- Cử tri Vi Văn Tuyển, bản Luồng Lạnh, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu (số điện thoại: 0392883984) phản ánh công tác cai nghiện tại cộng đồng hiệu quả thấp, tỷ lệ tái nghiện cao. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu không tổ chức cai nghiện tại cộng đồng mà đưa đi cai nghiện tập trung tại các trung tâm cai nghiện, đồng thời quan tâm tạo việc làm cho người nghiện sau cai.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Về đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu không tổ chức cai nghiện tại cộng đồng mà đưa đi cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện. Mặc dù hiệu quả công tác cai nghiện tại cộng đồng còn hạn chế, song không bỏ được hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vì những lý do sau:
+ Hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là một trong những hình thức cai nghiện ma túy được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2020 và Nghị định số 116/2001/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống ma túy, Luật vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó quy định nếu người nghiện ma túy không tự nguyện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng sẽ lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy.
+Qua thực tiễn triển khai tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thời gian qua đã chứng tỏ rằng hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng phù hợp với người mới nghiện ma túy và người nghiện nhẹ. Hình thức cai nghiện này dựa vào cộng đồng và nhằm mục đích xã hội hóa công tác cai nghiện.
+ Thông qua công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về tác hại ma túy, nghiện ma túy. Từ đó góp phần ngăn ngừa người nghiện mới;
+ Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền cấp xã, cấp huyện trong công tác phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện phục hồi nói riêng. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là để người nghiện được gia đình, người thân có điều kiện ở gần để thường xuyên động viên, hỗ trợ trong cai nghiện.
Hiện nay, quy mô tiếp nhận của 8 Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh khoảng 1.700 học viên, vì vậy, nếu không triển khai hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà tập trung đưa đi cai nghiện bắt buộc sẽ dẫn đến các Cơ sở cai nghiện quá tải trong việc tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy. Vì vậy, việc tiếp tục duy trì hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn.
- Cử tri đề nghị quan tâm tạo việc làm cho người nghiện sau cai: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện ma túy sau cai nghiện đã được quan tâm và đạt một số kết quả tích cực. 09 tháng đầu năm 2022 , 08 Cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức dạy nghề cho 804 học viên/928 học viên, đạt 86,7% chỉ tiêu. Hàng năm, các địa phương mặc dù đã được UBND tỉnh giao chỉ tiêu dạy nghề cho người nghiện ma túy sau cai nhưng các địa phương chưa tổ chức dạy nghề cho người nghiện ma túy sau cai trong chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngành Lao động phối hợp với Ngân hàng chính sách đã cho 27 người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện ma túy sau cai vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền 740 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai. Tuy nhiên, so với số người nghiện ma túy sau cai vẫn còn hạn chế vì những nguyên nhân sau:
+ Theo quy định khoản 3, Điều 4, Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 của UBND tỉnh quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An: Học viên chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học nghề mức tối đa 2.000.000 đồng/01 người/01 khóa học, không hỗ trợ tiền học nghề cho học viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc từ lần thứ hai trở đi và đã được học nghề.
+ Định mức học nghề theo quy định còn thấp, thời gian đào tạo ngắn (dưới 03 tháng) nên chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh;
+ Chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai, cũng như lồng ghép trong các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế để tạo điều kiện cho người nghiện ma túy sau cai tiếp cận chính sách vay vốn, tạo việc làm;
+ Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ gia đình trong việc sử dụng lao động là người nghiện ma túy sau cai; bên cạnh đó các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn e ngại trong việc tiếp nhận lao động là người nghiện ma tuý sau cai tái hoà nhập cộng đồng.
+ Người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện ma túy chưa có phương án kinh doanh phù hợp theo yêu cầu của Ngân hành chính sách nên số tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi của nhà nước còn hạn chế
+ Một số người nghiện ma túy sau cai không có nhu cầu học nghề, lười lao động nên không tìm việc làm.
- Giải pháp thực hiện trong thời gian tới:
+ Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về hỗ trợ cho người nghiện ma túy sau cai tìm được việc làm; vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhận người sau cai vào làm việc.
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống, chống ma túy nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng, người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện ma túy tự giác khai báo tình trạng nghiện và tự nguyện đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp;
+ Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, trang bị cho người sau cai nghiện kỹ năng phòng, chống ma túy, từ chối sử dụng lại ma túy;
+ Nâng cao chất lượng công tác dạy nghề cho người nghiện ma túy, hỗ trợ tạo việc làm sau cai nghiện ma túy. Phối hợp Ngân hành chính sách tỉnh hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy và gia đình có người nghiện sau cai được vay vốn sản xuất kinh doanh;
+ Thành lập các điểm tư vấn hỗ trợ về công tác cai nghiện ma túy, giúp người nghiện ma túy sau cai được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp kịp thời để phòng, chống tái nghiện;
+ Tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng.
- Cử tri xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân được tận dụng cát tại các bãi bồi ven sông của xã để xây dựng giao thông bê tông nội bản, nội đồng.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 82 Luật khoáng sản thì thẩm quyền cấp phép khoáng sản có 02 cấp: Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh; về trình tự thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản (kể cả cát sỏi các bãi bồi ven sông) đều thực hiện theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.
Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường không có cơ sở tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn người dân được khai thác tận thu cát sỏi theo kiến nghị. Hiện nay, Chính phủ đang sự thảo sửa đổi Luật khoáng sản 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến góp ý đưa nội dung này vào văn bản luật, để có cơ sở áp dụng trong thực tiễn theo kiến nghị của cử tri.
- Cử tri xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu đề nghị UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét cho xã Châu Bính được hưởng các chế độ chính sách như các xã thuộc Chương trình 135.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã Khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2016 – 2020: xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu là xã Khu vực III, thuộc diện hưởng các chính sách đối với xã đặc biệt khó khăn của Chương trình 135 (thực hiện theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ).
Từ năm 2021 đến nay, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025 (Quyết định số 1718/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách sác xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thì xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu là xã khu vực I. Vì vậy, mặc dù là xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng xã khu vực I không được thụ hưởng các chính sách như xã khu vực 3 (xã đặc biệt khó khăn).
UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp báo cáo Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ xem xét để người dân các xã thuộc khu vực I được hưởng một số chính sách an sinh xã hội nhằm giảm bớt khó khăn. Khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy định.