Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghệ An từng là căn cứ của quân đội Pathet Lào, là một mũi xuất phát tấn công trong chiến dịch Thượng Lào; đóng góp quan trọng trong thắng lợi của chiến dịch Trung và Hạ Lào, góp phần làm phá sản kế hoạch Nava, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập cho 3 nước Đông Dương. Bước sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An và tỉnh Xiêng Khoảng tiếp tục phối hợp chẽ trong xây dựng, bảo vệ căn cứ địa; phối hợp tác chiến, giúp đỡ vùng giải phóng của Lào hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định sản xuất và đời sống cho Nhân dân.

Phối hợp xây dựng, bảo vệ căn cứ địa cách mạng
Thực hiện Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào (1954), sau khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào, phái Hữu ra sức mua chuộc, lôi kéo Nhân dân làm cho tình thế, tình hình Lào trở nên nghiêm trọng. Việc xây dựng căn cứ địa và lực lượng cách mạng ở 10 tỉnh do Vương quốc Lào quản lý trở thành yêu cầu cấp bách. Trước yêu cầu đó tỉnh Nghệ An đã cử cán bộ sang tỉnh Xiêng Khoảng trực tiếp giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, tăng cường công tác tuyền truyền, dân vận trong Nhân dân các bộ tộc Lào, tạo chuyển biến tích cực về lập trường chống Mỹ và tay sai của lực lượng trung lập ở khu vực Trung Lào. Mặt khác, Xiêng Khoảng là địa bàn căn cứ quân sự đầu não Long Chẹng của tướng phỉ Vàng Pao, là trung tâm chỉ huy chiến lược của CIA tại Lào. Xác định đây là địa bàn hết sức nhạy cảm, tháng 8/1960, Nghệ An đã phối hợp với Quân khu 4 đưa các đội công tác vũ trang sang Xiêng Khoảng phát động phong trào đấu tranh. Từ sự giúp đỡ của Nghệ An căn cứ địa kháng chiến tại Xiêng Khoảng ngày càng được mở rộng, cơ sở cách mạng ngày càng vững chắc, nhiều tiểu đoàn được thành lập.
Cuối năm 1954, phái Hữu mở chiến dịch khủng bố, cấu kết với quân đội Sài Gòn tổ chức các hoạt động gián điệp xâm nhập vào phía Tây Nghệ An để kích động, lôi kéo đồng bào các dân tộc ít người nhằm chia rẽ đoàn kết Lào - Việt. Tháng 8/1955, địch lôi kéo 32 gia đình với 236 người ở Na Ngoi, Mường Lống (Nghệ An) chạy sang Lào. Ngày 19/10/1955, 160 tên phỉ tấn công cướp phá vùng Keng Đu, hỗ trợ nhóm phỉ Lê Văn Giáo, Lò Văn Thi hoạt động phá hoại. Vấn đề đặt ra đối với Nghệ An là phải bảo đảm an toàn biên giới phía Tây, giúp Lào xây dựng các căn cứ địa dọc biên giới Việt - Lào để tiếp nhận viện trợ từ Việt Nam. Xuất phát từ yêu cầu đó, Tỉnh uỷ Nghệ An đã phối hợp với Quân khu IV triển khai lực lượng chốt giữ các cửa khẩu sang Lào và tấn công tiêu diệt bọn thổ phỉ.

Tháng 5/1959, dưới sự chỉ đạo của Mỹ, quân đội Viêng Chăn đã huy động lực lượng bao vây Tiểu đoàn 2 của quân chủ lực Pathet Lào ở Cánh đồng Chum. Trước tình thế hết sức hiểm nguy của cách mạng Lào, tháng 6/1959 lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Quân khu 4 vượt biên giới đánh địch, giúp Tiểu đoàn 2 phá vây rút về tập kết tại huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An). Sau khi tập kết tại Nghệ An, Trung tâm đào tạo cán bộ Xuân Thành - Phủ Quỳ - Nghệ An đã giúp ban huấn luyện và bổ sung quân số, phát triển thành 3 tiểu đoàn lấy phiên hiệu: Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 4. Các tiểu đoàn được trang bị đầy đủ quân trang, quân dụng, vũ khí. Đây là những đơn vị chủ lực đầu tiên của cách mạng Lào trong kháng chiến chống Mỹ được xây dựng và phát triển trên địa bàn Nghệ An.
Tháng 12/1960, Quân khu 4 phối hợp với Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Pathet Lào mở chiến dịch giải phóng Nọong Hét (Xiêng Khoảng). Đây là cuộc tấn công chiến lược nằm trong kế hoạch giải phóng Cánh đồng Chum. Trong chiến dịch này tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ huy động lực lượng dân công hoả tuyến làm công tác hậu cần và lực lượng vũ trang địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ cho quân chủ lực hành quân tham gia chiến dịch. Sau 3 ngày chiến đấu, toàn bộ khu vực Noọng Hét đã được giải phóng, mở đầu cho thắng lợi của liên quân Lào - Việt tại Cánh đồng Chum. Từ tháng 3 đến tháng 7/1962, lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đã phối hợp với lữ đoàn 324 và quân dân Xiêng Khoảng giải phóng đồn Noọng Hét và Bản Ban, diệt và bắt 230 tên địch, giam chân và tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, tạo điều kiện cho chiến dịch Luông Nậm Thà giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc hành lang Quốc lộ 7, cửa ngõ từ Nghệ An vào Xiêng Khoảng. Tháng 7/1964, khi các toán phỉ tấn công vào xã Bảo Nam, Kỳ Sơn (Nghệ An), lực lượng vũ trang Nghệ An và Quân khu 4 đã phối hợp với quân dân Xiêng Khoảng tiêu diệt gọn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm địch, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ Nhân dân. Năm 1968, trong khi quân và dân miền Nam Việt Nam tiến hành cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, thì trên chiến trường Lào, 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương của Tỉnh đội Nghệ An phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Xiêng Khoảng giải phóng các xã Tài Xiêng, Tham Tác, Khu Khẹ, Tổng Khư (huyện Mường Pẹc). Trên hướng Quốc lộ 7, 1000 dân công Nghệ An cùng với lực lượng Quân khu 4 và quân dân Xiêng Khoảng ngày đêm bám sát trận địa bảo vệ Quốc lộ 7, kho, trạm để đảm bảo chi viện cho Chiến dịch 139 và bảo vệ cửa ngõ vào Xiêng Khoảng.

Từ năm 1969, đế quốc Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường Lào. Để thực hiện chiến lược này, Mỹ đã tăng cường viện trợ cho Vàng Pao vũ khí, tiền bạc xây dựng căn cứ kiên cố ở Mường Moọc (tỉnh Xiêng Khoảng). Sự tồn tại căn cứ của Vàng Pao không những cắt đứt thế liên hoàn của vùng giải phóng Bắc và Trung Lào, mà còn uy hiếp trực tiếp miền Tây tỉnh Nghệ An. Chính vì vậy, Quân uỷ Trung ương đã giao cho lực lượng vũ trang Quân khu IV và Tỉnh đội Nghệ An phối hợp tấn công tiêu diệt căn cứ này. Tỉnh đội Nghệ An đã huy động Tiểu đoàn 42 và Đại đội 18 đặc công, Đại đội 211 của huyện Tương Dương và 170 dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu. Ngày 16/2/1969, hai căn cứ quan trọng của Vàng Pao ở Mường Ngát và Tham Tạt đã bị xoá sổ. Sau thắng lợi này, lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An tiếp tục tấn công vào Nâm Mộ, cửa ngõ vào trung tâm Mường Moọc. Để giành lại thế chủ động trên chiến trường Lào, tháng 7 - 1969, Mỹ và lực lượng thân Mỹ đã tập trung binh lực mở chiến dịch “Cù Kiệt” đánh vào cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, kiểm soát đường số 7 để bịt cửa ngõ vào Xiêng Khoảng từ hướng Nghệ An sang. Trước âm mưu của địch, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Chỉ huy tối cao Quân Giải phóng nhân dân Lào phối hợp mở chiến dịch phản công ở Cánh Đồng Chum với mật danh là “Chiến dịch 139”. Lực lượng vũ trang và 1800 dân công tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ phối hợp với Xiêng Khoảng tác chiến hướng đường số 7. Qua 3 tháng phối hợp tác chiến, từ tháng 10 đến tháng 12/1969 một loạt cứ điểm quan trọng như Sa Nọi, Keo Hom, Mường Mộc được giải phóng; tiêu diệt 253 tên phỉ, giải phóng hơn 1600 người dân. Để cứu vãn tình hình tại Lào, đế quốc Mỹ huy động lực lượng mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào, hòng thay đổi tương quan trên chiến trường, quân và dân tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ phục vụ hậu cần cho chiến dịch. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng quân dân Nghệ An hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào chiến thắng Đường 9 - Nam Lào.
Trong chiến dịch phòng ngự Cánh đồng chum Nghệ An được giao nhiệm vụ làm hậu phương trực tiếp của “Chiến dịch. Thực hiện nhiệm vụ trong tháng 3 - 4/1972, quân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Quân khu IV chuyển 5.000 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men. Từ tháng 9-11/1972, hơn 3.000 dân công hỏa tuyến của Nghệ An, Hà Tĩnh đã vượt Trường Sơn phục vụ chiến trường Trung Lào và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, góp phần thắng lợi Chiến dịch. Trước tình thế không thể cứu vãn, ngày 2/2/1973, Mỹ đã phải chấp nhận ký Hiệp định Viêng Chăn, mở đường cho sự ra đời nước CHDCND Lào vào 02/12/1975.
Trong hợp tác xây dựng chính quyền
Sau năm 1965, cùng với việc phối hợp xây dựng vùng giải phóng Lào, Nhân dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với tỉnh Xiêng Khoảng đón Nhân dân Lào sơ tán. Nghệ An là tỉnh tổ chức đón tiếp Nhân dân Lào tản cư sớm nhất và nhiều nhất. Chỉ tính từ năm 1969 đến năm 1972, tỉnh Nghệ An đón gần 20.000 người Lào sơ tán. Sau khi chính phủ kháng chiến Lào đã chuyển về Sầm Nưa, Lào bước vào xây dựng khu giải phóng theo mô hình của một quốc gia thu nhỏ.
Để giúp Lào, tháng 12/1967, tỉnh Nghệ An cử đoàn chuyên gia gồm 37 người, chia làm 8 tổ sang giúp đỡ các địa phương tỉnh Xiêng Khoảng; năm 1968 tỉnh Nghệ An tiếp tục cử 49 chuyên gia, chia làm 20 tổ tiếp tục sang công tác ở 4 huyện Mường Pẹc, Mường Khăm, Noọng Hét và Mường Mọoc. Trong những năm 1969 - 1975, quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng ngày càng được tăng cường, công tác viện trợ ngày càng được quan tâm. Tỉnh Nghệ An đã cử 12 đợt chuyên gia, viện trợ hơn 40 triệu đồng bằng hiện vật giúp Xiêng Khoảng ổn định sản xuất và đời sống.
Bước ra khỏi chiến tranh, hai tỉnh tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trong thời kỳ mới - thời kỳ hợp tác đặc biệt trên tất cả các lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 251-NQ/TW, ngày 30/4/1976 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Tỉnh Nghệ An đã tăng cường trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về chủ trương, đường lối cách mạng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giúp Xiêng Khoảng; giúp Xiêng Khoảng về vốn, về chuyên gia, kỹ thuật, về chính trị quốc phòng - an ninh, giao thông - vận tải... Thành công lớn nhất của quan hệ hợp tác hai tỉnh giai đoạn này là tập trung giải quyết những vấn đề biên giới liên quan đến hai tỉnh.
Sang thời kỳ đổi mới, quan hệ giữa Nghệ An và Xiêng Khoảng có điều kiện phát triển và được khai thác toàn diện giữa các tổ chức, các ngành và các cấp tương đương, thông qua các hình thức kết nghĩa, ký kết hợp tác hàng năm. Theo đó, quan hệ hợp tác Nghệ An - Xiêng Khoảng chuyển từ liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực an ninh quốc phòng, “đối ngoại Nhân dân”.
Đến đầu năm 2022 tỉnh Nghệ An đã phối hợp với tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng tổ chức kết nghĩa 18 cặp xã đồn biên giới. Hợp tác kinh tế ngày càng được quan tâm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Xiêng Khoảng qua Cửa khẩu Nậm Cắn trong năm 2021 và quý 1 năm 2022 đạt gần 38,6 tỷ đồng. Các chương trình phối hợp giữa các ngành quân sự, công an, tư pháp, các tổ chức đoàn thanh niên...hai tỉnh được ký kết thường niên, góp phần thể hiện sinh động chủ trương “đối ngoại Nhân dân” và đường lối đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, trong bối cảnh lịch sử mới, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa của thế giới, sự hợp tác trên lĩnh vực kinh tế hướng tới hai bên cùng có lợi ngày càng trở thành xu thế chủ đạo, coi đó là hướng hợp tác cơ bản, lâu dài. Vì vậy để nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới, hai tỉnh cần đưa ra những bổ sung điều chỉnh nội dung, phương thức, cơ chế hợp tác thích hợp. Trong đó ưu tiên sự hợp tác toàn diện trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý thức độc lập tự cường, phát huy thế mạnh của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, đồng thời dành sự ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau. Không ngừng gắn bó, thắt chặt mối quan hệ để cùng nhau vun đắp, giữ vững tình đoàn kết đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách đối ngoại Nhân dân, bảo vệ an toàn khu vực biên giới; cùng hợp tác tương trợ bảo vệ vững chắc biên giới, hòa bình, hữu nghị, kịp thời đập tan các âm mưu chống phá của thế lực thù địch, tăng cường công tác hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm dọc biên giới, nhất là tội phạm về ma túy.
Kim Lưu