Đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ
Tính đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 227.176ha cây trồng các loại sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic… Trong đó, có 46.307ha cây trồng có chứng nhận, 55 mã số vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, có khoảng 231.000ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng tham gia liên kết gồm 81 HTX, 72 tổ hợp tác, hơn 11.860 hộ nông dân và trên 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi liên kết. Toàn tỉnh đã có 214 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh (chương trình mỗi xã một sản phẩm chủ lực). Các sản phẩm đều được ứng dụng công nghệ cao, đạt năng suất và chất lượng tốt, giảm giá thành.
Điển hình cho việc ứng dụng công nghệ cao là tại huyện Đak Đoa, sau gần 6 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đưa các giống chất lượng vào sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Ví dụ như cây cà phê, thay vì tập trung mở rộng diện tích thì người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, tưới tiết kiệm nước để tăng năng suất, chất lượng, tập trung vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo các chứng nhận về nông nghiệp sạch gắn với chế biến. Qua đó, tạo ra những sản phẩm OCOP đặc trưng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đến nay, huyện Đak Đoa đã có 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 17 sản phẩm đạt 3 sao.
Tương tự, tại huyện Chư Sê, nhiều HTX cũng đã chọn hướng áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao để sản xuất cà phê hữu cơ, nhằm kinh doanh bền vững. Ví dụ HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ia Ring đã liên kết với Công ty Vĩnh Hiệp canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C với diện tích 150 ha. Tham gia chuỗi liên kết, các thành viên HTX và hộ dân ở đây được chuyển giao các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào mọi quy trình sản xuất nhằm bảo đảm hiệu quả, tăng năng suất và tiết kiệm chi phí. Đồng thời, các hộ dân còn được HTX tạo điều kiện mua phân bón rẻ hơn thị trường. Nhờ vậy vào mùa thu hoạch, lợi nhuận của các xã viên tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Trình, nông dân ở huyện Chư Sê cho biết, từ khi tham gia HTX, năng suất, chất lượng, thu nhập từ 4ha cà phê của gia đình tăng lên đáng kể. Bình quân mỗi năm đạt trên 5 tấn/ha, tăng khoảng 20% so với trước đây. Trừ hết chi phí đi thì thu nhập bình quân đầu người trong hộ gia đình của ông tăng 30% so với trước đây.
Hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn
Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai Lưu Trung Nghĩa cho biết, thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả khả quan. Tư duy sản xuất của người dân từng bước thay đổi, nhiều bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng dần qua từng năm, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh ngày càng được nâng cao cả về chất lượng lẫn giá trị. Năm 2022, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tìm hiểu thực tế tại huyện Đak Đoa, phóng viên ghi nhận huyện đang tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, kiện toàn bộ máy HTX theo mô hình HTX kiểu mới để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với chế biến. Nhờ vậy, huyện mới có điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biến sâu nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh, thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tham mưu giúp UBND huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.