Sáng 6/12, trong chương trình Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, 21 đại biểu HĐND thuộc các đơn vị bầu cử Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn tiến hành phiên thảo luận tại Tổ 4.

Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

bna-toan-canh-anh-thanh-le-3431.jpg.webp
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Thanh Lê

Giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia chậm

Tham gia thảo luận, 13 ý kiến liên quan đến nhiều nội dung trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các nội dung: Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, công tác giáo dục, vấn đề quản lý đất nông lâm trường,…

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực tạo động lực, đặc biệt đối với các huyện miền núi cao, nhất là an sinh xã hội được quan tâm, đặc biệt là chương trình nhà ở cho hộ nghèo; đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội ổn định...

Đại biểu Nguyễn Văn Hải nêu ý kiến do phụ thuộc vào thời tiết, sản lượng điện sản xuất của các nhà máy bị giảm sút, kéo theo tổng giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng của các huyện miền núi và của tỉnh. Do đó, đề nghị tỉnh không đưa chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

bna-a-hai-anh-thanh-le-4057.jpg.webp
Đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Thanh Lê

Đại biểu Nguyễn Văn Hải phản ánh tình trạng lao động nông thôn các huyện miền núi cao nói chung và Tương Dương nói riêng, đi làm ăn xa nhiều, dẫn đến nguồn nhân lực của địa phương vừa thiếu vừa yếu, ảnh hưởng việc thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn.

Liên quan đến khó khăn trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Hải phản ánh tình trạng nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, các công trình dự án ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vận chuyển khó khăn dẫn đến giá thành cao đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

bna-a-thong-anh-thanh-le-3706.jpg.webp
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Thanh Lê

Đại biểu cho rằng phát triển rừng đã ổn định, độ che phủ rừng tăng. Đối với rừng trồng, nhân dân mặn mà với cây keo để tạo nguyên liệu cho sản xuất lâm nghiệp nhưng đầu ra khó khăn. Người dân mong muốn nhà máy MDF tại Anh Sơn sớm đi vào hoạt động để giải quyết đầu ra về cây keo cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Hải phản ánh nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia tỷ lệ giải ngân đạt thấp. UBND tỉnh cần đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn sự nghiệp.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Âu (đơn vị bầu cử huyện Anh Sơn) cho biết: Nhân dân có nhiều kỳ vọng Dự án MDF sớm vào hoạt động, đáp ứng mong đợi của cử tri trên địa bàn.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các xã chưa về đích là các xã khó khăn. Tỉnh cần quan tâm có cơ chế hỗ trợ để các huyện, các xã khó khăn có điều kiện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Trần Thị Âu phản ánh tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm trường bàn giao lại gặp khó khăn, chậm tiến độ. Đề nghị các sở, ngành liên quan sớm giải quyết cho người dân.

bna-ngoc-anh-thanh-le-5628.jpg.webp
Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Thanh Lê

Liên quan đến việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc, đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh ( đơn vị bầu cử Quỳ Châu) cho rằng, kết quả giải ngân vốn các chương trình mục tiêu có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thời gian tới tỉnh cần có giải pháp giải quyết tình trạng vốn tồn đọng vốn; đi vào giải pháp cụ thể giải quyết từng vướng mắc. Do không giải ngân được nguồn vốn cho nên có nhiều dự án đã xảy ra tình trạng chuyển nguồn vốn. Vì vậy đề nghị cần ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư các dự án thiết yếu, cấp bách.

bna-a-son-anh-thanh-le-4696.jpg.webp
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề xuất chính sách hỗ trợ giao thông, phát triển nông nghiệp cho vùng miền núi. Ảnh: Thanh Lê

Đại biểu Vi Văn Quý (đơn vị Quỳ Hợp) cho rằng: Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân thấp, trong khi người dân mong chờ các dự án này triển khai và đưa vào hoạt động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều đáng bàn là quá trình thực hiện dự án chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Để hạn chế tình trạng một số địa phương trả vốn lại, tỉnh cần rà soát, đánh giá lại nội dung nào triển khai có hiệu quả nên tiếp tục, nội dung nào không hiệu quả nên dừng lại, hoặc chuyển đổi, tránh lãng phí nguồn lực. Đại biểu Quý đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân chuyển đổi sử dụng đất nông, lâm trường.

Quan tâm giáo dục miền núi

Liên quan đến vấn đề giáo dục vùng miền núi, đại biểu Đinh Hồng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng: Huyện miền núi cao đi lại khó khăn nhưng không có mô hình bán trú, học sinh phải ở trong nhà dân dẫn đến khó quản lý và nảy sinh nhiều vấn đề hệ lụy như: tảo hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đề nghị tỉnh nên tổ chức loại hình bán trú kiểu mới đảm bảo điều kiện cho học sinh cho các địa phương miền núi cao.

bna-avinh-anh-thanh-le-7042.jpg.webp
Đồng chí Đinh Hồng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đề xuất triển khai mô hình trường phổ thông trung học bán trú kiểu mới cho học sinh miền núi cao. Ảnh: Thanh Lê

Liên quan đến công tác giáo dục, đại biểu Moong Văn Tình (đơn vị Quế Phong) phản ánh khó khăn về cơ sở vật chất các trường học vùng miền núi cao. Một khó khăn chung của các huyện miền núi cao hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Đề nghị tỉnh cần có cơ chế chính sách để tạo điều kiện khuyến khích cho giáo viên Tiếng Anh công tác tại miền núi cao.

Ngoài ra ý kiến các đại biểu còn phản ánh về tăng cường quản lý về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách phát triển du lịch vùng miền núi; phát triển kinh tế dưới tán rừng vừa bảo vệ được rừng vừa phát triển kinh tế; giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, an sinh xã hội cho trẻ em vùng cao, chế độ giáo viên biệt phái...

bna-a-vit-tn-anh-thanh-le-5347.jpg.webp
Đồng chí Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời làm rõ những nội dung liên quan đến ngành quản lý. Ảnh: Thanh Lê

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu quan tâm. Giải trình đối với lĩnh vực khoáng sản khó khăn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc khai thác khoáng sản phải được cấp mỏ theo quy định. Liên quan đến vướng mắc này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa Luật Khoáng sản theo hướng phân cấp cho địa phương lựa chọn địa điểm phù hợp.

bna-dai-bieu-1-anh-thanh-le-5053.jpg.webp
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Thanh Lê

Giải trình ý kiến đại biểu phản ánh về vướng mắc chuyển đổi đất nông lâm trường, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các huyện để xây dựng phương án đối với từng trường hợp cụ thể. Sở phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí trích lục, trích đo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm trường cho người dân.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm.

Liên quan đến việc tổ chức mô hình bán trú cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nghệ An là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện mô hình bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các mô hình trường bán trú ở bậc tiểu học còn nhiều khó khăn, nhất là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị sinh hoạt.

bna-thay-loi-anh-thanh-le-4571.jpg.webp
Đồng chí Đào Quang Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi những vấn đề các đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Ảnh: Thanh Lê

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở đang phối hợp với các ngành liên quan đang xây dựng dự thảo chế độ hỗ trợ cho mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới trên địa bàn tỉnh, kể cả bậc tiểu học và trung học phổ thông. Đây là mô hình chưa có tiền lệ trong cả nước. Dự kiến năm 2024 sẽ trình hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu sẽ được HĐND tỉnh tổng hợp thông qua tại phiên thảo luận vào chiều nay 6/12.

Thanh Lê