Bên cạnh đó, sự tham gia của các ngành liên quan đến nội dung hay chủ đề tiếp xúc cũng phải bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng đại diện ngành không thể trả lời ngay với cử tri tại Hội nghị mà ghi nhận, báo cáo.
Thu nhận những ý kiến chuyên sâu
Bên cạnh TXCT tại địa bàn ứng cử, từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND 3 cấp tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều hội nghị TXCT theo chuyên đề, bởi hình thức này có những ưu điểm nổi bật mà các hình thức tiếp xúc khác không có được. Theo đó, nếu như TXCT tại địa bàn ứng cử việc trả lời các ý kiến ngay tại buổi tiếp xúc bị hạn chế vì phạm vi rộng thì với cử tri thì với tiếp xúc chuyên đề đã khắc phục được tình trạng này. TXCT theo chuyên đề cũng giúp cho Thường trực HĐND tỉnh thu nhận được những ý kiến mang tính chất chuyên sâu về những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Chính vì vậy, những ý kiến phản ánh của cử tri nhận được không những đa dạng, phong phú mà còn tập trung có chiều sâu vào những vấn đề toàn xã hội đang đặc biệt quan tâm vào những thời gian, thời điểm khác nhau.
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: do những ưu điểm như trên, khi được mời tham dự tiếp xúc, rất nhiều cử tri thể hiện sự đồng tình vì được tạo cơ hội để nói lên tiếng nói mang tính chất đại diện của ngành, lĩnh vực mình; được tạo cơ hội để nắm bắt những vấn đề còn vướng mắc và chia sẻ với các cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn trong việc đáp ứng các mong muốn của cử tri; xác định rõ hơn nữa vai trò chủ động của mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp luật cho phép.
Bảo đảm chất lượng tham gia của các ngành liên quan
Theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, để hội nghị TXCT theo chuyên đề đạt kết quả cao thì việc chọn nội dung tiếp xúc là vấn đề quan trọng. Nội dung tiếp xúc chuyên đề có thể căn cứ vào thời điểm (ví dụ như TXCT chuyên đề về Giáo dục thường phải tổ chức trước khi bước vào năm học mới); cũng có thể tiếp xúc khi nguồn thông tin ý kiến cử tri cho thấy có một vấn đề mà dư luận đang quan tâm, bức xúc (việc chăm sóc sức khỏe của Nhân dân); hoặc TXCT nhằm nắm tình hình triển khai thực hiện một số chủ trương lớn của Đảng và nhà nước (đào tạo nghề, giải quyết việc làm…); hoặc tiếp xúc chuyên đề để nắm thông tin phục vụ cho việc ban hành các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh (TXCT chuyên đề bảo hiểm xã hội; cử tri ngành y tế để phục vụ cho việc ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút đối với cán bộ ngành y tế).
Khi xây dựng chương trình hội nghị, phải dự liệu được khả năng tại hội nghị tiếp xúc chuyên đề, cử tri sẽ quan tâm phản ánh những vấn đề gì; những nội dung nào là vấn đề bức xúc và liên quan đến trách nhiệm của những cơ quan nào, những vấn đề đã được trả lời nhưng khả năng cử tri sẽ tiếp tục phản ánh. Trên cơ sở đó, xác định thành phần tham dự bảo đảm chất lượng của hội nghị.
Về thành phần cử tri tham dự tiếp xúc chuyên đề phải là những cử tri đại diện (đây là một điểm khác biệt cơ bản với tiếp xúc tại địa bàn ứng cử), bởi lẽ quy mô của Hội nghị này không thể đáp ứng với yêu cầu tiếp xúc của tất cả cử tri chính vì vậy việc chọn lựa và mời cử tri tham dự phải có sự cân nhắc. Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai thường chỉ đạo Văn phòng phối hợp với cơ quan liên quan chính đến nội dung tiếp xúc để xác định thành phần và mời cử tri tham dự. Bên cạnh đó, phải bảo đảm về sự tham gia của các ngành liên quan đến nội dung hay chủ đề tiếp xúc. Sự tham gia này cũng phải bảo đảm về chất lượng, tránh tình trạng các ngành cử người tham dự Hội nghị (tức là bảo đảm về mặt số lượng) nhưng lại cử người không nắm rõ vấn đề. Do đó, khi cử tri phản ánh thì đại diện ngành không thể trả lời ngay với cử tri tại Hội nghị mà ghi nhận, báo cáo, điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng buổi tiếp xúc.
Cũng theo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, nếu như việc trả lời ý kiến cử tri thông qua hình thức trả lời bằng văn bản chỉ là những thông tin mang tính chất một chiều thì với tiếp xúc chuyên đề, cử tri có cơ hội gặp gỡ với lãnh đạo các ngành, cơ quan và đại diện UBND tỉnh, nghe trả lời và phản hồi thông tin về việc nội dung trả lời đã đầy đủ, thỏa đáng và đáp ứng với mong muốn của cử tri hay không. Tuy một số yêu cầu của cử tri nêu ra tại các buổi tiếp xúc chuyên đề chưa thể thực hiện do khó khăn về cơ chế chính sách, nguồn vốn thực hiện nhưng với việc tạo cơ hội cùng trao đổi và thảo luận đã giải tỏa những khúc mắc trong triển khai thực hiện các quy định chung. Từ đó, tạo một kênh thông tin, tuyên truyền đến cử tri để xác định các quyền và nghĩa vụ pháp luật cho phép.
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai với vai trò là Chủ tọa Hội nghị giữ vai trò chủ động điều phối tại hội nghị tiếp xúc, có ý kiến kết luận đối với những vấn đề có quan điểm khác nhau liên quan đến các nội dung trả lời; đồng thời, hướng cử tri phản ánh vấn đề trên tinh thần xây dựng để người phản ánh và người trả lời hiểu hơn về quyền, nghĩa vụ của mình.