Sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các Ban và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp để giải quyết các vấn đề, nội dung đã được các sở, ngành hứa tại kỳ họp.

Quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

1X0B7866.JPG
Toàn cảnh kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đến vấn đề định hướng chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp để nâng cao giá trị, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất sản xuất. Cùng với đó là cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho người dân miền núi; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất kích thích trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cần quan tâm khôi phục lại chức danh thú ý cơ sở; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới; vấn đề giao đất giao rừng, tạo kế sinh nhai cho người dân vùng miền núi; hỗ trợ người dân trong việc đầu tư tàu cá, ngư lưới, ngư trường, việc khai thác gắn với tiêu thụ sản phẩm hải sản…

Trong phạm vi thẩm quyền quản lý, đại biểu Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình và hứa sẽ giải quyết một số vấn đề. Kết quả, sau kỳ họp, Sở đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, giao các phòng, ban đơn vị thực hiện các nội dung, công việc để tham mưu Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí thông qua tại Thông báo số 385-TB/TU ngày 01/10/2021. Tham mưu để UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030” tại Quyết định số 3826/QĐ-UBND, ngày 18/10/2021.

1cc97d18f8dd33836acc.jpg
Ông Nguyễn Văn Đệ - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Song song với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, trong đó có bổ sung 2 chức danh hoạt động không chuyên trách về công tác thú y và bảo vệ thực vật cấp xã, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp 4, dự kiến tổ chức từ ngày 7 - 9/12/2021. Đồng thời rà soát, tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh xem xét, thông qua dự nghị quyết về quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025, gồm 9 nhóm chính sách, như: chính sách hỗ trợ phát triển trồng trọt; hỗ trợ phát triển chăn nuôi thú y; hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; hỗ trợ phát triển thủy sản; hỗ trợ sản xuất muối; hỗ trợ tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả và cỏ trồng tập trung; hỗ trợ máy nông nghiệp; hỗ trợ chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chính sách hỗ trợ tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiến độ giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, kết quả giao rừng gắn với giao đất đã thực hiện là 124.849,41/265.771 ha rừng, đạt 46,97% so với đề án được duyệt, với kinh phí cấp 56,894/108,414 tỷ đồng, bằng 52,47% so với đề án được duyệt. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiếu kinh phí, cho nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp kéo dài đến năm 2023. Các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, dù trong điều kiện dịch Covid-19, nhưng với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, sự sáng tạo của các địa phương, dự kiến năm 2021 có 20 xã đạt chuẩn NTM; 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực thì ở một số nội dung đã được nêu tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh vừa qua vẫn chưa rõ các giải pháp để xử lý một cách cụ thể, quyết liệt. Ví dụ như công tác quản lý giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới chỉ đề cập đến việc chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các hành vi vi phạm; tuy nhiên công tác này theo báo cáo của Sở hàng năm vẫn triển khai, nhưng “mảng” này vẫn đang đặt ra nhiều băn khoăn, bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, việc khắc phục và di dân đối với 26 điểm sạt lở, kể cả việc thực hiện các dự án tái định cư cho người dân vùng thiên tai, sạt lở, biên giới trên địa bàn tỉnh được đại biểu HĐND tỉnh đề cập tại phiên thảo luận chưa có chuyển biến mới. Đây là những vấn đề mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Giải pháp xử lý các vướng mắc thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường

Phiên thảo thảo luận hội trường tại kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh, vấn đề đất đai, môi trường tiếp tục được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra. Đáng quan tâm là giải pháp xử lý các vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhất là đối với gần 12.000 trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền; giải quyết ô nhiễm môi trường tại Công ty cổ phần Minh Thái Sơn tại khu công nghiệp Nam Cấm và bãi rác Nghi Yên; tranh chấp đất đai tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp…

100c2b6ea9ab62f53bba.jpg
Ông Hoàng Quốc Việt - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường giải trình làm rõ các khó khăn, bất cập thuộc lĩnh vực quản lý của ngành và hứa giải quyết sau kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, sau kỳ họp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc các phòng, ban hoàn thiện dự thảo và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND về cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành với nhiều quy định mới mang tính đột phá, như giải quyết quyền lợi, cấp bìa đất cho người dân thuộc trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền; xử lý tình trạng một số cá nhân mua đất của các hộ dân có diện tích lớn để sau đó phân lô bán giống như các dự án bất động sản tại một số địa phương, gây quá tải về hạ tầng điện, giao thông, môi trường… Quyết định này cũng quy định cho phép ủy quyền trong việc duyệt và ký cấp GCNQSD đất; thay vì thẩm quyền của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, nay ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp thuộc Sở và các chi nhánh cấp huyện. Việc ủy quyền này sẽ cải cách một bước về quy trình, rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân trên phạm vi toàn tỉnh.

Cùng với tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham vấn Tổng cục Quản lý đất đai xây dựng dự thảo quy định: Đối với trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền từ ngày 1 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 1 tháng 7 năm 2014, giao Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm làm rõ, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật trước hoặc sau khi cấp GCN. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục vào cuộc trong việc xử lý tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với lâm trường Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp; xử lý tình trạng ô nhiễm Công ty cổ phần Minh Thái Sơn tại khu công nghiệp Nam Cấm và bãi rác Nghi Yên; trong đó đã đề nghị UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, địa phương, đơn vị thực hiện từng nội dung cụ thể, đảm bảo hiệu quả trong giải quyết các bức xúc, tránh tình trạng đùn đẩy trong giải quyết khó triệt để. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành kêu gọi, thu hút các dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm giải quyết vấn đề bức xúc về rác thải rắn, rác thải sinh hoạt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực, tuy nhiên các vấn đề nêu trên đều là những vấn đề khó, tồn tại trong thời gian dài. Bởi vậy, một số ý kiến cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường cần có quyết tâm cao, quyết liệt trong tham mưu, chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là có phương án phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp, đảm bảo các tồn tại được xử lý triệt để trong thời gian tới, góp phần yên dân và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên - môi trường.

Cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường, sau kỳ họp, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông và Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã, đang tập trung xử lý các vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh nêu thuộc lĩnh vực ngành quản lý cũng như thực hiện lời hứa của mình tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

MINH HÀ