Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức bộ máy trong các cơ quan hành chính nhà nước, huyện Quế Phong đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện từ huyện đến cơ sở; xây dựng kế hoạch lộ trình tinh giản biên chế.
Theo đó, trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, đến thời điểm hiện tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện số lượng biên chế đã giảm được 10% theo quy định so với năm 2015.
Về đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện, từ chỗ 10 đơn vị, sau sáp nhập hợp nhất hiện nay còn 5 đơn vị.
Huyện cũng đãtiến hành sáp nhập các trường học và chuyển đổi một số trường Trung học cơ sở sang trường Trung học cơ sở bán trú, sáp nhập các tổ chuyên môn bộ môn trong các trường học.
Theo đánh giá của UBND huyện Quế Phong, việc tinh giản biên chế theo kế hoạch, lộ trình đã xây dựng góp phần làm tinh gọn tổ chức bộ máy, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý hơn, giảm được số lượng cán bộ, công chức, viên chức, từ đó giảm ngân sách chi trả lương, phụ cấp, tiết kiệm được nguồn kinh phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế địa phương gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Lâm – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Quế Phong phản ánh: Theo quy định các đơn vị sự nghiệp công lập nếu có dưới 15 biên chế phải thực hiện sáp nhập, hiện trên địa bàn huyện Quế Phong có 2 đơn vị sự nghiệp công lập, đó là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Nếu thực hiện hai đơn vị này thì không phù hợp vì hai đơn vị này không trùng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy.
Theo quy định giảm 10% số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục và đào tạo rất khó thực hiện, vì số lượng người làm việc phải theo kế hoạch trường lớp. Đề nghị cấp trên quy định cụ thể về thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục và Đào tạo, góp phần vừa đảm bảo đúng chủ trương Nghị quyết, vừa đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định.
“Việc tinh giản không nên thực hiện theo cơ học là giảm 5% với công chức, 10% đối với viên chức mà nên vận dụng linh hoạt, phù hợp với vị trí việc làm, phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị”- đồng chí Nguyễn Quốc Lâm đề xuất.
Đồng chí Lưu Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Quế Phong bày tỏ: Khó khăn hiện nay ở Quế Phong đó là việc thực hiện tinh giản cán bộ, công chức ở cấp xã đang có tình trạng thừa, thiếu chức danh. Một số xã thừa cán bộ, công chức nhưng không chuyển sang chức danh khác vì do đặc thù chuyên môn. Bên cạnh đó, việc bố trí chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên xã theo quy định khi hết tuổi sang chức danh khác gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, huyện Quế Phong phản ánh bất cập trong thực hiện chế độ đối với giáo viên biệt phái, thuyên chuyển vị trí việc làm của cán bộ, công chức ở các phòng, ban; cho phép tuyển dụng chức danh y tế học đường và kế toán đối với các đơn vị thiếu các chức danh này; khó khăn bố trí cán bộ sau sáp nhập xã, đơn vị sự nghiệp công lập,…
Huyện Quế Phong kiến nghị tỉnh giúp tuyển dụng biên chế các huyện còn thiếu định biên, Sở Nội vụ và các sở, ngành hướng dẫn các huyện bố trí cán bộ cấp trưởng, cấp phó sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập,...
Đối với các phản ánh, kiến nghị của địa phương, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp kiến nghị đến UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Lê Thanh