Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; lãnh đạo thành phố Vinh; lãnh đạo huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh), Hội đồng Gia tộc họ Nguyễn Huy (Hà Nội) và Hội đồng Gia tộc họ Lê (Hưng Nguyên).

bna-1-3792.jpg
Các đại biểu dự lễ tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Công Kiên

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910, trên quê hương xứ Nghệ có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, 16 tuổi, đồng chí đã quyết chí dấn thân vào con đường cách mạng.

Từ năm 1926 - 1929, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham gia các tổ chức yêu nước và cách mạng như Tân Việt cách mạng Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên và có những đóng góp quan trọng cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

bna-4-197.jpg
Ban thờ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Công Kiên

Đầu năm 1930, đồng chí được Xứ ủy Trung Kỳ giới thiệu ra Bắc Kỳ rồi sang Trung Quốc, làm việc tại Văn phòng Chi nhánh Đông Phương Bộ của Quốc tế cộng sản. Năm 1935, được cử vào đoàn đại biểu chính thức tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII tại Moskva.

Năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về nước, hoạt động tại Xứ ủy Nam Kỳ và được Trung ương Đảng chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng Nam Kỳ giai đoạn 1936-1940.

bna-3-9467.jpg
Các đại biểu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Công Kiên

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai gặp gỡ, yêu thương và kết hôn với đồng chí Lê Hồng Phong. Kết quả của tình yêu ấy là sự chào đời của bé Lê Nguyễn Hồng Minh. Nhưng khi con chưa tròn tháng tuổi, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vì yêu cầu nhiệm vụ đã trao gửi con lại cho các ba, các má ở cơ sở Mười Tám, thôn vườn trầu để đi làm cách mạng.

Ngày 30/7/1940, khi đang cùng Xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang, Nguyễn Thị Minh Khai sa vào tay giặc. Đồng chí bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn, kẻ thù ra sức tra tấn nhưng không thể lay chuyển nổi ý chí gang thép, bản lĩnh cách mạng kiên cường của một người phụ nữ bất khuất, kiên định. Qua 2 phiên tòa xét xử, Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn kết án Nguyễn Thị Minh Khai mức án tử hình.

bna-5-2189.jpg
Các đại biểu tham quan gian trưng bày tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Công Kiên

Rạng sáng ngày 26/8/1941 (tức ngày 4/7 năm Tân Tỵ), thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại Nhà thương Giếng Nước, nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 82 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, các đại biểu bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của một người con ưu tú quê hương xứ Nghệ, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, người đã hy sinh trọn đời cho Tổ quốc. Cầu nguyện cho hương hồn đồng chí an nghỉ vĩnh hằng, siêu thoát, phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no, hạnh phúc, cho tỉnh Nghệ An phát triển giàu mạnh.

Công Kiên