo sự xung đột giữa những gì xa lạ với những gì thân quen đã đi vào tâm thức. Sự sao chép mới đầu có thể thấy hay, thấy đẹp, nhưng đến một ngày chính người làng quê sẽ thấy bỗng như xa lạ. Mỗi người đều có cá tính khác nhau mới hợp thành xã hội. Cũng như vậy, mỗi địa phương có những đặc điểm khác nhau mới hợp thành đất nước. Đó chính là sự thống nhất trong đa dạng cần được tôn trọng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là sự kỳ vọng về một sự đổi đời của những người dân nông thôn, xã hội nông thôn. Sự đổi đời đó đâu chỉ ở chỗ thay đổi hình thức bên ngoài, thường được gọi là “diện mạo”. Diện mạo thường thiên về hình thức. Con người, ngoài vẻ diện mạo, còn có đời sống nội tâm. Nông thôn, ngoài vẻ bên ngoài, còn có hồn quê. Sự đổi đời đó còn phải thay đổi về chất lượng sống, về tinh thần người dân, về sự tự hào vào bản sắc, tinh hoa riêng có. Sự đổi đời đó tạo ra một không gian sống rộng hơn so với không gian sống hiện tại đã quá chật hẹp trên tiến trình phát triển chung. Sự đổi đời đó góp thu phần thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch đã quá xa giữa nông thôn và thành thị, giữa nông dân và thị dân, giữa quan niệm người quê và kẻ chợ. Nông thôn mới, không chỉ là diện mạo mới, mà hơn hết, là sức sống mới.

tu-hai-phong-nghi-ve-cau-chuyen-xay-dung-nong-thon-moi-150131_698--n1.jpg

Vậy, nông thôn mới không thể “mặc đồng phục”, mà cần là quá trình tìm tòi sự khác biệt, đi lên từ những “cái đang có”. Quá trình tìm tòi đó do chính những người làng quê biết nhận ra, và trân quý những giá trị chung quanh mình, từ truyền thống lịch sử của địa phương mình. Quá trình tìm tòi đó, còn do người bên ngoài phát hiện ra, trên tinh thần tôn trọng những giá trị mà người làng quê đôi khi cũng bị lãng quên.

Có như vậy, nông thôn mới sẽ không bị sao chép vội vã, không làm mất đi những bản sắc. Mất đi bản sắc là đứt gãy dòng tâm thức liên tục trong mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi làng quê. Nông thôn mới là cuộc đổi đời, nhưng đổi đời không có nghĩa thay đổi tất cả. “Hoa chanh nở giữa vườn chanh. Thầy u mình với chúng mình chân quê”.

Giờ đây, mỗi khi đi đến một quyết sách phát triển mới, Hải Phòng đều nhấn mạnh đến “Tinh thần khoán 10” năm xưa, xem đó là một lời hiệu triệu “hiên ngang, chỉ biết ngẩng đầu” đầy tự tin. Mỗi sự thay đổi bắt đầu từ đổi mới tư duy, từ cách tiếp cận vấn đề. Hội nghị tại Hải Phòng lần này là cột mốc để điều chỉnh cách tiếp cận cho chặng đường xây dựng nông thôn mới. Từ cách tiếp cận đó, nông thôn không chỉ là hình ảnh sản xuất nông nghiệp truyền thống, mà trở thành khu vực kinh tế nông thôn phát triển, xã hội nông thôn hài hoà, cộng đồng cư dân nông thôn tri thức. Phát triển nông thôn phải dựa trên việc kích hoạt, nâng cao năng lực của chính cộng đồng dân cư nông thôn.

Từ năng lực của cộng đồng, chương trình OCOP, những sản phẩm “kết tinh tài nguyên và tri thức bản địa, gắn với đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ” ngày càng phong phú hơn, giá trị cao hơn. Từ năng lực của cộng đồng, những sản phẩm làng nghề truyền thống từ “tài hoa kết tinh thành giá trị” sẽ được hồi sinh và phát triển rộng khắp hơn. Từ năng lực cộng đồng, những nhà nông và cư dân nông thôn tự tin phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nếu không biết trân quý những giá trị khác biệt, dù là nhỏ nhất, sẽ đi đến hệ luỵ là những sản phẩm OCOP rập khuôn nhau, sản phẩm du lịch tương tự nhau.

tu-hai-phong-nghi-ve-cau-chuyen-xay-dung-nong-thon-moi-150144_68--n1.jpg

Tất cả trăm triệu dân không thể cùng một đồng phục, cùng một bài hát, cùng một điệu múa, cùng một đặc trưng ẩm thực. Ngày nay, người ta tìm kiếm, khai thác sự khác biệt, vì chính sự khác biệt sẽ tạo ra cảm xúc. Không thể có cảm xúc khi tất cả đều bị đúc khuôn, đồng phục. Từ cách tiếp cận đó, nông thôn mới sẽ có những nơi trở thành miền di sản, những miền quê đáng sống, đáng đến, đáng trở về. Nông thôn mới sẽ có những cộng đồng dân cư hồi sinh một cách mạnh mẽ, tấm lòng rộng mở hơn, hướng đến những giá trị mới mẻ hơn, sâu sắc hơn.

Cám ơn Hải Phòng, “ta yêu thành phố quê ta, như yêu chính những người thân yêu nhất”. Ta yêu làng quê ta, như yêu những người thân yêu nhất! Xây dựng nông thôn mới là cho chính mình và cho thế hệ mai sau.

Nội dung: Lê Minh Hoan

Thiết kế: Trương Khánh Thiện

Ảnh: Tùng Đinh - Đinh Mười