Theo báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Kon Tum Khóa XII, Thường trực HĐND tỉnh đã rà soát, tổng hợp và chuyển 124 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và các cơ quan cấp tỉnh xem xét giải quyết, trả lời. Đến nay, trong 29 kiến nghị phải giải quyết, trả lời có 19 kiến nghị được giải quyết xong, chiếm 65,52%; 2 kiến nghị đang giải quyết, chiếm 6,89%; 8 kiến nghị sẽ giải quyết, chiếm 27,59%.
Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum nhận thấy việc xem xét, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể và tương đối sát, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối các nguồn lực hiện có của tỉnh. Sau khi xem xét, giải quyết, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã gửi kết quả đến các địa phương nơi cử tri có kiến nghị để thông tin cử tri biết mà không chờ đến khi đại biểu tiếp xúc cử tri (TXCT). Một số kiến nghị đã được UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra thực tế, trực tiếp gặp gỡ cử tri và nhân dân nên việc trả lời, giải quyết được thực hiện kịp thời.
Tuy vậy, vẫn còn một số nơi thực hiện chưa nghiêm kế hoạch TXCT trước và sau mỗi kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh. Vì vậy, còn một số ý kiến, kiến nghị chưa chính xác hoặc nội dung được quy định trong các văn bản pháp luật và quy định của các cơ quan thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp huyện, xã vẫn được tổng hợp, gửi về Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh giải quyết, trả lời. Một số vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị nhiều lần từ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay nhưng UBND tỉnh, các ngành chức năng và địa phương liên quan giải quyết chưa dứt điểm.
Nguyên nhân chính do lãnh đạo UBND và các cơ quan chuyên môn của cấp huyện, xã không nắm chắc chủ trương, quy định của cấp trên và tình hình thực tế ở địa phương nên khi cử tri có ý kiến, kiến nghị thì không thông tin, giải trình được. Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật ở cơ sở còn hạn chế nên cử tri không biết hoặc chưa hiểu thấu đáo dẫn đến kiến nghị nhiều lần. Một số Tổ đại biểu thực hiện chưa nghiêm việc họp tổ sau khi hoàn thành TXCT để tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri...
Để giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là các kiến nghị nhiều lần, Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum cho rằng, UBND tỉnh chủ trì, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân để xem xét giải quyết. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tập trung giải quyết các kiến nghị liên quan đến bồi thường thiệt hại cho nhân dân do quá trình thi công các tuyến đường giao thông, vận hành của các thủy điện... gây ra; xem xét, ưu tiên bố trí đầu tư, nâng cấp các dự án, công trình thiết yếu nhân dân đang bức xúc, kiến nghị nhiều lần; tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận, chia sẻ và tích cực thực hiện chủ trương chung của tỉnh.
Phát huy vai trò Tổ trưởng Tổ đại biểu
Trong 10 Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum Khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 7 đại biểu đang giữ chức Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy; 2 đại biểu đang giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; 1 đại biểu là cấp phó của một Ban Đảng ở cấp huyện vừa được thay thế.
Với trách nhiệm của đại biểu, người đứng đầu các địa phương, Tổ trưởng Tổ đại biểu có vai trò rất quan trọng trong công tác TXCT. Vì vậy, cần phát huy vai trò của Tổ trưởng trong chỉ đạo, phân công lãnh đạo UBND, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, xã tham gia TXCT và bảo đảm phải là người có trách nhiệm, nắm vững quy định của pháp luật, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp mình, ngành mình để việc thông tin, giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri ngay tại hội nghị TXCT được kịp thời, chính xác.
Ngay sau khi hoàn thành TXCT, Tổ trưởng Tổ đại biểu phải tổ chức họp Tổ đại biểu HĐND với Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện để tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đúng thẩm quyền giải quyết của từng cấp. Đồng thời, đôn đốc các đại biểu trong Tổ theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của chính quyền các cấp trên địa bàn ứng cử; kịp thời thông tin, báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh những kiến nghị đã được cơ quan chức năng trả lời, giải quyết hoặc hứa trả lời giải quyết nhưng không đúng thực tế, tiến độ, cử tri tiếp tục kiến nghị để có chỉ đạo, xử lý kịp thời. Trường hợp cần thiết, tổ chức giám sát hoặc đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét, chất vấn để làm rõ theo quy định.
Bài và ảnh: HẢI HIỂN Nguồn: Báo ĐBND