Điều kiện sống bất an
Theo các hộ dân, trước đây, khi chưa có dự án Khu đô thị mới Handico 30 và đường Lê Mao, khu vực khối 2 Tân Phượng vì gần sông Vinh và xung quanh địa hình thấp hơn nên ít khi bị ngập. Thế nhưng, từ khi có đường Lê Mao và các dự án nhà ở xung quanh tôn nền cao thì khu vực từ đường Lê Mao kéo dài hiện tại ra đến sông Vinh gần 400 m trở thành điểm sâu trũng, như túi đựng nước thải mỗi khi mưa xuống.
Ngôi nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Khương xuống cấp và là điểm ngập sâu nhất mỗi khi mưa xuống. Ảnh: Nguyễn Hải
Bà Trần Thị Nghĩa, một hộ dân ở đây sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng, giới thiệu từng vị trí nhà bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn, cho biết: Mưa vừa thì chỉ lo kê kích xe cộ nhưng gặp mưa lớn, ngập sâu hàng mét thì phải kê kích đồ đạc và di dời. Mỗi lần ngập lau rửa nhà cửa, đồ đạc vất vả vì nước chủ yếu là nước thải có mùi hôi và màu đen rất bẩn.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết: Địa hình khu vực này khá sâu và các mương thoát không có. Đã vậy, mỗi khi có mưa lớn, nước theo các mương thoát xung quanh đổ về nên ngập nhanh và sâu. Đợt ngập nhanh nhất thì 2 ngày và lâu nhất là 7 ngày mới rút. Lần gần đây nhất là trận mưa giữa tháng 11/2022, khu vực này ngập sâu cả mét, phường phải huy động lực lượng di chuyển, kê kích đồ đạc cho bà con; đồng thời đề xuất với thành phố dùng bơm dã chiến công suất lớn để bơm nước ra sông Vinh.
Căn nhà tạm bợ của hộ ông Trần Văn Trường hiện có 3 thế hệ sinh sống, diện tích đất lên tới 1.200m vuông nhưng không thể chia đất cho con làm nhà hay nâng cấp. Ảnh: Nguyễn Hải
Theo quan sát của phóng viên, do địa hình sâu, bị bao bọc bởi các dự án nhà cao tầng, phần lớn khu vực này là nhà cấp 4 xây dựng từ những năm 1970 và 1980, thường xuyên bị mưa lụt nên hiện xuống cấp nặng. Vì lý do an toàn, nhiều hộ đã kiến nghị phường cho nâng cấp, sửa chữa nhưng không được chấp thuận.
Ông Trần Văn Trường - một hộ dân ở đây cho biết: Từ khi đường Lê Mao kéo dài thi công đến phía sau nhà, mỗi năm nhà tôi ngập lụt từ 2-3 lần, đồ đạc trong nhà cũng nhanh chóng xuống cấp hơn. Gia đình ở trên khu đất 1.200m vuông hơn 40 năm nay, mấy gian nhà cấp 4 đã xuống cấp nặng nhưng không được sửa chữa. Gia đình có 3 thế hệ với 5 cặp gia đình vợ chồng con cháu nhưng không thể tách hộ, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm nhà, cuộc sống chung vô cùng khó khăn, cơ cực. Các con đã lớn nhưng nhà cửa xập xệ, ẩm thấp, bình thường thì không sao nhưng gặp thời tiết mưa lớn thì luôn lo lắng, thấp thỏm.
Bà Trần Thị Nghĩa cho biết, gia đình đã sống trong cảnh chờ đợi bao nhiêu năm nay và mong muốn được tái định cư, di dời sớm để ổn định cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Hải
Cách đó không xa là gia đình bà Nguyễn Thị Khương ở vị trí thấp nhất khu vực. Chồng bà mất cách đây chưa lâu và nhà chỉ có 2 gian cấp 4 tạm bợ nên phải dành 1 gian để lập bàn thờ, còn hai mẹ con bà phải dựng lán ngoài sân để ăn uống, sinh hoạt. Gia đình bà ở cuối xóm và xung quanh là đất san lấp đường và Khu đô thị thi công dang dở bao bọc nên hễ mưa xuống là ngập. Để phòng xa, bà Khương phải chở vật liệu thải xây dựng làm 1 nền cao bên cạnh phòng khi mưa lớn, nhà ngập thì di chuyển đồ đạc lên. Khi nói đến đây, khóe mắt bà Khương đỏ hoe: Làm nông khổ quen rồi nhưng ở ngay cạnh Khu đô thị mới mà có một khu dân cư còn khổ hơn dân vạn chài, nước thì đen ngòm, hôi thối…
Ở một góc khác, căn nhà cấp 4 của ông Trần Văn Lý phải che bằng bạt để chống mưa dột. Ảnh: Nguyễn Hải
Các hộ ở trong vùng bị ảnh hưởng sống khổ cực, bất an đã đành nhưng hộ anh Nguyễn Hùng lại tréo ngoe không kém. Nguyên do là anh mua đất khu vực gần đường Lê Mao kéo dài và đã được cấp giấy chứng nhận QSD từ năm 2012. Ban đầu khu đất không bị ảnh hưởng nên năm 2018 anh chuẩn bị làm nhà, thủ tục thiết kế xong nhưng khi xin giấy phép xây dựng, với lý do thành phố thay đổi quy hoạch, mở rộng đường nên ảnh hưởng đến khu đất của anh. Thế nhưng, từ đó đến nay, đường không thấy đâu, tiền đền bù không thấy và nhà không thi công được; gia đình phải đi thuê ở trong khu nhà tạm gần đó khá ẩm thấp, sinh hoạt vô cùng bất tiện…
Các con trai ông Trần Văn Trường đang tranh thủ sửa lại căn nhà phụ trong gia đình để hạn chế nước thấm dột mỗi khi mưa xuống. Ảnh: Nguyễn Hải
Trong khi đó, do đã quen với địa bàn và bản thân dự nhiều buổi tiếp xúc, kiến nghị liên quan đến dự án nên khi được hỏi, ông Nguyễn Văn Nhạc, khối trưởng khối 2 Tân Phượng cười chua chát: Khó khăn cực nhọc của 28 hộ khối 2 Tân Phượng sau hơn 10 năm chờ đợi không thể nói hết. Khối và phường nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng không biết khi nào mới thấu và được giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, đa số các hộ dân đều mong muốn dự án thi công trở lại càng nhanh càng tốt, phường và thành phố cần nhanh chóng có phương án đền bù, hỗ trợ để tái định cư người dân về nơi ở mới.
Chờ đợi đến bao giờ?
Theo thiết kế, đường Lê Mao kéo dài, từ điểm đầu đường Trần Phú đến bờ sông Vinh khoảng 1,5 km được đầu tư theo hình thức BT, chủ đầu tư là Tổng Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Hà Nội Handico 30. Theo đó, Handico30 sẽ thi công tuyến đường trên và đổi lại tỉnh dành quỹ đất tương đương với giá trị công trình để Handico30 làm dự án Khu đô thị. Tuy nhiên, sau khi thi công xong đoạn từ ngã tư Trần Phú đến đường vào dự án Khu đô thị mới hiện nay và đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng, đoạn từ cổng dự án Khu đô thị mới đến bờ sông Vinh thuộc địa phận khối 2 Tân Phượng (Vinh Tân) thì chính sách đầu tư BT bị dừng lại.
Vị trí ban đầu mà nhà đầu tư định bố trí tái định cư cho các hộ dân nếu dự án được thi công theo hình thức BT nhưng nay đã dừng lại và buộc phải tìm vị trí mới. Ảnh: Nguyễn Hải
Theo phương án ban đầu, nếu thi công theo hình thức BT, Handico 30 đã có phương án dành quỹ đất bố trí cho 28 hộ dân bị ảnh hưởng được tái định cư khu vực xung quanh đó. Tuy nhiên, do đầu tư theo BT bị dừng lại và thời điểm đó mặc dù Handico 30 đã thi công nhưng buộc phải dừng lại để chuyển sang hình thức đầu tư công. Thế nhưng, do thành phố thiếu nguồn vốn nên dự án cũng dừng lại từ đó đến nay.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Chủ tịch UBND phường Vinh Tân chia sẻ: Hiện tại, dự án đường Lê Mao kéo dài chuyển sang đầu tư công có thuận lợi là do Nhà nước đầu tư và hiện dự án đang được thành phố lập báo cáo khả thi, dự kiến đến quý III năm 2023 sẽ làm thủ tục đấu thầu và phấn đấu thi công trong năm 2024. Tuy nhiên, thách thức là phần lớn các hộ dân bị ảnh hưởng đều muốn tái định cư tại phường. Vì vậy, theo chỉ đạo của UBND thành phố, phường sẽ họp dân thông báo về chủ trương tái khởi động dự án trên cơ sở khảo sát, nắm lại tâm tư nguyện vọng của người dân và tổ chức kiểm đếm, lập hồ sơ đền bù lần nữa.
Theo tìm hiểu, mặc dù khảo sát trước đây là 28 hộ dân nhưng sau hơn 10 năm, số hộ đã tăng lên nên phải khảo sát, kiểm đếm lại. Vì vậy, dự kiến quỹ đất tái định cư cho khu vực này khoảng 16.000m2 và phường Vinh Tân hiện không còn vị trí nào như trên nên thành phố đang tìm kiếm.
Dự án đường Lê Mao kéo dài dừng lại trước cổng vào Khu đô thị mới hơn 10 năm nay và chưa biết khi nào khởi động và thi công tiếp. Ảnh: Nguyễn Hải
Đại diện UBND phường Vinh Tân cho biết: Thi công dự án đường Lê Mao kéo dài không chỉ là mong muốn, nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền mà còn của người dân phường. Ngoài việc góp phần nâng cấp hạ tầng đô thị cho phường còn vì cuộc sống an toàn của các hộ dân khu vực này. Phường ghi nhận, chia sẻ nguyện vọng của các hộ dân là được tái định cư tại khu vực gần nơi ở cũ nhưng xuất phát từ điều kiện hiện tại, các hộ dân cần cộng tác, chia sẻ để cân nhắc các phương án khác của thành phố như nhận tiền đền bù để mua đất làm nhà hoặc tái định cư ở những nơi khác xa hơn vì hiện tại quỹ đất ở khu vực Lê Mao kéo dài đã cạn.
Từ Khu đô thị mới nhìn sang khu vực 28 hộ dân đang chờ thi công đường để di dời tái định cư. Nơi đây nếu dự án hoàn thành sẽ là điểm nhấn cho đô thị phường Vinh Tân. Ảnh: Nguyễn Hải
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Vinh cho biết: Dự án đường Lê Mao kéo dài đang được gấp rút làm hoàn chỉnh thủ tục để trình UBND thành phố ngay trong tuần này. Sau nhiều năm chờ đợi và đồn đoán, dự án đã khởi động lại nhưng hoàn thành sớm hay muộn tùy thuộc vào nguồn lực của thành phố và tỉnh, bên cạnh đó là sự chia sẻ, cộng tác của các hộ dân. Bởi theo chúng tôi được biết, giá đất tính thuế khu vực này hiện chỉ khoảng 4 triệu/m2 nhưng giá bán trên thị trường đã hàng chục triệu đồng/m2. Các hộ bị ảnh hưởng phải di dời có nhiều hộ bình quân diện tích đất từ 700-1.000m vuông, cao nhất lên tới 1.200m vuông nên kinh phí đền bù, di dời dân thực sự là thách thức.
Nguyễn Hải