Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu từng giải pháp thực hiện các chính sách phải được tính toán kỹ lưỡng, sát với thực tế để khi Quốc hội quyết định thông qua, dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ phát huy tối đa hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An):

Cần thêm giải pháp tác động ngay

van-chi-1478512273373.jpg

Với gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% để hỗ trợ cho doanh nghiệp tương đương khoảng 40.000 tỷ đồng, tôi cơ bản nhất trí với đối tượng được hỗ trợ như lĩnh vực du lịch, lưu trú… Tuy nhiên, đối với lĩnh vực sản xuất phần mềm, lập trình máy vi tính và các hoạt động liên quan, tôi còn băn khoăn. Nếu nói là tăng cường chuyển đổi số thì phải là đầu tư công, còn hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phần mềm, lập trình máy tính, thì đối tượng này thời gian qua không chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về các phương án huy động nguồn vốn, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã tính đến phương án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách. Cơ quan trình cũng đã báo cáo rõ tính khả thi và khả năng triển khai phương án huy động. Việc huy động nguồn vốn còn phụ thuộc vào thực tế thực hiện, như tiến độ giải ngân, khả năng hấp thụ… Không nhất thiết phải thực hiện hết các phương án đưa ra. Bên cạnh đó, Chính phủ đưa ra giải pháp đẩy mạnh cải cách thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng… Các giải pháp này đã được nêu qua các năm, năm nào cũng có, lúc nào cũng thực hiện.

Tuy nhiên, tôi mong muốn có giải pháp mang tính tác động ngay lập tức. Ví dụ như giải pháp về sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để thực hiện tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không nên khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá… Đây là giải pháp làm được và mang tính tích cực cho xã hội. Nếu nội dung này đưa được ngay vào trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để triển khai thì sẽ rất tốt, mang lại nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài ra còn có giải pháp mà các chuyên gia đề nghị là tăng thuế suất trên số lần giao dịch chứng khoán. Hiện nay, Nhà nước thu là 0,1% tính trên giá trị của một giao dịch. Trong khi đó, công ty chứng khoán thu phí 0,3%. Nếu Nhà nước tăng thu thêm 0,1% thì sẽ thu được 10 nghìn tỷ đồng trên giá trị giao dịch của một năm. Triển khai chính sách này cũng rất kịp thời và có thể làm trong ngắn hạn (năm 2022) để có thêm ngân sách cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình):

Tính toán sát với thực tế

Phan%20Duc%20Hieu%20-%20Quang%20Khanh.jpg Ảnh: Quang Khánh

Tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội chỉ xem xét, quyết định các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, khi thảo luận về các chính sách tài khóa, tiền tệ, đại biểu Quốc hội phải quan tâm tới các chi tiết trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để quyết đáp chính xác quy mô, giải pháp thực hiện gói chính sách.

Hiện nay, giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra còn một số điểm có ý kiến khác nhau như việc tính toán chi tiết dự kiến quy mô các gói hỗ trợ. Đây là việc rất khó nhưng lại rất quan trọng để làm căn cứ cho Quốc hội quyết định. Ví dụ, việc tính toán số tiền nhà nước bỏ ra để chi cho gói chính sách hỗ trợ về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí là rất khó, nhưng mong muốn của cơ quan thẩm tra là Chính phủ tính toán được càng sát với thực tế thì sau khi Quốc hội quyết định, việc tổ chức thực thi chính sách sẽ càng tốt. Nếu không tính toán sát thực tiễn thì đến khi thực hiện, khoản chi từ ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ bị “đội” lên và khó xử lý kịp thời. Hay với chính sách miễn giảm thuế VAT, quan điểm của cơ quan thẩm tra là mong muốn giảm mạnh nữa, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên nhằm giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp thay vì giảm đại trà với mức giảm nhỏ.

Bản chất của chương trình là hỗ trợ tức thời, trong thời gian ngắn hạn nhằm tạo dư địa cho sự phục hồi nên các gói hỗ trợ, các chính sách đưa ra lần này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn khoảng 2 năm. Như vậy, các gói hỗ trợ này phải được hấp thụ trong 2 năm, nếu trong thời gian đó mà không hấp thụ được thì sẽ không đạt mục tiêu. Vì vậy, điều mà tôi quan tâm nhất là khả năng hấp thụ của các chính sách hỗ trợ. Tiền dành cho hỗ trợ là rất lớn nhưng phải giải ngân được ngay là bài toán khó.

Trong các khoản hỗ trợ mà Chính phủ đề xuất lần này có khoản chi trực tiếp từ NSNN để đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Điều mà nhiều người quan ngại hiện nay là khả năng hấp thụ khoản chi này. Chính phủ đã rà soát rất kỹ danh mục chi đầu tư về cơ sở hạ tầng, tuy nhiên tôi cũng mong muốn trong danh mục chi đầu tư về cơ sở hạ tầng, Chính phủ bám sát các tiêu chí, nguyên tắc mà Ủy ban Kinh tế đã nêu trong báo cáo thẩm tra. Nếu có thể thì Chính phủ nên bổ sung 2 cột chú thích vào danh mục các dự án được chi đầu tư phát triển trong chương trình lần này, nêu rõ các dự án này đáp ứng tiêu chí nào trong các tiêu chí mà cơ quan thẩm tra nêu, nhằm tăng tính thuyết phục với đại biểu Quốc hội.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội):

Giữ vững ổn định vĩ mô và kiên định mở cửa thị trường

ong_loc.jpg

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta để không lỡ nhịp với xu hướng chung của thế giới. Nguồn lực để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ được Chính phủ đề xuất (291 nghìn tỷ đồng) là phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, với khả năng “chịu đựng” của hệ thống tài khóa và tiền tệ nước ta. Vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để thực hiện cho tốt. Đồng thời, triển khai các chính sách phải bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiên định mở cửa thị trường. Không mở cửa thị trường kiểu “tắt bụp” vì sẽ gây hại rất lớn cho các hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ đột phá vào chính sách, cải cách thủ tục hành chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Mạnh dạn mở cửa thị trường, hàng không, du lịch… phải kèm theo các biện pháp y tế, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Những chính sách hay thủ tục hành chính đặc thù được thí điểm trong hai năm thực hiện Chương trình không chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhanh các dự án vào sản xuất kinh doanh, mà còn có thể định hình thể chế trong giai đoạn tới.

Thực tế, doanh nghiệp cần tiền, nhưng nếu giải quyết nhanh thủ tục hành chính cũng sẽ giúp họ huy động được nguồn lực xã hội, không phải trông chờ vào việc hạ lãi suất cho vay của ngân hàng. Thậm chí, nếu hạ lãi suất 2% nhưng thủ tục kéo dài hết năm này qua năm khác thì doanh nghiệp sẽ mất nhiều hơn được. Như vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng là cần thiết, nhưng chỉ thuần là giải pháp hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi kỳ vọng, giai đoạn hai năm thực hiện Chương trình sẽ như một “phòng chờ”, giai đoạn thí điểm thực hiện một số chính sách đặc thù, qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách thể chế của chúng ta. Tất nhiên, cùng với các chính sách đặc thù được Chính phủ đề xuất thí điểm áp dụng để rút gọn, đơn giản hóa thủ tục trong triển khai các dự án đầu tư công, vốn đầu tư toàn xã hội cũng cần được áp dụng một số chính sách thí điểm mang tính cởi mở, đơn giản, minh bạch và thuận lợi hơn trong thời gian tới.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn):

Tìm thêm giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động

nguy%E1%BB%85n%20th%E1%BB%8B%20th%E1%BB%A7y%20-%20%C4%91o%C3%A0n%20%C4%91%E1%BA%A1i%20bi%E1%BB%83u%20qu%E1%BB%91c%20h%E1%BB%99i%20t%E1%BB%89nh%20b%E1%BA%AFc%20k%E1%BA%A1n.jpg

Ảnh: Lâm Hiển

Các giải pháp hỗ trợ người lao động cần đặt ra hai mục đích. Trước hết là mời gọi người lao động quay trở lại các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế; thứ hai là để giữ chân người lao động. Các đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện khá rõ hai mục tiêu này. Ví dụ, sẽ hỗ trợ để mời gọi người lao động quay trở lại bằng cách hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng. Đối với những lao động đã quay trở lại và hiện đang làm việc trong doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng trong vòng 3 tháng.

Tuy vậy, mục đích giữ chân người lao động để phát triển lao động làm việc lâu dài tại doanh nghiệp hay một địa bàn chưa được thể hiện rõ. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, đứt gãy thị trường lao động vừa qua chủ yếu do người lao động rất vất vả, gặp nhiều khó khăn trước đại dịch nên đã phải dịch chuyển về quê. Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, 1,3 triệu lao động phải về quê, rất xót xa. Các báo cáo trình ra Quốc hội cũng nhận định lao động là vấn đề đại sự, không thể để một mình doanh nghiệp hay địa phương lo mà cả nước phải chung tay thực hiện.

Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất dành một lượng kinh phí hỗ trợ nhà trọ cho người lao động. Song, đối tượng được thụ hưởng chỉ bao gồm những người có quan hệ lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm. Trong khi đó, lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do hiện chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm. Đây cũng là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua. Hỗ trợ cho người lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm là rất đúng, song cần rà soát số lượng lao động tự do ở khu vực phi chính thức để hỗ trợ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận chính sách và đề nghị khoản chi 6,6 nghìn tỷ đồng phải tăng lên và mở rộng đối tượng...

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang):

Đánh giá rõ hơn các tác động bất lợi

26-10-c-shtt-nguyen-danh-tu-kien-giang-0750.jpg

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra những nội dung cụ thể đề nghị Chính phủ cần báo cáo giải trình, làm rõ hơn. Tôi đồng tình rất cao và cho rằng những vấn đề đã được chỉ ra là rất chính xác để bảo đảm hiệu quả của Nghị quyết khi được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, tôi đề nghị Chính phủ phân tích kỹ hơn, làm rõ hơn quy mô, giải pháp thực hiện các chính sách tiền tệ. Trong Tờ trình của Chính phủ, các nội dung về chính sách tài khóa được phân tích tương đối kỹ và rõ cả về quy mô gói hỗ trợ cũng như các nội dung, giải pháp, nhưng nội dung về quy mô, giải pháp thực hiện các chính sách tiền tệ chưa kỹ. Trong 6 nội dung chính sách tiền tệ được Chính phủ đề xuất thì có chính sách giảm lãi suất ngân hàng trong 2 năm 2022 - 2023 từ 0,5 - 1%, nhưng giải pháp nào để thực hiện được chính sách này thì chưa rõ. 5 nội dung còn lại cũng chưa rõ giải pháp.

Đối với nội dung đánh giá tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ trình Quốc hội, Chính phủ đưa ra 6 nội dung thì chủ yếu tập trung vào các tác động tích cực. Cần đánh giá rõ hơn những ảnh hưởng bất lợi khi thực hiện gói chính sách này, như tác động đến lạm phát, nợ công… và kèm theo đó là các giải pháp để đề phòng, ngăn ngừa những ảnh hưởng bất lợi này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021 - 2025 có thể cao hơn 25%, trong khi đó, phần đánh giá tác động thì nêu có thể có năm nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng lên phấn đấu trong cả giai đoạn 2021 - 2025 vẫn trong giới hạn 25%. Ở đây có sự vênh nhau, đề nghị Chính phủ rà soát lại vấn đề này, nếu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp vượt giới hạn 25% thì quy mô, đánh giá tác động, áp lực đối với nợ công trong cả giai đoạn sẽ phải khác.

Thanh Chi - Hoàng Ngọc - Thanh Hải - Hồ Long - Nguyễn Bình