Ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, tỉnh không thể "vượt rào" quy định của Trung ương. Ảnh: Thành Cường
Trên cơ sở đặt vấn đề của đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại hội trường, liên quan đến các nội dung được đại biểu HĐND tỉnh băn khoăn đặt ra tại phiên thảo luận tổ vào chiều ngày 7/12, ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã giải trình về việc bố trí các chức danh những người không chuyên trách ở cấp xã và chế độ, chính sách cho chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản.
Liên quan đến đề xuất bổ sung chức danh thú y và bảo vệ thực vật - khuyến nông - khuyến lâm, nhưng không điều chỉnh tăng số lượng và tổng mức khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, trong Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND quy định 11 chức danh, trong đó có 2 chức danh Trưởng ban Bảo vệ dân phố, Phó trưởng ban Bảo vệ dân phố (đối với phường).
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường
Như vậy, hiện tại ở các địa phương hiện chỉ có 9 chức danh, trong khi đó số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã theo quy định được bố trí 12 người (xã loại I), 11 người (xã loại II) và 10 người (xã loại III).
Vì vậy, khi bổ sung thêm 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật không làm ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp, bố trí ở cơ sở, trừ xã loại III quy định chỉ bố trí số lượng 10 người thì sẽ có 1 chức danh bố trí kiêm nhiệm hoặc tùy vào nhu cầu thực tiễn của địa phương để lựa chọn sắp xếp phù hợp.
Tại phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình tiếp tục đặt vấn đề liên quan đến đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh về bổ sung chức danh quản lý nhà văn hóa - đài truyền thanh, thay thế chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và quan điểm của Sở Nội vụ trong vấn đề này như thế nào?
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Thành Cường
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, theo Kết luận 34 của Tỉnh ủy, nhiệm vụ quản lý nhà văn hóa - đài truyền thanh được giao cho công chức văn hóa kiêm nhiệm, nên Sở Nội vụ chưa có cơ sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, bổ sung chức danh này.
Liên quan đến đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh nên đưa các khối vào nhóm xóm, bản có từ 350 hộ gia đình trở lên; xóm, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới (hay còn gọi là nhóm 1) để nâng chế độ phụ cấp cho khối trưởng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng việc không đưa loại hình khối vào nhóm 1 theo như Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.
Các chi đoàn, chi hội là lực lượng nòng cốt tham gia tổ Covid cộng đồng ở cơ sở. Ảnh minh họa: Mai Hoa
Ông Trần Quốc Chung cũng trao đổi, làm rõ băn khoăn của đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 7/12 về chế độ bồi dưỡng cho chi hội trưởng Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi và bí thư chi đoàn, mức đề xuất 350 - 400 nghìn đồng/người/tháng (tùy theo loại xóm) là quá thấp so với khối lượng công việc này đảm nhận, nhất là không động viên được đội ngũ này, ảnh hưởng đến phong trào, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Chia sẻ khó khăn, vất vả và mức bồi dưỡng được đề xuất hỗ trợ cho những người hoạt động ở khối, xóm, bản thấp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng khẳng định, các cơ chế chính sách được xây dựng trên cơ sở xem xét, đảm bảo tương đồng, công bằng với các chức danh bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng ban công tác mặt trận ở xóm… theo các quy định của Trung ương, tỉnh không thể “vượt rào”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho rằng, việc thực hiện sáp nhập xóm, xã được thực hiện theo chủ trương sắp xếp, kiện toàn, tinh giản bộ máy của Trung ương nhằm tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Vì vậy mong muốn các địa phương động viên đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Mai Hoa