Tham dự buổi làm việc có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội & HĐND tỉnh, cùng đại diện các sở: Nội vụ, Tài chính, Xây dựng, Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Dân tộc và Tôn giáo và Văn phòng UBND tỉnh.

Cùng tham dự có các đồng chí Thường trực Huyện ủy Thanh Chương và các phòng, ban liên quan.

bna_thanh-chuong-8.jpg
Tổ công tác rà soát, định hướng sắp xếp đơn vị hành chính làm việc với huyện Thanh Chương. Ảnh: Thành Cường

Chủ động rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính

Tại buổi làm việc, Tổ công tác đã kiểm tra, đánh giá thực trạng và cho ý kiến đối với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường; phương án bố trí đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính; phương án sắp xếp, sử dụng tài sản công; phương án đặt trụ sở đơn vị hành chính mới và các đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp.

Tổ công tác cũng đã nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương trong quý I/2025. Trong đó, tập trung vào tình hình thu, chi ngân sách nhà nước; kết quả giải ngân vốn đầu tư công; kế hoạch sử dụng đất năm 2025; công tác đấu giá quyền sử dụng đất; công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT...

bna_thanh-chuong-1.jpg
Đồng chí Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Trong quý 1 năm 2025, huyện Thanh Chương tiếp tục bám sát chỉ đạo cấp trên, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo kế hoạch đã đề ra.

Về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, huyện Thanh Chương có 518 hộ gia đình chính sách thuộc diện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, trong đó có 178 hộ được hỗ trợ xây mới, 340 gia đình được hỗ trợ sửa chữa. Đến thời điểm hiện nay đã khởi công xây mới, sửa chữa 118 nhà.

bna_thanh-chuong-5.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách, gia đình khó khăn về nhà ở, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực vào cuộc; chỉ đạo 29/29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ký cam kết khởi công trước ngày 30 tháng 4, và hoàn thành trước ngày 30/7, đảm bảo tiến độ của tỉnh giao.

Thanh Chương là huyện miền núi có 29 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 27 xã miền núi, biên giới và 2 xã đồng bằng; quy mô dân số 273.207 người, trong đó có 12.050 đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu tập trung tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, với diện tích 1126.92 km².

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị, huyện Thanh Chương đã xây dựng phương án dự kiến sắp xếp, bố trí đơn vị hành chính, bố trí cán bộ sau sắp xếp báo cáo tổ công tác. Dự kiến tên gọi đơn vị hành chính mới dựa trên cơ sở tôn trọng lịch sử, dễ đọc, dễ nhớ và đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân trên địa bàn. Trung tâm hành chính dựa trên tiêu chí có vị trí thuận lợi cho người dân, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, giao thông thuận lợi và phù hợp với định hướng phát triển của địa phương sau sắp xếp.

bna_q2(1).jpg
Biểu đồ: Thành Cường

Sau khi có Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính, quy định số lượng, tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền, huyện Thanh Chương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức để sắp xếp, bố trí.

bna_thanh-chuong-4.jpg
Đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đã tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xây dựng như: quan tâm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xếp hạng các di tích phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; quan tâm đến quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đảm bảo có tính kế thừa quy hoạch hiện có, phù hợp kết nối vùng; tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trên địa bàn trước bỏ cấp huyện; lưu ý quan tâm đến sắp xếp, các cơ sở giáo dục;...

Quyết liệt hơn, cụ thể hơn

Trên cơ sở báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025, phương án sắp xếp đơn vị hành chính của huyện Thanh Chương và ý kiến của các đại biểu tham dự buổi làm việc, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy và các phòng ban liên quan.

Quý I/2025, mặc dù có nhiều biến động, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Chương ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Triển khai kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

bna_-49.jpg
Đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cần phải làm quan tâm đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, năm 2025, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu phát triển tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu 10,5%, vì vậy, để đạt được mục tiêu, các huyện, thành, thị xã, trong đó có huyện Thanh Chương cần phải quyết liệt hơn, cụ thể hơn nữa trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. Tập trung giải ngân dứt điểm các công trình, dự án; đẩy nhanh giải quyết những điểm nghẽn trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm công tác hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, đảm bảo kế hoạch, tiến độ đã đề ra.

Về công tác sắp xếp, trên tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương bám sát các tiêu chí đã ban hành, rà soát, xây dựng phương án tối ưu, làm sao đơn vị hành chính mới gần dân, sát dân, phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội, địa lý tự nhiên.

Nghiên cứu kỹ, thấu đáo, hợp tình, hợp lý, đảm bảo yếu tố khoa học trong sáp nhập; quan tâm đến việc đặt tên, sắp xếp tài sản dôi dư. Đặc biệt, lưu ý bố trí trung tâm hành chính phù hợp với quy hoạch của vùng, đảm bảo khả năng vận hành của chính quyền mới sau sáp nhập.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên.